Dạy tiếng Anh hiệu quả trong lớp đông, chênh lệch trình độ

GD&TĐ - Cô Lê Thị Kim Dung – Trường THPT chuyên Lam Sơn – Thanh Hóa cho rằng, điều quan trọng nhất trong lớp học đông và chênh lệch về trình độ là phải tạo được hứng thú học tập cho học sinh.

Dạy tiếng Anh hiệu quả trong lớp đông, chênh lệch trình độ

Với học sinh giỏi là những thách thức mới cần vượt qua; với học sinh yếu hơn là những tiến bộ từng bước rõ rệt. Vì vậy, phương pháp dạy và quản lý của giáo viên cần luôn phong phú, linh hoạt.

Những giải pháp khắc phục tốt cho hiện trạng lớp học đông học sinh với nhiều trình độ khác nhau, theo cô Dung, bao gồm: Xây dựng quy tắc nội bộ; kĩ thuật chia nhóm linh hoạt; đa dạng, điều chỉnh nhiệm vụ, bài tập phù hợp đối tượng học sinh; áp dụng các trò chơi trong giảng dạy

Xây dựng quy tắc nội bộ

Xây dựng quy tắc nội bộ là một việc làm cần thiết trong lớp đông học sinh để duy trì kỷ luật của lớp và tạo môi trường học tập thoải mái cho tất cả học sinh.

Bản thân giáo viên phải là người tiên phong trong mọi quy định đưa ra thay vì là người phán xét học sinh. Nếu giáo viên yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm nhưng lại đi ra ngoài hoặc ngồi làm việc riêng, học sinh sẽ không tuân theo yêu cầu đó.

Giáo viên và học sinh cùng thảo luận tạo nên các quy tắc nội bộ của lớp trong đó sự nhất quán là yếu tố then chốt. Đặc biệt với các lớp đông học sinh, những quy tắc sau vô cùng cần thiết:

Học sinh phải giữ trật tự lắng nghe khi giáo viên hoặc một học sinh khác trong lớp trình bày ý kiến

Học sinh làm việc theo nhóm không nói quá to để không ảnh hưởng đến các nhóm khác cũng như lớp khác.

viên có nêu trước cho học sinh những hình thức thưởng phạt công minh rõ ràng và áp dụng công bằng với tất cả học sinh. Trong từng trường hợp cụ thể, nên áp dụng hình thức phạt sau buổi học để không ảnh hưởng đến thời gian của tiết học. Điều cần thiết đối với giáo viên là phải tìm ra được nguyên nhân sâu xa cho những khuyết điểm của học sinh

Hãy bàn bạc với học sinh về các quy tắc nội bộ phù hợp với tình hình lớp. Cho học sinh ghi các điều lệ này lên một tờ áp phích và đặt nó ở một vị trí dễ nhìn thấy.

Kĩ thuật chia nhóm linh hoạt

Phương pháp dạy học nhóm hàm chứa quá trình hoạt động để người học tích cực, tự giác chiếm lĩnh nội dung khoa học. Bằng quá trình động não và thảo luận tập thể, học sinh có cơ hội rèn luyện các kĩ năng cơ bản như kĩ năng nghe, kĩ năng nói, khả năng và bảo vệ ý tưởng bằng Tiếng Anh. Học sinh có thể học được các kĩ thuật làm bài, phát triển ý tưởng mới từ thành viên khác trong nhóm.

Khi quan niệm về nhóm như vậy, vấn đề phải đặt ra là giáo viên sẽ tổ chức hoạt động nhóm như thế nào? Nhóm được thành lập bất ngờ, nhất thời hay có định hướng và cố đinh? Nhóm lớn hay nhóm nhỏ? Và hệ thống sắp xếp để chia công việc trong nhóm ra sao?

Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ khó dễ của nhiệm vụ học tập và trinh độ của học sinh trong lớp, giáo viên lựa chọn hình thức chia nhóm phù hợp nhất. Thông thường, có những cách chia nhóm sau:

Chia nhóm ngẫu nhiên: Là các nhóm hình thành từ những học sinh ngồi gần nhau (trong cùng một bàn, 2 - 3 bàn gần nhau).

Ưu điểm: nhóm được tổ chức nhanh chóng, dễ dàng. Chỉ phù hợp với những yêu cầu bài tập đơn giản, ngắn gọn.

Nhược điểm: rất dễ có hiện tượng những học sinh học kém hơn ngồi chơi, đợi kết quả từ những học sinh khá để làm kết quả của cả nhóm. Việc trình bày kết quả nhiệm vụ cũng được giao cho các học sinh khá. Điều đó khiến cho những học sinh có trình độ yếu hơn trong nhóm ngày càng trở nên thụ động và không phát triển được trình độ Tiếng Anh.

Chia nhóm khác trình độ: Giáo viên kiểm tra đánh giá và cố định các thành viên của nhóm trong một thời gian nhất định. Trong mỗi nhóm sẽ có một số em học giỏi, khá, kém hơn theo tỷ lệ nhất định.

Ưu điểm: tạo tính cạnh tranh cao hơn giữa các nhóm với nhau.

Nhược điểm: Cũng giống như việc chia nhóm ngẫu nhiên, những học sinh yếu hơn trong nhóm dễ ỷ lại và các bạn khá.

Chia nhóm cùng trình độ: Giáo viên kiểm tra đánh giá và cố định các thành viên của nhóm trong một thời gian nhất định. Giáo viên phân hạng nhóm và có đánh giá, xếp hạng lại theo định kỳ.

Ưu điểm: Các thành viên trong nhóm có vai trò và trách nhiệm như nhau trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, giảm được tính ỷ lại của một số học sinh trong lớp.

Nhược điểm: giáo viên mất thời gian đánh giá và phân loại nhóm để cố định, xếp hạng nhóm cũng như tiến hành đánh giá theo quy trình để nâng hạng cho nhóm

Chia nhóm theo sở thích: Khi bắt đầu tiến hành một hoạt động học, giáo viên đưa ra một số sự lựa chọn và hỏi xem học sinh thích làm hoạt động nào. Những học sinh thích làm cùng một hoạt động sẽ được phân vào một nhóm.

Ưu điểm: tạo hứng thú học tập cho học sinh, giờ học sôi nổi. Nhược điểm: Khó tổ chức hoạt động

Với hoạt động nhóm, hãy đưa ra yêu cầu cụ thể để buộc tất cả các thành viên đều phải tham gia, ví dụ như: “write two sentences each”(mỗi nguời viết hai câu), “submit one idea each”(mỗi người đóng góp một ý kiến), “take turns to speak so that you all speak” (phát biểu ý kiến theo vòng tròn lần lượt)

Chỉ định các học sinh khác nhau để trả lời câu hỏi. Không nên lúc nào cũng gọi học sinh xung phong đầu tiên trả lời câu hỏi vì đây sẽ thường là các học sinh khá, như vậy các học sinh kém hơn sẽ không có nhiều cơ hội để trả lời. Giáo viên có thể chỉ định học sinh trước rồi mới đặt câu hỏi, câu hỏi dễ cho học sinh kém và câu khó hơn cho học sinh khá.

Chỉ định các học sinh có năng lực và nhanh hơn làm nhóm trưởng để các em này có thể hổ trợ các học sinh chậm hơn. Hãy giao trách nhiệm rõ ràng cho nhóm trưởng, người sẽ giúp giáo viên duy trì trật tự của lớp học. Nhóm trưởng có thể được chỉ định luân phiên để mỗi thành viên trong nhóm đều có trách nhiệm với nhóm của mình.

Đa dạng, điều chỉnh nhiệm vụ, bài tập phù hợp đối tượng học sinh

Với cùng một bài tập, giáo viên có thể điều chỉnh mức độ khó của bài tập và đưa ra nhiều dạng bài tập như điền từ, điền cụm từ, chọn đáp án đúng, chọn đúng sai, trả lời câu hỏi... để thích hợp với nhiều trình độ học sinh khác nhau.

Áp dụng các trò chơi trong tiết dạy

Thông thường, trong những lớp học sinh chênh lệch về trình độ, nếu giáo viên không linh hoạt điều chỉnh bài dạy với bài học ngày càng khó hơn, khoảng cách về trình độ ngày càng lớn hơn. Những học sinh trình độ Tiếng Anh yếu hơn thường cảm thấy thiếu tự tin, thu mình, không dám phát biểu và vì vậy không nâng cao được trình độ.

Tổ chức trò chơi là phương thức hữu hiệu để gây hứng thú cho học sinh, xóa tan mặc cảm cho những học sinh yếu hơn, giúp học sinh tiếp thu và vận dụng Tiếng Anh một cách dễ dàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.