(GD&TĐ) - Tâm lý ngại đi xa của người dân, thiếu giáo viên cơ hữu, thiếu trang thiết bị dạy nghề và đặc biệt là việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển sản xuất của người lao động khu vực nông thôn sau học nghề... là những tồn tại đã và đang ảnh hưởng tới hiệu quả triển khai Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Số liệu từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh cho thấy, sau 3 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), Đồng Nai đã đào tạo được hơn 27.300 lao động khu vực nông thôn, lao động thuộc vùng sâu vùng xa với tỷ lệ lao động tìm được việc làm sau đào tạo đạt 79,3%.
Đáng chú ý, số lao động học nghề phi nông nghiệp chiếm 50,7% và lao động học nghề nông nghiệp chỉ chiếm 36% với tổng số 9.900 lao động. Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH tỉnh, dù tự tạo việc làm hay làm việc trong các DN, cơ sở sản xuất thì phần lớn lao động nông thôn sau học nghề đã biết áp dụng kiến thức được học vào thực tế sản xuất, nhờ đó thu nhập của người lao động tăng đáng kể.
Tuy nhiên, Sở LĐTB&XH cũng cho biết, mặc dù đã gặt hái được những thành quả rất tích cực nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Và khó khăn đầu tiên là tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu trong các cơ sở dạy nghề.
Theo thống kê, 3 năm qua, Đồng Nai đã huy động được 11 trung tâm dạy nghề, 2 trường trung cấp và 3 trường cao đẳng tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc các trình độ, 422 giáo viên cũng tham gia vào công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, trên thực tế ngoài các trường trung cấp và cao đẳng, thiết bị dùng trong giảng dạy của các trung tâm dạy nghề còn thiếu thốn và lạc hậu, khiến chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của DN.
Dạy nghề nông thôn vẫn mang tính truyền thống Ảnh: Phan Hải |
Thêm vào đó, việc thiếu giáo viên cơ hữu dẫn tới tình trạng phải thuê giáo viên, không chủ động được giờ giấc và chương trình dạy cũng là một khó khăn lớn trong công tác dạy nghề của Đồng Nai. Về phía người lao động, không phải người dân nào cũng hào hứng với việc học nghề. Tâm lý ngại đi xa, rồi việc chưa nhận thức hết được lợi ích của việc học nghề và không muốn mất thời gian đi học cũng vẫn còn tồn tại trong nhận thức của một bộ phận người lao động, nhất là lao động vùng sâu, vùng xa, lao động là người dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, vấn đề khó tiếp cận với nguồn vốn vay cho phát triển sản xuất của người lao động sau học nghề đang ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của đề án. Chia sẻ về điều này, lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết, 3 năm qua chỉ có 80 hộ gia đình sau học nghề vay được vốn cho phát triển sản xuất với tổng số tiền khoảng 880 triệu đồng. Đây là con số quá khiêm tốn so với nhu cầu, nhất là đối với những lao động học nghề nông nghiệp.
Để tháo gỡ những khó khăn này, theo Sở LĐTB&XH, Đồng Nai sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền giúp người dân hiểu và tham gia thụ hưởng chính sách đào tạo nghề. Sở sẽ phối hợp với phòng LĐTB&XH các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh nhằm chiêu sinh, tư vấn cho người dân lựa chọn những nghề phù hợp với điều kiện của bản thân.
Bên cạnh đó, Sở sẽ hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề mua sắm trang thiết bị giảng dạy; chỉnh sửa giáo trình giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học nghề; ưu tiên đào tạo những nghề tỉnh có lợi thế nhằm đảm bảo đầu ra cho lao động học nghề và ưu tiên đào tạo cho người lao động vùng sâu, vùng xa, lao động là người dân tộc thiểu số; tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn từ chương trình nhằm phát triển sản xuất sau học nghề.
Về vấn đề vốn cho phát triển sản xuất của người lao động sau học nghề, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong trường hợp người lao động đã có nghề, có dự án để phát triển sản xuất, kinh doanh thì có thể đến ngân hàng thương mại để vay. Nếu người lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách thì có thể đến Ngân hàng Chính sách vay với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất thông thường
Huy Quang