Sự kiện này đang châm ngòi cho bạo loạn trên khắp nước Mỹ suốt 8 ngày qua và đang lan ra nhiều nước khác.
Các cuộc tuần hành lên tới hàng nghìn người kèm theo hành động đập phá và hôi của đang “chiếm sóng” thế giới, khiến thông tin về số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu cán mốc 6,5 triệu người hôm 3/6 gần như bị chìm nghỉm. Tâm lý e ngại đám đông vì sợ lây dịch tại nhiều nước đang nhường chỗ cho nỗi tức giận về cái chết của người đàn ông da màu do nhóm cảnh sát gây ra tại Mỹ.
Hiện nước Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với hơn 20.000 ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày. Nhưng mối nguy hiểm của dịch bệnh cũng không thể giúp hạ nhiệt các cuộc biểu tình bạo loạn tại đây dù đã kéo dài 8 ngày đêm liên tiếp. Đặc biệt, một số điểm nóng
Covid-19 khác trên thế giới như Brazil, Anh, Pháp, Italy và Đức cũng xuất hiện các cuộc tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc và thể hiện sự đoàn kết với làn sóng xuống đường tại Mỹ.
Theo giới phân tích, một trong những lý do quan trọng khiến biểu tình tại Mỹ nhanh chóng trở thành vấn đề quốc tế là do phong trào phản đối nạn phân biệt chủng tộc và người yếu thế đang rất được ủng hộ. Trong khi đó, nước Mỹ vốn là tâm điểm trong đời sống chính trị thế giới nên bi kịch tại nước này dễ gây chú ý trên phạm vi toàn cầu hơn so với nước khác, cho dù những bất công liên quan đến phân biệt chủng tộc và các cộng đồng thiểu số không hiếm tại nhiều nước.
Một số vụ bạo lực liên quan đến cảnh sát tương tự như vụ tại Mỹ từng gây ra bức xúc âm ỉ ở một số nước và lần này đã có dịp bùng lên thành biểu tình lớn. Ví dụ tại
Australia, các cuộc biểu tình ban đầu nhằm biểu thị sự đoàn kết với người da màu tại Mỹ, nhưng sau đó biến thành cơ hội để biểu đạt sự phản đối cảnh sát nước này liên quan đến cái chết khi đang bị giam giữ của một người thuộc bộ tộc bản địa có tên David Dungay Jr từ năm 2015.
Tương tự tại Paris, các cuộc biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ về cái chết của George Floyd ở Mỹ cũng thổi bùng lên làn sóng phản đối cảnh sát Pháp liên quan đến vụ người thanh niên Adama Traore chết trong đồn cảnh sát năm 2016. Cuộc tuần hành tại Paris dữ dội không kém các thành phố tại Mỹ, buộc cảnh sát nước này phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để trấn áp.
Một lý do quan trọng khác khiến thế giới nhanh chóng dậy sóng bất chấp đại dịch là do sức mạnh của mạng xã hội. Đoạn video quay cảnh người đàn ông da màu cao lớn bị viên cảnh sát da trắng ghì đầu đến chết trên mặt đường, bất chấp những lời van xin của nạn nhân đã thực sự gây sốc cho người xem và được truyền đi khắp toàn cầu với tốc độ chóng mặt.
Hình ảnh video có sức mạnh hơn nghìn lời mô tả và tiếng kêu cứu “Tôi không thở được” của George Floyd trong cảnh quay do người chứng kiến ghi lại giống như mồi lửa kích hoạt quả bom tức giận trên quy mô toàn cầu. Nhưng một “quả bom” khác còn đáng lo ngại hơn là đợt lây nhiễm Covid-19 thứ hai cũng có thể đã được kích hoạt từ làn sóng biểu tình rầm rộ hiện nay.