Dạy nghề cho người sau cai nghiện: Cần thay đổi cách tiếp cận

GD&TĐ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện (NSCN)?là một giải pháp quan trọng góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn ma túy. 

Lớp học văn hóa cho học viên cai nghiện tại Trung tâm GD-LĐ-XH tỉnh Quảng Ninh
Lớp học văn hóa cho học viên cai nghiện tại Trung tâm GD-LĐ-XH tỉnh Quảng Ninh

Tuy nhiên do trình độ thấp, hạn chế về kỹ năng tay nghề, bên cạnh đó là sự kỳ thị của một bộ phận người dân khiến cho NSCN còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nghề nghiệp việc làm, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Trình độ văn hóa thấp

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, tính đến tháng 5/2017, cả nước đã tổ chức điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho hơn 100.000 người nghiện, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Tuy nhiên công tác cai nghiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, tỷ lệ người sau cai tái nghiện cao; nhiều địa phương sau 2 năm tỷ lệ tái nghiện còn cao. Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố với gần 90% quận, huyện và khoảng 70% xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội: Học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động…

Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp với khoảng 10% không biết chữ và 59% có trình độ văn hóa từ tiểu học tới THCS. Khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề; gần 20% đã được học nghề nhưng không được cấp chứng nhận, chứng chỉ và khoảng 12% là được đào tạo nghề một cách chính quy, được cấp bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Hầu hết người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho sử dụng ma túy. Khoảng 50% người nghiện đã gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe thể chất.

Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, NSCN không có việc làm sẽ rất dễ tái nghiện. Tại Hà Nội, giai đoạn 2010 - 2015, triển khai công tác quản lý sau cai nghiện ma túy, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ra 13.000 quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện cho đối tượng đã hết thời gian cai nghiện bắt buộc tại trung tâm và nơi cư trú; 1.615 NSCN được dạy nghề; 2.431 NSCN được hỗ trợ, tạo việc làm tại địa phương. Tuy nhiên, con số này được xem là vẫn còn rất khiêm tốn so với tổng số NSCN tại Hà Nội.

Thay đổi cách tiếp cận và hỗ trợ sau cai nghiện

Các chuyên gia cho rằng, việc tư vấn học nghề, tạo việc làm cho NSCN có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của công tác quản lý sau cai, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài sự hạn chế về trình độ, sức khỏe của NSCN, khó khăn còn do chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NSCN chưa rõ ràng, khó thực hiện. Đó là chưa kể sự nghi ngại của chủ doanh nghiệp đối với người có quá khứ nghiện ngập, không muốn tiếp nhận đối tượng này vào làm việc.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Dù việc điều trị cai nghiện rất khó khăn, phức tạp nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, cộng đồng thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công. Để cai nghiện thành công ngoài sự quyết tâm của người nghiện cần có sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng về mọi mặt như y tế, tâm lý và xã hội phù hợp với nhu cầu của từng người. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, thay đổi cách tiếp cận về cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện, tuyên truyền giảm kỳ thị với người nghiện ma túy. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh cần có một chiến dịch, chiến lược về công tác truyền thông để thay đổi cách nhìn, thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề này... gia đình và cộng đồng cùng chung sức cùng với người nghiện tránh sự kì thị và quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người sau cai.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao là do nhận thức của người nghiện, gia đình người nghiện và cộng đồng xã hội về điều trị, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ. Người nghiện luôn mặc cảm, tự ti, buông xuôi, phó mặc, thiếu ý chí và quyết tâm cai nghiện. Cộng đồng xã hội còn phân biệt đối xử, xa lánh với người nghiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ