Dạy trẻ giá trị của hoạt động dọn dẹp

GD&TĐ - Hầu hết trẻ em thường có xu hướng bừa bộn và ngại dọn dẹp. Trong những trường hợp như vậy, thông thường, trách nhiệm sẽ thuộc về bố hoặc mẹ.

Các thành viên trong gia đình nên cùng tham gia hoạt động dọn dẹp.
Các thành viên trong gia đình nên cùng tham gia hoạt động dọn dẹp.

Không nên chỉ là trách nhiệm của cha mẹ

Một cuộc khảo sát từ ClosetMaid cho thấy, trung bình các cha mẹ tại Mỹ phải dọn dẹp cho con 28 lần một tuần. Trong khi đó, một nửa số phụ huynh được khảo sát cho biết phải làm việc nhà cho trẻ để đảm bảo rằng con mình không thực hiện sai.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc dọn dẹp cho trẻ khi chúng hoàn toàn có khả năng tự làm là điều không cần thiết. Hành động này sẽ khiến phụ huynh mất nhiều thời gian hơn. Đồng thời, gửi thông điệp rằng, trẻ không thể dọn dẹp mớ hỗn độn của chính mình. Khi đó, trẻ sẽ mặc định rằng, mình không cần bận tâm vì người khác sẽ làm việc đó.

Tiến sĩ Tamar Chansky - nhà tâm lý học tại Mỹ và là tác giả của một số cuốn sách bao gồm “Giải phóng con bạn khỏi lo âu” đã dẫn chứng một nghiên cứu được xuất bản bởi Trường Đại học Minnesota. Nghiên cứu chỉ ra rằng, giao cho trẻ làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp hình thành ý thức làm chủ lâu dài, tinh thần trách nhiệm cao và tự lực.

Nghiên cứu, theo dõi hơn 80 trẻ em trong suốt cuộc đời của chúng, đã phát hiện, những đứa trẻ bắt đầu làm việc nhà sớm (khoảng 3 hoặc 4 tuổi) nhiều khả năng có mối quan hệ tốt với bạn bè và gia đình. Những trẻ này cũng thường thành công trong học tập và cuộc sống.

Do đó, phụ huynh cần dạy trẻ về giá trị của dọn dẹp. Phụ huynh có thể áp dụng một số phương pháp để dạy trẻ về lý do cần dọn dẹp. Theo các chuyên gia, trẻ mới biết đi có thể không biết dọn dẹp tuy nhiên, trẻ ở tuổi này vẫn có thể giúp cha mẹ dọn dẹp.

Bà Sonja Meehan - chủ sở hữu của tổ chức Simply Thriving Organization và là mẹ của hai con trai - chỉ ra rằng, trẻ mới biết đi thường thực sự muốn tham gia vào mọi hoạt động, bao gồm cả việc dọn dẹp.

“Hãy tận dụng điều này và giúp họ hình thành những thói quen tốt khi vẫn còn là những người làm việc nhiệt tình. Tìm cách để trẻ có thể tham gia làm việc nhà, bao gồm: Phân loại tất, phủi bụi trên các bề mặt thấp, nhấn nút máy giặt, thu dọn đồ chơi…”, bà Meehan cho biết.

Bên cạnh đó, cha mẹ không nên biến việc dọn dẹp trở thành một hình thức phạt.

Thay vào đó, thông điệp tốt hơn để gửi đến trẻ em là: Dọn dẹp không phải là một hình phạt hay việc vặt. Đó là tấm vé để có thể làm được những việc khác. Chia sẻ về tầm quan trọng của dọn dẹp, Britta Gidican - chuyên gia truyền thông của một công ty ở Seattle - nhận thấy rằng, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu mối liên hệ giữa một ngôi nhà bừa bộn và các vấn đề lớn hơn. Điều đó sẽ khiến trẻ quan tâm đến việc dọn dẹp.

“Tôi giải thích cho con trai 6 tuổi của mình cách vi trùng di chuyển, bọ làm tổ... Điều đó dường như đã minh họa lý do đằng sau nhu cầu dọn dẹp. Giờ đây, thằng bé đã hiểu và thậm chí còn giải thích điều đó cho những người khác”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Sau mỗi buổi chơi, trẻ cần có trách nhiệm dọn dẹp.

Sau mỗi buổi chơi, trẻ cần có trách nhiệm dọn dẹp.

Dọn dẹp không phải hình phạt

Các chuyên gia cho biết, một nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy như bị trừng phạt khi làm việc nhà là vì không có quyền quyết định sẽ thực hiện hoạt động nào. Vì vậy, cha mẹ hãy cho trẻ một số lựa chọn.

“Phụ huynh có thể để con mình chọn công việc yêu thích trong phạm vi đề ra. Ví dụ, con có thể chọn giữa xếp đồ chơi hoặc gấp quần áo. Trẻ cũng có thể làm điều mình thích như tưới cây, hay dọn giường. Điều đó sẽ khiến trẻ có cảm giác được sở hữu ‘lãnh thổ’ của mình”, Tiến sĩ Chansky chia sẻ.

Theo chuyên gia này, không ít người trưởng thành cũng muốn chạy trốn khỏi các công việc nhà. Vì vậy, chúng ta cần chống lại suy nghĩ rằng: “Mọi thứ đều là một mớ hỗn độn và cần được dọn dẹp”. Thay vào đó, hãy đặt ra kỳ vọng thực tế. Trong đó, xác định một vài nhiệm vụ nhỏ và hoàn thành chúng. Sau đó, cả phụ huynh và trẻ sẽ có cảm giác hoàn thành, thay vì sợ hãi khi phải dọn dẹp.

“Thay vì đưa trẻ đến thế giới cô đơn để tự dọn dẹp, hãy làm điều đó cùng nhau. Thiết lập thời gian hoàn thành. Trong đó, một thành viên gia đình đặt 10 phút trên đồng hồ và mọi người thực hiện hoạt động. Sau đó, tất cả có thể cùng nhau gặt hái lợi ích”, Tiến sĩ Chansky gợi ý.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần để trẻ hiểu rằng, nếu chúng giúp dọn dẹp, cha mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để chơi với con. Cha mẹ cũng nên sử dụng đồng hồ bấm giờ để “chạy đua” với con trong việc dọn dẹp. Nữ phụ huynh Gidican cũng nhận thấy rằng, việc đặt hẹn giờ khi con trai cô dọn dẹp sẽ khơi dậy tinh thần cạnh tranh ở trẻ một cách hiệu quả.

Trong trường hợp trẻ tham gia hoạt động nào đó, hãy chắc chắn rằng, con sẽ ở lại tới cuối buổi để thu dọn đồ hay bất kỳ mớ hỗn độn nào khác. Ngoài ra, việc dọn dẹp cùng bạn bè có thể giúp trẻ hoàn thành công việc nhanh hơn. Trẻ cũng sẽ cảm thấy hoạt động trở nên thú vị hơn.

Phụ huynh có thể cho phép trẻ kiếm tiền tiêu vặt nhờ công việc nhà. Theo các chuyên gia, khi một đứa trẻ hiểu cách dọn dẹp và tầm quan trọng của hoạt động này, trẻ có thể nhận được tiền tiêu vặt tùy vào mức độ hoàn thành công việc. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần truyền cảm hứng cho trẻ, bằng cách để con tham gia hoạt động từ thiện.

Nghiên cứu của ClosetMaid cho thấy, trẻ em có trung bình 59 món đồ chơi. Để giảm bớt kích thước, khoảng 75% phụ huynh thừa nhận đã bí mật bỏ đồ chơi của trẻ. Thay vào đó, cách tốt hơn để dọn dẹp phòng của trẻ là mời chúng tham gia vào quá trình này. Đồng thời, hướng dẫn trẻ quyên góp đồ của mình cho tổ chức từ thiện.

Theo Nbc News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ