Dạy trẻ kỹ năng phòng tránh điện giật

GD&TĐ - Các mối nguy hiểm đến với trẻ trong nhà cũng như ngoài đường, ở lớp học có rất nhiều nhưng có lẽ đến từ điện là nỗi ám ảnh đối với bậc cha mẹ.

Trẻ cần được dạy về những nguy hiểm khi sử dụng điện không đúng cách. Ảnh minh họa.
Trẻ cần được dạy về những nguy hiểm khi sử dụng điện không đúng cách. Ảnh minh họa.

Bởi thế nên ngay từ khi con còn bé, chúng ta luôn miệng nhắc con phải tránh xa ổ điện, dây điện, quạt điện và các thiết bị liên quan đến điện.

Các ông bố, bà mẹ ý thức được rằng mối nguy hiểm từ điện sẽ khiến trẻ gặp tai nạn vô cùng nguy hiểm đến tính mạng chỉ trong thời gian ngắn.

Cô giáo Nguyễn Thu Hường (Trường Phổ thông Liên cấp IQ) chia sẻ kỹ năng mà cha mẹ và thầy cô cần dạy con liên quan đến việc sử dụng điện và phòng tránh điện giật:

Không sử dụng thiết bị điện khi tay ướt: Nước là vật dẫn điện mạnh vì vậy cần dạy con không được phép chạm vào phích cắm điện hoặc các đồ dùng điện (nồi cơm, ấm siêu tốc, công tắc điện...) ngay nếu tay còn dính nước.

Không chạm vào bất kỳ dây điện treo lơ lửng: Các dây điện treo lơ lưng rất dễ va chạm với vật thể khác và có nguy cơ bị rò rỉ, bị đứt mà ta không thấy. Do đó, hãy tránh những dây điện này, tuyệt đối không chạm vào để tránh bị giật. Đồng thời, hãy hướng dẫn trẻ tránh xa kể cả trong nhà hay ra ngoài đường.

Giúp bé hiểu sự nguy hiểm của điện: Đa số trẻ nhỏ đều tò mò và lần đầu tiếp xúc với ổ điện chúng có thể thò tay hoặc đưa một vật dụng vào ổ điện. Vì thế, cha mẹ nên giải thích rõ với con về mức độ nguy hiểm khi đưa vật lạ vào ổ điện một cách đơn giản, dễ hiểu.

Trước tiên, người lớn cần giải thích rõ với con rằng điện là nguồn năng lượng mạnh và có thể gây nguy hiểm nếu con không dùng theo chỉ dẫn của người lớn. Cha mẹ có thể kết hợp các bài học, phim ảnh, tài liệu để dạy con những kiến thức cơ bản về điện như: Chạm vào điện, con có thể gặp triệu chứng giật, sốc điện, rối loạn nhịp tim, nặng nhất là tử vong; Khi điện bị chập, nó có thể gây ra cháy nổ hoặc bị hỏng; Nếu không có người lớn thì không được tự làm…

Hạn chế đùa nghịch, chơi ở nơi có ổ cắm, dây điện: Rất khó để chắc chắn toàn bộ thiết bị, đồ điện đều an toàn, vì vậy hãy nhắc nhở con và các bạn không được đùa nghịch, chơi xung quanh gần nơi có ổ cắm, dây điện. Hãy giải thích với con rằng chơi ở những khu vực có nhiều dây điện có thể khiến con vấp ngã, thậm chí nếu con làm đổ nước sẽ gây ra chập điện và dễ bị điện giật.

Không nên tự ý cắm, rút phích cắm các thiết bị điện: Với các bạn đã lớn, có nhận thức rõ ràng về điện, cha mẹ cần dạy con cách cắm, rút phích điện đúng cách. Thời gian đầu, nên theo dõi và yêu cầu con khi cần cắm hoặc rút điện, hãy báo cho người lớn. Khi con đã biết cách dùng an toàn, hãy cho phép con tự thực hiện và luôn nhắc nhở về những nguy hiểm khi không dùng đúng cách.

ky-nang-phong-tranh-dien-giat-3-6594-381.jpg
Ảnh minh họa.

Tuyệt đối không để nước gần các đồ điện, ổ cắm: Nước có khả năng dẫn điện nhanh và mạnh, vì vậy cha mẹ yêu cầu con tránh xa những nơi như nhà vệ sinh, nhà bếp vì đây đều là nơi lắp nhiều thiết bị nước và đồ điện chung. Ngoài ra, người lớn cũng cần ý thức về việc đặt đồ điện ở những khu vực nhiều nước, chẳng hạn như đặt sạc điện thoại, máy sấy tóc lên bồn rửa tay,...

Không tự ý di dời các thiết bị điện trong nhà: Tương tự việc tự ý cắm rút phích, trẻ cũng không được phép di chuyển đồ điện khi chưa được sự đồng ý của người lớn. Nếu trẻ đã có nhận thức tốt, cha mẹ cần dặn con khi muốn sử dụng đồ điện, hãy xin phép và nhờ người lớn trợ giúp để lấy đồ điện an toàn.

Trường hợp trẻ còn nhỏ, hãy luôn giám sát và giúp đỡ con nếu con muốn dùng đồ điện trong nhà. Điều này cần duy trì cho đến khi con chắc chắn hiểu biết rõ về điện và biết cách sử dụng điện an toàn.

Báo ngay cho người lớn khi phát hiện điện cháy, có mùi khét: Cuối cùng, đây là một kỹ năng quan trọng thể hiện hiểu biết của trẻ về sự nguy hiểm của điện. Hãy dạy con khi phát điện cháy, ngửi thấy mùi khét ở khu vực gần đó, hãy nhanh chóng báo ngay cho ba mẹ. Trường hợp ba mẹ không ở nhà, con cần rời khỏi khu vực đó và gọi báo ngay cho cha mẹ để ba mẹ nhờ người trợ giúp.

Trẻ có thể gặp đồ điện ở bất cứ đâu, vì vậy không chỉ ở nhà, cha mẹ cần hướng dẫn con cách sử dụng điện an toàn, đúng cách khi đi ra ngoài.

Không tò mò đến gần trạm biến áp, cột điện: Trên các con phố, trạm biến áp và cột điện được dựng rất nhiều và luôn có nguy cơ rò rỉ. Hơn nữa, dòng điện từ các trạm này đều có cường độ mạnh gấp nhiều lần ở nhà và dễ gây tử vong nếu đến gần. Cha mẹ cần giúp con hiểu rõ về sự nguy hiểm này và cảnh báo con tránh xa khu vực có trạm biến áp, không chơi đùa gần các cột điện để tránh xảy ra tai nạn.

Không thả diều ở nơi có nhiều dây điện: Ở một số khu vực ngoại thành, đường dây điện thường được thiết kế trên cao. Trông có vẻ rất an toàn vì trẻ không thể với tới nhưng nếu con chơi thả diều thì nguy cơ giật điện vẫn có thể xảy ra. Nguyên do là vì tay cầm của diều dễ dẫn điện, khi dây diều mắc vào dây điện, trẻ rất dễ bị giật. Mặt khác, khi hai dây mắc vào nhau có thể gây cháy nổ ở ngay khu vực đó, gây nguy hiểm đến nhiều người xung quanh đó chứ không riêng trẻ em.

Không tự ý chạm, bật tắt các thiết bị điện: Tại trường học, khu vui chơi, các thiết bị điện cũng được lặp đặt rất nhiều để phục vụ nhu cầu của trẻ. Bởi vậy, đối với bé nhỏ, cha mẹ cần theo sát con khi chơi trong các khu giải trí và thầy cô cần giám sát các con để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần áp dụng các biện pháp lắp điện an toàn để điện tránh xa tầm với của bé một cách tối ưu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.