Đẩy nhanh xóa phòng học tạm và xuống cấp trước năm học mới

GD&TĐ - Tỉnh Kon Tum phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ không còn phòng học tạm, mượn, xuống cấp. Ngoài ra, 100% trường có đủ thiết bị dạy học tối thiểu.

Trường Tiểu học Trần Phú (TP Kon Tum) xây dựng, sửa chữa chuẩn bị cho năm học mới.
Trường Tiểu học Trần Phú (TP Kon Tum) xây dựng, sửa chữa chuẩn bị cho năm học mới.

Phấn đấu 100% trường học có đủ thiết bị dạy học

Ngày 24/8, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định phê duyệt “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, mục tiêu đề án hướng đến là huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội hóa nhằm bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Qua đó, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, SGK. Đồng thời phù hợp lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, lộ trình phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 50% trường mầm non, 70% trường tiểu học, 50% trường THCS, 55% trường THPT có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Trong đó 32 xã có các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, bổ sung đủ số phòng học đạt 1 lớp/1 phòng, không còn phòng học tạm, mượn, xuống cấp. Ngoài ra, đảm bảo 100% các trường có phòng học tin học và thiết bị dạy học ngoại ngữ. Đồng thời, phấn đấu 100%  trường học có đủ thiết bị dạy học tối thiểu và bổ sung 30% tổng nhu cầu phòng chức năng cho nhà trường.

Đề án với nhiệm vụ, giải pháp là thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, sắp xếp củng cố mạng lưới trường, lớp học theo hướng tinh gọn hiệu quả. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Dự án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi dành để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường Phổ thông dân tộc nội trú và trường Phổ thông dân tộc bán trú.

Ngoài ra, huy động và ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường học. Ưu tiên lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho khối phòng học, nhà bếp, nhà ăn, nhà bán trú và bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới. Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư…

Kinh phí thực hiện hơn 2.100 tỷ đồng

Giáo viên huyện Đăk Tô dọn vệ sinh chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.
Giáo viên huyện Đăk Tô dọn vệ sinh chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án là hơn 2.100 tỷ đồng. Cụ thể, ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là hơn 1.815 tỷ đồng (chiếm 85% tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án). Ngoài ra, huy động xã hội hóa và các nguồn tài trợ, viện trợ là hơn 320 tỷ đồng (chiếm 15% tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án).

Cô Hồ Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Kon Tum, Kon Tum) cho biết, năm học 2021-2022, trường có 989 em học sinh với 37 cán bộ, giáo viên giảng dạy.

Chuẩn bị cho năm học mới, Ban quản lý dự án TP Kon Tum đã đầu tư cho trường hơn 9,9 tỷ đồng để xây dựng 5 phòng học và nhà hiệu bộ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sửa chữa một số hạng mục, công trình để đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài nghỉ hè và phòng, chống dịch Covid-19.

“Việc xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất nhằm đảm bảo nhu cầu dạy và học. Trong năm học 2021-2022, các em sẽ có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo hiệu quả khi thực hiện chương trình, SGK mới. Bên cạnh đó, có không gian để tham gia các hoạt động ngoại khoá”, cô Nhung nói.

Tương tự, tại Trường tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) gần 3 tuần qua các cán bộ, giáo viên đã đến trường dọn dẹp, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Cô Hồ Thị Thuỳ Vân, Hiệu trưởng trường cho biết, năm học này toàn trường có 635 em học sinh. Trong đó, gần 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiếu số Xơ Đăng. Chính vì vậy đời sống gia đình của các em vô cùng khó khăn thiếu thốn.

"Bước vào năm học mới, nhà trường còn thiếu khoảng 5 phòng học. Do đó, đơn vị đang xin ý kiến để chuyển những lớp học này sang điểm trường mới. nhằm đảm bảo tốt nhất trong công tác dạy và học", cô Vân chia sẻ.

Theo cô Vân, năm học 2021-2022 nhà trường dự kiến sẽ bố trí "Tủ sách" ở trong thôn để tuyên truyền, nâng cao văn hoá đọc đến người dân và các em học sinh. Hiện tại nhà trường đang huy động, kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ các loại Truyện cổ tích để đầu sách được đa dạng, phong phú. Qua đó nâng cao vốn Tiếng Việt cho các em học sinh.

UBND tỉnh lưu ý địa phương, ngành GD và nhà trường rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý, bảo đảm đủ phòng học nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học. Trong đó chú trọng công tác bảo dưỡng, bảo trì định kỳ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ