Dạy trẻ kỹ năng 'sinh tồn' khi tham gia phương tiện giao thông công cộng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cùng với những ứng xử lịch sự khi tham gia phương tiện giao thông công cộng, trẻ cũng cần học được cách bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình.

Trẻ cần học kỹ năng bảo đảm an toàn cho bản thân khi tham gia phương tiện công cộng. Ảnh minh hoạ
Trẻ cần học kỹ năng bảo đảm an toàn cho bản thân khi tham gia phương tiện công cộng. Ảnh minh hoạ

Những bài học cơ bản

Cô Nguyễn Như Thùy, Trưởng phòng Hành chính Trường Tiểu học Quốc tế IVS (Hà Nội) cho hay, hầu hết những trường tổ chức xe đưa đón học sinh đều trang bị kiến thức an toàn trên xe đối với tài xế, người quản lý và cả học sinh. Tuy nhiên, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ những kỹ năng cơ bản để không chỉ là xe của trường mà khi tham gia các loại hình khác, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm ở con.

Theo cô Thuỳ, nhà trường thường có những bài học cho trẻ khi sử dụng xe đưa đón của trường. Đối với ô tô đang di chuyển, học sinh ngồi ở hàng ghế sau không được đứng lên hay đi lại. Trẻ không thò bất kỳ bộ phận cơ thể nào ra bên ngoài xe. Đây là hành động tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, vì trẻ có thể bị va quệt khi xe ở hướng đối diện di chuyển đến gần.

Cô Thuỳ thông tin, hầu hết những trường hợp tử vong do tai nạn xe buýt trường học là trẻ 5 - 7 tuổi. Các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong “vùng nguy hiểm” xung quanh xe buýt là trong khoảng cách khoảng 3m ở phía trước, phía sau và ở hai bên sườn xe. Đây là điều các bậc phụ huynh cần lưu ý và dạy con mình một số quy tắc an toàn đơn giản. Ví dụ, trẻ nên tránh vùng xung quanh xe buýt, nên đứng cách xe ít nhất 3m hoặc càng xa càng tốt...

Hãy tới bến xe buýt sớm ít nhất 5 phút trước giờ khởi hành. Khi xếp hàng lên xe, trẻ nên đứng vuông góc với xe, không xếp hàng dọc theo xe để tránh bị rơi vào điểm mù 3m xung quanh xe, khiến tài xế không quan sát được… Đặc biệt, chỉ bước lên khi chiếc xe dừng lại hẳn, cửa đã mở và tài xế thông báo có thể lên xe.

Khi bước lên xe, cần phải bám chắc vào tay vịn để tránh bị ngã. Còn khi xuống xe, học sinh hãy đảm bảo rằng quần áo hoặc cặp sách của mình không bị vướng vào tay vịn hoặc cửa ra xe.

Không bao giờ đi bộ hoặc băng qua đường ở ngay phía sau xe buýt, vì tài xế có thể không quan sát được và dẫn đến những trường hợp nguy hiểm.

Không vội vàng lên, xuống khi xe vẫn đang lăn bánh, vì có thể sẽ bị ngã... Đồng thời nắm chắc tay vịn khi ở trên xe, tránh trường hợp tài xế phanh gấp. Trẻ cũng không tranh giành chỗ ngồi hay đùa nghịch trên xe. Không nên đứng, ngồi gần cửa ra vào xe bus công cộng vì đây là khu vực khá nguy hiểm. Ngoài ra, cần lưu ý bến xe, tuyến đường để tránh trường hợp đi quá điểm cần dừng.

Cô Thuỳ cũng thông tin thêm, cũng có những tai nạn đáng tiếc xảy ra liên quan đến xe công cộng. Tai nạn thường xảy ra lúc trẻ đang đợi, lên hoặc xuống xe. Vì vậy, cha mẹ, giáo viên cần dạy trẻ chờ xe ở nơi an toàn như nhà chờ xe buýt hoặc trên vỉa hè để tránh xe cộ trên đường có thể va quệt.

“Người lớn cũng nên dạy trẻ khi ra khỏi xe cần quan sát cẩn thận giao thông trên đường. Đặc biệt con cần được hướng dẫn quan sát khi mở cửa xe để tránh xảy ra tai nạn”, cô Thuỳ nhấn mạnh.

Những tình huống xấu

Ngoài những bài học trên lớp, cha mẹ cần trang bị cho con cách xử lý những tình huống có thể xảy ra khi tham gia các loại hình giao thông công cộng.

Tình trạng trộm cắp, móc túi trên các phương tiện công cộng không phải hiếm gặp. Do đó, các tài sản như ví tiền, điện thoại... cần được bảo quản cẩn thận. Không để đồ ở túi áo hoặc túi quần. Trước khi xuống xe, trẻ cần quan sát xem có để quên đồ đạc hay không.

Bên cạnh đó, phương tiện công cộng vốn đông người nên đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, virus lây lan. Do đó, trẻ cần đeo khẩu trang thường xuyên trên xe. Điều này vừa bảo vệ trẻ vừa tránh được việc lây lan vi khuẩn cho mọi người nếu trẻ bị cúm hoặc bệnh hô hấp khác.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie từng báo động đỏ trong toàn hệ thống về việc đưa đón học sinh bằng xe bus của trường. Theo đó, ngoài việc trang bị kỹ năng cho trẻ, cần có những lưu ý đối với cả lái xe và quản lý phải kiểm tra xe trước khi về bãi tập kết, đồng thời báo cáo về Trung tâm Quản lý xe theo quy định.

Học sinh có thể ngã hoặc va vào phương tiện khác khi lên xuống xe. Vì vậy, lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng, mở cửa xe và chuyển bánh. Xe có thể đụng phải học sinh khi ra, vào nơi tập kết đón học sinh lúc tan trường. Do đó, lái xe phải đi chậm và tuân theo sự dẫn dắt của giám thị.

“Phụ huynh cũng nên dặn con mình trong trường hợp phát hiện để quên đồ ở trên xe thì không nên tự ý quay lại lấy đồ mà không báo trước với tài xế hay giáo viên đi kèm. Đồng thời, các cha mẹ cũng nên khuyến khích con mình lắng nghe hướng dẫn của giáo viên và người lái xe trong mỗi chuyến đi”, Hiệu trưởng Trường Marie Curie chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.