Bài học về việc dạy trẻ để đồ đúng vị trí

GD&TĐ - Ngay khi con còn nhỏ, bố mẹ đã phải đề ra quy định yêu cầu con phải để đồ đúng vị trí. Bất kỳ đồ đạc nào trong nhà lấy ở chỗ nào khi dùng

Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ nên khiến chúng có trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ.
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ nên khiến chúng có trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ.

Bất kỳ đồ đạc nào trong nhà lấy ở chỗ nào khi dùng xong con phải trả về đúng vị trí cũ.

Đề ra những nguyên tắc

ThS Lê Thu Hoài, chuyên gia tâm lý Trung tâm tư vấn tâm lý trị liệu Hà Nội, cho biết, với trẻ từ 2 - 6 tuổi, bố mẹ đã phải dạy con tính gọn gàng, ngăn nắp. Con chơi, bố mẹ yêu cầu con phải tự dọn đồ chơi, để đúng vị trí cũ.

Khi con thay quần áo, bố mẹ yêu cầu con cho vào sọt giặt. Nếu con không thực hiện lần sau không cho con chơi đồ nữa, đồng thời có thể cấm những quyền lợi chơi khác của con như xem tivi, chơi với bạn.

Cũng theo chuyên gia này, trẻ con chịu ảnh hưởng từ người lớn một cách tự nhiên. Nếu người lớn gọn gàng, ngăn nắp trẻ sẽ học theo.

Ngay khi con còn nhỏ, bố mẹ đã phải đề ra quy định yêu cầu con phải để đồ đúng vị trí. Bất kỳ đồ đạc nào trong nhà lấy ở chỗ nào khi dùng xong con phải trả về đúng vị trí cũ, nếu không lần sau sẽ không được sử dụng đồ đó. Mà đã đề ra quy định thì người lớn trong nhà phải nghiêm túc thực hiện để làm gương cho con.

Con lớn hơn thì dạy con biết sắp xếp bàn học gọn gàng, ngăn nắp. Đồ dùng trong cặp sách của con cũng phải để đúng vị trí. Cụ thể là chỗ nào để hộp bút, chỗ nào để hộp phấn, ngăn nào để sách vở, ngăn nào để bảng và bố mẹ phải thường xuyên kiểm tra xem con có thực hiện đúng hay không.

Rồi ngủ dậy, con phải gấp chăn màn, quần áo sắp xếp gọn gàng, phân loại để đúng nơi, đúng chỗ. Khi đã đưa ra quy chế thì phải có thưởng phạt rõ ràng.

Cũng theo cô Thu Hoài, nhiều bạn ý thức được tác hại của việc bừa bộn nhưng việc quản lý hành vi không tốt nên không cải thiện được tình hình. Thói quen bừa bộn còn tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Vì vậy khi các bạn thường xuyên dọn đồ cũng là cách để các bạn bảo vệ sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình.

Với trẻ đã lớn, bố mẹ nên thảo luận để con hiểu được tác hại của việc luộm thuộm. Hãy để cho con tự rút ra bài học vì tính luộm thuộm của mình. Ví dụ như đến giờ học mà con vẫn chưa tìm thấy đồ dùng cần phải mang đi học thì cứ để con tự tìm. Dù con có bị muộn học, nhất định bố mẹ không được làm thay. Như thế con mới có thể rút ra bài học kinh nghiệm. Khi con nhận ra tác hại của việc luộm thuộm, bố mẹ hãy thảo luận cùng con cách để thay đổi.

Cô Hoài cho rằng, việc giữ nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng khi có con nhỏ không phải là điều khó thực hiện nếu dạy cho trẻ em thói quen đúng cách.

Khi có thêm một thành viên nhỏ trong nhà, cha mẹ nên điều chỉnh định nghĩa của sự sạch sẽ thành sự ngăn nắp. Người lớn cần chấp nhận sự thật rằng mớ hỗn độn đó cũng chính là những kỷ niệm ấu thơ thú vị của trẻ, nơi trẻ lớn lên. Mọi thứ sẽ trở nên đẹp hơn khi loại bỏ áp lực cầu toàn, hoàn hảo.

Bí quyết giữ sạch nhà cửa

Chuyên gia Lê Thu Hoài cho rằng, thay vì cấm trẻ bày biện đồ chơi, cha mẹ nên cho con chơi, nhưng sau đó yêu cầu con tự dọn dẹp.

Có thể đánh dấu vị trí cụ thể cho mọi thứ đồ từ đồ chơi, sách vở, quần áo bẩn, quần áo sạch... để trẻ biết món đồ đó sẽ nằm ở vị trí nào, từ đó có thể tự dọn dẹp. Khi quy định cụ thể các khu vực riêng biệt để sắp đặt đồ cho trẻ, cha mẹ cũng tránh được sự lộn xộn trong nhà, giúp ngôi nhà trông gọn gàng hơn.

Trẻ có khoảng thời gian chú ý khá ngắn, do đó, cha mẹ nên giới hạn số lượng đồ chơi mà trẻ có thể chơi trong một thời điểm. Sau khi trẻ chơi chán thứ này, bạn yêu cầu con cất đi mới chơi thứ khác.

Mẹo này không chỉ giúp việc dọn dẹp sau khi chơi trở nên dễ dàng hơn, đồng thời còn giúp trẻ sử dụng các món đồ chơi khác nhau vào những ngày khác nhau. Như vậy, chúng sẽ không rơi vào cảm giác nhàm chán khi nhìn thấy những món đồ chơi giống nhau, lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ nên khiến chúng có trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ. Tốt nhất, bạn nên giao cho chúng những việc mà chúng có khả năng chịu trách nhiệm. Ví dụ, trẻ 3 - 4 tuổi có thể chịu trách nhiệm đặt tất cả các đồ chơi vào hộp, sau khi đã chơi.

Bằng cách ủy thác những nhiệm vụ nhỏ, cha mẹ không chỉ có thời gian tập trung vào những việc lớn hơn khác, mà còn nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm ở những đứa trẻ ngay từ rất sớm.

Không thể nào bắt trẻ chơi đồ chơi cả ngày, chúng sẽ chán. Nếu phụ huynh không thể dành thời gian cho con hoặc mất kiên nhẫn vì sự dai dẳng của trẻ, hãy nhờ đến sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ hoặc tivi.

Cha mẹ có thể cho trẻ xem chương trình tivi yêu thích của chúng, tuy nhiên nên giới hạn thời gian phù hợp, thay vì để trẻ xem vài tiếng đồng hồ. Điều này làm hại sức khỏe đôi mắt, khiến trẻ lười vận động.

Cô Lê Thị Liên (Trường Mầm non Hoa Sen, Hà Nội) chia sẻ: “Ngay từ khi đi mẫu giáo, bé đã được nhà trường dạy cách giữ gìn vệ sinh và ý thức gọn gàng, ngăn nắp. Hằng ngày đến lớp, bé được cô cho tự rửa tay theo hướng dẫn và tự lau mặt, chải răng. Các bé sẽ biết phân biệt dép đi trong lớp học và đi trong nhà vệ sinh. Trước và sau khi ăn đều rửa tay sạch sẽ”.

Cô Liên cho biết thêm, đến giờ chơi, trẻ luôn được cô nhắc nhở, hướng dẫn lấy đồ chơi ra, sau khi chơi xong phải cất đúng chỗ. Bé nào làm tốt sẽ được động viên bằng cách dán sổ bé ngoan và nêu gương trước lớp vào ngày cuối tuần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ