Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp

(GD&TĐ) - Ngày 24-12, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp (GĐTP). Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm và chỉ ra những nguyên nhân tồn tại trong công tác GĐTP. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả GĐTP trong thời gian tới, chuẩn bị cơ sở lý luận, luận cứ thực tiễn cho việc xây dựng dự án Luật GĐTP.

Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp
Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp

Sau 5 năm triển khai thi hành Pháp lệnh GĐTP, công tác giám định tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng: Hệ thống tổ chức GĐTP trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở trung ương và địa phương đã được củng cố, kiện toàn một bước. Đội ngũ giám định viên (GĐV) tư pháp đã được tăng cường, cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định đã bước đầu được chú trọng, hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường và đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động GĐTP đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, tránh được oan sai, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu của xã hội về giám định ngoài hoạt động tố tụng.

Đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, công tác GĐTP vẫn chưa thực sự ngang tầm, vẫn là “điểm nghẽn” trong hoạt động tố tụng nhiều năm qua. Hạn chế của công tác GĐTP cũng làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Hội nghị đã chỉ ra, nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GĐTP, bảo đảm quản lý nhà nước đồng bộ, hiệu quả và đi vào thực chất, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước về GĐTP hiện nay cũng là giải pháp được các đại biểu đánh giá cao.

Đặc biệt, việc nỗ lực xây dựng và ban hành Luật GĐTP theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định, bảo đảm quyền yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng, có cơ chế bảo đảm tính khách quan, minh bạch của hoạt động giám định, bảo đảm kết luận giám định… là một trong những việc làm đúng đắn và cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của công tác GĐTP.

Tin, ảnh: Vũ Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ