(GD&TĐ) - Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC” được coi là những giải thưởng giá trị cho SV có cố gắng trong học tập và NCKH. Năm 2010, Bộ GD-ĐT đã nhận được 389 công trình từ hàng chục nghìn công trình NCKH của sinh viên ở 93 trường đại học, học viện trong cả nước gửi tham dự. Gần 800 lượt các giảng viên, nhà khoa học và quản lý thuộc 60 trường đại học, học viện nghiên cứu đã được huy động để đánh giá chất lượng các công trình NCKH của sinh viên tham dự giải thưởng.
Sinh viên có quá ít công trình nghiên cứu chất lượng
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện có hơn 2,2 triệu SV đại học, cao đẳng, những số lượng SV tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) còn quá ít, nhiều công trình NCKH còn hạn chế. Trong năm vừa qua, Bộ GD&ĐT xét chọn và khen thưởng 305 công trình NCKH do 716 SV thực hiện, trong đó có 15 giải nhất, 27 giải nhì, 130 giải ba và 133 giải khuyến khích. Con số này quả đáng báo động về công tác dạy học và hướng dẫn SV tham gia NCKH ở trường đại học trong khi các trường đại học đang tiến tới mô hình trường đại học nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội.
Đánh giá về số lượng và chất lượng NCKH của SV cần thực sự nhìn nhận thẳng vào vấn đề dạy và học ở nhà trường. Chất lượng dạy và học chưa đáp ứng những đòi hỏi thực tế của SV, của yêu cầu xã hội, SV chưa thực sự quan tâm nhiệt tình với môn học, với định hướng nghệ nghiệp tương lai. Có tình trạng, SV học năm thứ 3, thứ 4 vẫn chưa biết cách học, biết cách NCKH, biết tìm cho mình một hướng nghiên cứu môn học yêu thích,… Hơn nữa, cơ hội SV được nhận đề tài nghiên cứu không nhiều, chưa nói đến việc kinh phí đề tài cho SV thường rất thấp,…
Đánh giá chất lượng NCKH nói chung trong các trường đại học hiện nay vẫn thiếu một khung giá trị có tính chất pháp lý và thực tế. Tính cảm tính hay sự thờ ơ của người thẩm định, đánh giá công trình nghiên cứu thường dễ bị bỏ qua trong cái nhìn thông cảm, hợp tác tiêu cực. Đã là công trình khoa học thì cần thiết được tìm hiểu, thẩm định, nghiên cứu, đánh giá đúng thực chất; quy trình bình giá sản phẩm cần được phản biện độc lập, tự do về học thuật, công khai và minh bạch.
|
Hội thảo Sinh viên NCKH tại Học viện Quản lý giáo dục |
Về việc dạy môn NCKH ở trường đại học
Hiện nay, môn PPNCKH đã được đưa vào dạy học ở trường đại học không chỉ cho học viên cao học mà còn áp dụng cho SV (thậm chí, có trường SV được học ngay từ năm thứ nhất). Dạy học NCKH ở trường đại học là môn học khó không chỉ về mặt lý thuyết mà còn là tính thực hành, thực tế của vấn đề NCKH. Nên giáo trình về phương pháp luận NCKH được viết chung cho dạy học NCKH càng khó hơn khi áp dụng vào chuyên ngành đặc thù. Sự nghèo nàn về giáo trình dạy học bộ môn PPNCKH, kéo theo là sự ít ỏi của sách tham khảo, rồi đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa không chuyên đã gây không ít khó khăn cho các trường đại học, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập và ứng dụng NCKH của SV. Các giờ học về PPNCKH thường bị đóng khung trong những kiến thức lý thuyết khô cứng, yếu đi tính thực hành, thực tế. Tính liên hệ và áp dụng vào thực tế rất quan trọng trong dạy học SV NCKH. Càng là khoa học ứng dụng, kỹ thuật và công nghệ, thì yêu cầu được học trực tiếp bằng những sản phẩm hiện hữu càng trở nên bắt buộc bấy nhiêu.
Một thực tế không thể phủ nhận, SV NCKH cần phải được học về PPNCKH, được hướng dẫn về NCKH. Điều này không chỉ thuần túy mang ý nghĩa lý thuyết, tạo ra sự nhận thức đầy đủ về PP luận nghiên cứu mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong sự vận dụng, tổ chức nghiên cứu và ứng dụng thực nghiệm. Bài học về PP nghiên cứu đối với SV không nhất thiết phải chuyên sâu, đi vào những khía cạnh tỉ mỉ (thời lượng chương trình không cho phép) mà cần hướng vào các mục tiêu hoàn thiện kiến thức về PP luận, PPNCKH, cách chọn đề tài và giải quyết vấn đề. Tính giá trị “bước đầu nghiên cứu” đối với đề tài của SV cũng cần được xem xét trong quan điểm khuyến khích tính năng động, sáng tạo và nổi trội trong toàn bộ quá trình học tập của SV. Bài dạy cho SV cũng nên đặt ở mức vừa sức, không “câu kéo” chương trình đào tạo NCKH cho học viên cao học để áp dụng cho SV; cũng không nên tiêu chuẩn hóa mỗi bài dạy là phát kiến “một công trình khoa học”. Dạy học vừa sức và trọng tâm đáp ứng đòi hỏi thực chất của SV với khóa học đang là đích hướng tới của nhiều giảng viên hiểu rõ vấn đề NCKH ở trường đại học.
Để hoạt động NCKH của SV không mang tính tự phát, nhà trường cần thiết bố trí môn học PPNCKH vào những năm đầu của quá trính học đại học, nhằm hình thành các khái niệm về NCKH, tìm hiểu quy trình nghiên cứu, làm quen với các PPNCKH, biết cách lựa chọn vấn đề nghiên cứu, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề nghiên cứu. Nhà trường cần xây dựng kế hoạch hoạt động NCKH của SV hàng năm phù hợp với kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường, kinh phí cho các đề tài NCKH của SV được cấp một cách phù hợp với từng đề tài (tránh tình trạng cào bằng, chia đề cho các đề tài SV), có chính sách phù hợp để động viên các giảng viên, các nhà khoa học tích cực tham gia bồi dưỡng, hướng dẫn SV NCKH. Hệ thống thư viện và nhà xưởng, phòng thí nghiệm được trang bị hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu dạy và học, yêu cầu NCKH của nhà trường. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với SV, trân trọng những sản phẩm nghiên cứu của SV, có chế độ hợp lý, thỏa đáng với giảng viên hướng dẫn SV NCKH đạt kết quả cao.
Sản phẩm NCKH của SV thể hiện bộ mặt tri thức của nhà trường, đồng thời khẳng định thương hiệu của nhà trường, để nhà trường cạnh tranh bình đẳng và phát triển. Có lẽ tri thức SV thu nhận được ở nhà trường trong những năm miệt mài học tập thì đỉnh cao của kết quả đó không phải nằm ở những điểm số mà chính là những đề tài nghiên cứu, những vấn đề khoa học được manh nha, phát kiến. Có thể kết quả NCKH của SV còn ở dạng thô, chưa đầy đủ nhưng đã phản ánh được sức mạnh của tiểm lực khoa học, tư duy hướng về cái mới, cái sáng tạo. Kết quả đó, tinh thần đó rất đáng trân trọng.
Đỗ Tiến Sỹ