Đẩy mạnh tuyển sinh riêng

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học và thông tin giữ ổn định phương án thi tốt nghiệp THPT 2022, nhiều trường đã bắt tay xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm tới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cho đến nay, đa số trường chưa có kế hoạch điều chỉnh nhiều trong phương thức xét tuyển. Chỉ tiêu dự kiến của số đông vẫn là xét theo điểm thi THPT, điểm học bạ. Việc điều chỉnh chủ yếu về tỉ lệ chỉ tiêu của các phương thức, hình thức nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển, điều kiện tuyển sinh, tiêu chí phụ... để phù hợp với tình hình thực tế.

Điểm đáng chú ý trong khởi động tuyển sinh 2022 là các trường đại học tốp trên có xu hướng giảm sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng với các kỳ thi đánh giá tư duy/năng lực.

Theo đó, dự kiến tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dành chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT còn rất thấp, chỉ 10 - 20% cho một số chương trình đào tạo. Riêng phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, trường lên đến 60 - 70% tổng chỉ tiêu. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực khoảng 7 - 8 đợt, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8/2022, đáp ứng cho khoảng 30.000 thí sinh dự thi.

Đại học Quốc gia TPHCM cho hay sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thành 2 đợt và mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi ngoài 7 địa phương như năm 2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước; đồng thời tiếp tục cải tiến kỳ thi để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở giáo dục tiếp cận và sử dụng kết quả kỳ thi. Đặc biệt năm 2022, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ nghiên cứu xây dựng bài thi riêng, phù hợp với ngành đào tạo chuyên biệt như y khoa.

Các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM cũng tăng dần tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực. Một số trường khác dự kiến duy trì trở lại kỳ thi tuyển sinh riêng như Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Sư phạm TPHCM…

Việc giảm dần sự lệ thuộc tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp ở nhóm trường tốp trên là tín hiệu tích cực cho thấy các đại học đã và đang phát huy vai trò tự chủ. Xu hướng này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ GD&ĐT - những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển, sau đó cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Đặc biệt, việc đẩy mạnh các kỳ thi riêng là bước khởi động cần thiết để tiến đến thành lập Trung tâm Khảo thí, đúng xu hướng quốc tế trong tuyển sinh đại học.

Dĩ nhiên, đẩy mạnh các phương thức tuyển sinh riêng, trong đó có tổ chức kỳ thi riêng không phải muốn làm gì thì làm, mà phải tuân thủ theo quy định, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Thi cũng phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi; điều kiện tổ chức công khai và có sự giám sát. Đặc biệt là phải tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi. Đó cũng là lí do mà nhiều trường từng lên phương án mở kỳ thi riêng nhưng rồi đành hoãn, chỉ một số đơn vị có tiềm lực mạnh mới tổ chức được.

Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với mục tiêu hoàn thành công tác tuyển sinh, các trường đại học cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch. Tăng chỉ tiêu, mở rộng tuyển sinh qua kỳ thi riêng khẳng định rõ nét ý thức nâng cao trách nhiệm chuyên môn, vai trò tự chủ của các đại học. Nhưng thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, năm nay thời gian học online nhiều cũng có những hạn chế, số đông học sinh 12 vẫn chưa trải nghiệm kiểu học thi đánh giá tư duy/năng lực so với kiểu học thi tốt nghiệp. Vì thế, song song với mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh qua các kỳ thi riêng, các trường cũng cần sớm công bố đề minh họa, đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn thi và tuyển sinh, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ