Dạy ngoại ngữ thứ ba cho học sinh dân tộc

Dạy ngoại ngữ thứ ba cho học sinh dân tộc
 

(GD&TĐ) - Đến trường, các em HS người dân tộc thiểu số phải học tập các môn học bằng tiếng Việt. Thêm vào đó, ngay từ lớp 1, 2 một số trường tiểu học có đủ điều kiện các em còn được nhà trường cho học thêm tiếng Anh, còn từ bậc THCS và THPT bắt buộc HS học theo chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành. Mặc dù là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế, rất cần thiết trong môi trường hội nhập toàn cầu song với HS dân tộc, việc dạy và học ngoại ngữ này không hề đơn giản.

Trăn trở của GV

Với các em HS người dân tộc thiểu số, việc học bất kỳ ngoại ngữ quốc tế nào cũng trở thành ngôn ngữ thứ ba. Thực tế, khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1, ở lớp mẫu giáo 5 tuổi HS dân tộc thiểu số đã được chú trọng tăng cường khả năng nghe nói, giao tiếp bằng tiếng Việt.

Còn việc dạy ngoại ngữ tiếng Anh cho các em, theo qui định của Bộ triển khai từ lớp 3, tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Bên cạnh đó có những dự án dạy tăng cường (HS lớp 3,4,5) hoặc làm quen với tiếng Anh cho HS lớp 1,2.

Học tiếng Việt đối với HS dân tộc thiểu số đã là ngôn ngữ thứ hai nên không chỉ vất vả cho đội ngũ GV mà ngay chính bản thân các em. GV là người địa phương hoặc phải biết sử dụng tiếng dân tộc của HS trong giảng dạy cũng như giao tiếp.

Vì thế, khi HS được học tiếng Anh, đây cũng là thử thách với các em khi đến với tiếng phổ thông quốc tế trong môi trường hội nhập toàn cầu. Trong khi đó, do hạn chế về lỗi phát âm cũng như điều kiện học tập, trình độ GV nên việc học tiếng Anh của HS lại càng khó khăn bội phần.

Theo cô giáo Đinh Thị Thúy, GV tiếng Anh Trường THPT Nội trú tỉnh Cao Bằng, đặc thù của trường 100% HS các dân tộc thiểu số, đến từ gần 10 dân tộc khác nhau. Trong đó, đông nhất là HS dân tộc Tày.

Nếu so với HS Bảo Lâm mà cô dạy trước đây thì HS trường nội trú học tốt hơn bởi đầu vào các em đã được lựa chọn, quá trình học có nhiều thời gian học hơn vì HS ăn, ở tập trung ngay tại trường.

Song, thực tế, khó khăn nhất của HS dân tộc thiểu số học Tiếng Anh đó là yếu phần ngữ pháp, cách trình bày bài kiểm tra, bài thi vẫn còn sai nhiều lỗi. HS không nắm chắc qui tắc ngữ pháp cũng như không thuộc từ mới.

Nhất là HS lớp 10 vừa vào trường THPT, học lực không đồng đều, các em đến từ nhiều trường THCS khác nhau, điều kiện học ngoại ngữ cũng khác nhau, trình độ khác nhau, số ít chưa thành thạo ngôn ngữ nên khi học tiếng Anh các em gặp khó.

Là GV dạy tiếng Anh cho HS Trường PTDT bán trú- THCS Lao Chải- Mù Cang Chải- Yên Bái, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy của mình: Khó khăn nhất đó là ở đây 100% HS là con em đồng bào Mông, nhiều em chưa thành thạo tiếng Việt, do đó trong tiết lên lớp GV mất nhiều thời gian để giải thích nghĩa từ mới cho các em HS.

 Nhất là những từ mới liên quan đến cuộc sống hiện đại ở thành phố các em không được biết như tủ lạnh, máy giặt, rượu vang, các loại bánh của người phương Tây…vv. Những thứ này gần như không có trong cuộc sống của HS miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các em hầu như chưa được tiếp xúc bao giờ.

Do vậy, những nội dung trong sách giáo khoa hoàn toàn xa lạ, chủ yếu thuộc về thành phố, rất ít đề cập đến nông thôn, và miền núi. Vậy là để HS nắm được bài, hiểu được từ mới cô giáo lại phải lòng vòng đi giải thích, giới thiệu đồ vật.

Theo Lờ A Phông, học sinh dân tộc Mông đang học lớp 9A, Trường Lao Chải thì các em dễ mắc lỗi phát âm nên học rất vất vả. 

Điều kiện dạy, học chưa đáp ứng

Với GD các tỉnh miền xuôi, các thành phố lớn nước ta hiện nay chất lượng đội ngũ GV đang trực tiếp giảng dạy tiếng Anh cho HS còn nhiều bất cập huống hồ đội ngũ GV các tỉnh miền núi, GV vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, nan giải nhất được các nhà trường cũng như các Sở  GD&ĐT nêu ra vẫn là bài toán trình độ đội ngũ GV.

Một số tỉnh miền núi khi tiến hành khảo sát trình độ GV theo khung chuẩn châu Âu cho thấy số GV đạt yêu cầu còn ở mức rất thấp. GV tiếng Anh chưa được đào tạo chuẩn về phương pháp. Đã vậy, GV từ nhiều nguồn và trong số đó, nhiều người không có nghiệp vụ sư phạm.

Thêm vào đó, chương trình và SGK mới chú trọng nhiều đến ngôn ngữ hơn là phát triển kỹ năng, lấy giáo trình thay cho chương trình, thiếu thốn trang thiết bị, nếu có lại không có phần mềm hoặc người biết khai thác, sử dụng. Tình trạng thi và kiểm tra mỗi nơi làm một kiểu, không có chuẩn thống nhất.

Việc dạy tiếng Anh cho HS dân tộc thiểu số hầu như thiếu thốn trăm bề. Hoạt động dạy và học của thầy và trò diễn ra trong hoàn cảnh, điều kiện thiếu thốn cả cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị. GV vẫn dạy chay trong SGK, hoặc có chăng là chiếc đài catset cho HS nghe băng. Các phương tiện hiện đại không có. 

Quan sát ở nhiều trường PTDT bán trú cho thấy HS chưa có ti vi để xem. Bởi nếu có thiết bị hỗ trợ này sẽ giúp các em hiểu biết nhiều hơn thế giới xung quanh, cuộc sống nhiều vùng miền.

Sách truyện thiếu thốn đặc biệt các loại sách bổ trợ học tốt, nâng cao khả năng tiếng Anh cho các em lại càng quí hiếm. 

Có thể thấy việc dạy và học tiếng Anh cho HS, nhất là HS dân tộc thiểu số ở nước ta còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. HS ít có môi trường giao tiếp cũng như điều kiện tối thiểu để học tiếng Anh tốt hơn. “Tranh ảnh minh họa không có, GV tự tìm, rồi phô tô về cho HS xem. Không có bằng đĩa, em phải gửi mua tận thành phố Yên Bái, cách xa trường 200km nhưng nhiều khi không đúng ý, yêu cầu đặt ra”, cô Hiền chia sẻ như vậy. 

Vệc dạy và học tiếng Anh ở nước ta đang đứng trước thách thức lớn như: Cách tiếp cận môn học, đội ngũ, chương trình và SGK.

Hiện nay, ngoại trừ các thành phố lớn, các vùng có điều kiện, còn lại, đa số hoạt động dạy học ngoại ngữ như một môn học kiến thức chứ không phải kỹ năng.

 Theo PGS.TS Phan Quế, chuyên gia Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, năng lực GV còn rất thấp, nhất là GV tiểu học chưa được đào tạo chuẩn về phương pháp, lại đến từ nhiều nguồn nhưng đa số không có nghiệp vụ sư phạm.

GV vẫn là trung tâm của quá trình dạy và học. Do vậy dạy học tiếng anh trong các trường nội trú vẫn mang nặng tư tưởng ứng thí, kể cả khi thi cuối cấp và thi vào đại học vẫn chỉ tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch.

Hiện cả nước đã có gần 7.000 GV được tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng chuẩn tối thiểu theo khung chuẩn châu Âu, trong đó, có nhiều GV các tỉnh miền núi.  

Vũ Kiệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ