Đẩy mạnh “xóa mù” tiếng Anh

GD&TĐ - Tại cuộc tọa đàm về “Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh quan điểm việc dạy và học ngoại ngữ cần phải đổi mới theo hướng coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, chứ không phải học để đối phó, để lấy chứng chỉ, bằng cấp. 

Ngoài việc học ngoại ngữ cơ bản, người học phải thường xuyên thực hành bằng nhiều cách
Ngoài việc học ngoại ngữ cơ bản, người học phải thường xuyên thực hành bằng nhiều cách

Cần xây dựng một cộng đồng nói tiếng Anh, khơi dậy một môi trường mà mọi người thích nói tiếng Anh, thích đọc tiếng Anh, một xã hội học tập, tạo thành phong trào sâu rộng. Người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả người trưởng thành, để toàn dân đều có thể học ngoại ngữ. Quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phản ánh một thực tế là ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đang vô cùng quan trọng trong một thế giới mở, kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vừa qua, tại Diễn đàn thảo luận “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam”, bạn Đặng Huyền Thư - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội chia sẻ về mô hình cộng đồng ngoại ngữ, nhằm lan tỏa hình thức hội nhập hiệu quả. Mô hình nhằm mục đích nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên, phát triển kỹ năng, kiến thức với sinh viên.

Theo đó, mô hình được hoạt động theo hình thức miễn phí, chính sinh viên lại là giáo viên của các bạn sinh viên khác. Cùng nhau xây dựng cộng đồng bền vững cùng phát triển, bên cạnh đó là hỗ trợ cho nhau kỹ năng mềm. Được biết, đây là một mô hình được triển khai hiệu quả 2 năm nay tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, được đánh giá cao, khi mà các bạn trẻ, kể cả những người tốt nghiệp các trường đại học, năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh đừng nói không đủ mà còn là quá yếu.

Cũng mới đây, trong một cuộc giao lưu trên sóng truyền hình, một chuyên gia đã chia sẻ một câu chuyện vui. Đó là trong chuyến công tác của ông ở Malaysia, khi ông bắt taxi từ sân bay về khách sạn, lái xe là một người lớn tuổi. Vị chuyên gia này hỏi chuyện bác tài những câu tiếng Anh rất thông dụng và đơn giản, bác tài đáp lời cũng bằng những câu tiếng Anh hết sức đơn giản, không chính xác ngữ pháp, có lẽ ngữ âm cũng không chuẩn, nhưng có điều là cả người nói và người nghe đều hiểu về nội dung cuộc nói chuyện đó.

Những ai từng đi du lịch lên Sa Pa đều dễ dàng thấy các em nhỏ và nhiều người dân ở đây giao tiếp tốt tiếng Anh và tiếng Pháp. Có những bạn trẻ khả năng nghe nói tiếng Anh nhuần nhuyễn, nói như dân chuyên môn là bạn đó đã tư duy được bằng ngôn ngữ này. Điều lạ là các em đó không theo học trường lớp nào mà toàn là học “tiếng bồi”, giao tiếp trực tiếp. Câu chuyện người lái taxi Malaysia cũng minh chứng một điều giao tiếp đã giúp năng lực nghe nói tiếng Anh tốt hơn, tất nhiên Malaysia có điều kiện thuận lợi hơn Việt Nam nhiều vì quốc gia này có nhiều người nói tiếng Anh. Kể ra những câu chuyện trên để nhấn mạnh một điều là ngoại ngữ cũng là sinh ngữ và để học tốt một ngôn ngữ nào đó thì phải học thật, phải giao tiếp được chứ không phải là học, thi với những chứng chỉ bằng cấp nhưng khi cần giao tiếp lại kém.

Trong một thế giới mở và hội nhập, tiếng Anh là vô cùng quan trọng và cần thiết, các bạn trẻ Việt Nam muốn hội nhập không thể thiếu ngôn ngữ này. Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường ở nước ta đang có vấn đề, ở cả cách thức dạy lẫn ý thức người học.

Một tin vui là để việc dạy học ngoại ngữ thiết thực, quan điểm của Bộ GD&ĐT là xem xét các giải pháp đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn hóa theo thực tế, phù hợp theo yêu cầu của từng cấp học. Cùng với đó là xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín, để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam, đảm bảo khách quan, không để thả nổi, buông lỏng chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Các trung tâm đều phải kiểm định và được xếp hạng khi tham gia hoạt động giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.