"Dậy sóng" vì lương chồng mùa dịch Covid-19

GD&TĐ - Tôi không quá khắt khe chuyện chi tiêu cũng như quản lý tài chính trong gia đình. Nhưng từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ.

"Dậy sóng" vì lương chồng mùa dịch Covid-19

Vợ chồng tôi cùng thảo luận, cân đối lại vấn đề chi tiêu và phân công giữ tiền.

Lương của chồng tôi dành cho tất cả các khoản chi tiêu hằng ngày. Thu nhập của tôi là khoản để dành. Các khoản tiền thưởng khác sẽ được gom chung “bỏ heo” để chi tiêu hiếu hỉ, quà cáp, các khoản phát sinh.

Nói chung, chồng kiếm được bao nhiêu, tôi đều "ôm" hết để chắc chắn rằng anh không có cơ hội tiêu pha lãng phí bên ngoài.

Hai vợ chồng đều hài lòng với phương án quản lý tài chính mùa dịch, cảm thấy an tâm vì nếu xảy ra chuyện gì, chúng tôi vẫn còn một khoản dự trữ.

Nhưng khi biết được chuyện này, nhà chồng không hài lòng tí nào. Hễ có dịp gặp tôi, mẹ chồng lại nói chuyện rất to với bố chồng, mà thực chất là nhắc nhở tôi: "Tội nghiệp thằng Phương, dạo này nó không biết đến lương là gì. Nó còn không có đến cả cơ hội lãnh lương nữa chứ".

Tôi cũng chẳng vừa, đứng trong bếp, tôi còn nói to hơn cả mẹ chồng: "Bao nhiêu tiền cũng vào miệng Tôm với bố Tôm hết đấy ạ".

Không làm gì được, nhân dịp nghỉ lễ, mẹ chồng xúi mấy bà cô, bà thím để "đánh úp" tôi. Thế là suốt một buổi sáng, mọi người bàn tán xôn xao về chủ đề lương lậu của chồng tôi.

Khơi mào là bà thím chồng: "Đôi lúc phụ nữ nên bỏ bớt gánh nặng cho mình mà chuyển sang cho đàn ông. Để cho đàn ông biết giữ tiền không sướng. Để chồng giữ tiền cũng là một cách “dạy” cho đàn ông biết lo, quan tâm đến đời sống gia đình, tự lập trong quản lý tài chính, chi tiêu và hiểu được nỗi vất vả của phụ nữ khi phải cân đối, đánh vật với cơm áo gạo tiền, đủ thiếu trong nhà...".

Bà thím có vẻ hơi "lạc đề" nên bị mẹ chồng tôi cắt ngang rồi "chuyển hướng": "Thằng Phương dại lắm! Lương cứng lương mềm, tiền làm thêm làm nếm đều đưa cho vợ nó hết. Hôm nọ nó giấu được 5 triệu, lén lút đưa cho mẹ, còn dặn là đừng để vợ con biết, cô ấy sẽ giận. Tôi thương con vô cùng, mà càng nghĩ càng ức cái con dâu. Nó làm vợ mà không biết thương chồng, đàn ông ra ngoài mà không có tiền thì bí lắm, mất hết tự tin".

Bà cô ngồi đối diện hoàn toàn đồng tình với mẹ chồng tôi: "Chị nói phải, gần đây em thấy thằng Phương gầy hẳn đi, chắc nó khổ sở lắm. Làm việc vất vả là thế, nhưng thu nhập bao nhiêu vợ nó hưởng hết".

Nghe đến đây, tôi không thể nhịn được nữa. Quăng rổ rau xuống đất, tôi vào phòng khách, nói thẳng: "Mẹ ơi, mẹ không hài lòng gì với con thì cứ góp ý thẳng, sao lại mang chuyện trong nhà để nói ở đây ạ?".

Bà cô phản ứng ngay lập tức: "Cháu nói thế là có ý gì? Ở đây toàn người nhà, ta là cô ruột của chồng cháu cơ mà. Chị ơi, con bé này cần phải được dạy dỗ lại".

Tranh thủ có người cùng "phe", mẹ chồng tôi cũng mạnh miệng hơn ngày thường: "Con nói phải đấy, trước đây dù biết con hỗn nhưng mẹ vẫn nhịn vì nghĩ bố mẹ không chấp con cái. Nhưng càng ngày con càng ghê gớm nên mẹ phải nói cho biết, ở trong cái nhà này, kính trên nhường dưới là điều vô cùng quan trọng. Trên con còn có chồng, trên chồng con là bố mẹ. Con xem, con chẳng coi ai ra gì, mẹ nói con cãi, cô nói con cũng cãi".

Tự nhiên phải nghe những lời dạy dỗ không đâu. Tôi quyết tâm "cãi" cho ra nhẽ: "Con biết gần đây mẹ không hài lòng chuyện con quản lý kinh tế trong nhà, nhưng mẹ biết không, thời điểm này đang rất khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng con có thể mất việc bất cứ lúc nào, nếu con không đứng ra vun vén và chi tiêu hợp lý, không biết tương lai thằng Tôm ra sao.

Con biết, mẹ cũng cầm hết lương của bố. Cô biết không, có lần cháu từng nghe cô nói, cô phải ôm hết lương của chú, để đảm bảo rằng chú không có cơ hội chè chén, vung tiền ngoài hàng quán. Con nói thật, người vợ nào chẳng vậy, và đã là phụ nữ thì nên hiểu và thông cảm cho nhau. Con nghĩ mình chẳng làm gì sai cả".

Nghe đến đây, các bà cô im bặt, mẹ chồng tôi không nói lại được câu nào, bà đành lớn tiếng “chữa ngượng”: "Chị giỏi quá cơ! Bây giờ chị dạy dỗ cả mẹ chồng đấy".

Chồng tôi ở trên gác vội vàng chạy xuống, mặt đỏ gay: "Con xin mẹ, con xin các thím, các cô, mọi người đừng hành hạ vợ con nữa. Chuyện ai quản tài chính là do chúng con bàn bạc rồi mới quyết định, đây là chuyện riêng của nhà con, mọi người đừng can thiệp hay bàn tán nữa ạ. Con nghe mà nhức hết cả đầu".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ