Những năm gần đây, nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đồi dốc thay thế cây ngô, sắn kém hiệu quả. Người dân ở xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho bà con ở địa phương.
Trở lại xã Hua Păng, chúng tôi chứng kiến nhiều đổi thay rõ rệt, không còn thấy những mảnh đất đồi trồng ngô, trồng sắn trước đây đâu mà nổi lên là những vườn cây ăn quả xanh tốt, phủ một màu xanh biếc mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp bà con các bản nâng cao thu nhập, vươn lên xóa nghèo.
Theo thống kê, hiện toàn xã có gần 340 ha cây ăn quả, trong đó có trên 90 ha diện tích trồng mới, trên 127 ha đã và đang cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi có thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng.
Điển hình như mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của gia đình anh Vì Văn Đạt ở bản Bó Hiềng; mô hình trồng cam vinh ở bản Nà Sài; mô hình trồng mít Thái, mít bốn mùa ở bản Chiềng Cang; mô hình trồng nhẵn chín muộn ở bản Suối Ba… Hiện nhiều diện tích các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp các hộ dân trồng tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Nhiều diện tích đất dốc tại bản Chiềng Cang xã Hua Păng chuyển đổi trồng cây ăn quả |
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hua Păng, cho biết trước đây, bà con trong xã chủ yếu trồng ngô, sắn, đất bạc màu nhanh, giá cả lại bấp bênh, thu nhập thấp. Chính vì vậy, xã đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với lợi thế, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như giống cây mít, nhãn, xoài, cam, bưởi da xanh…
Dẫn chúng tôi đến thăm các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn xã, anh Hà Văn Trình, Cán bộ địa chính nông nghiệp chia sẻ, để giúp bà con có thêm kinh nghiệm chăm sóc trồng các loại cây ăn quả xã đã phối hợp với Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật cắt ghép, tỉa tán cho 80 lượt người ở bản Nà Sài; tập huấn ủ phân hữu cơ cho đại diện các bản được 80 lượt người.
Thăm vườn mít của hộ gia đình anh Tạ Văn Bình, bản Chiềng Cang, với hơn 2 ha diện tích đất đồi dốc khó canh tác trước đây, giờ gia đình anh Bình đã thuê máy xúc san ra để trồng cây mít bốn mùa và cây nhãn ghép bước đầu đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Anh Tạ Văn Bình chia sẻ, năm vừa qua, gia đình tôi đã thu trên 10 tấn mít Thái, bán với giá 25.000 đồng/kg gia đình tôi thu trên 200 triệu đồng; vụ mít năm nay sai quả, mong rằng sẽ được giá, được mùa để tăng thêm thu nhập.
“Ngoài trồng cây ăn quả hiện gia đình còn phát triển chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học nhằm hạn chế nhiều công chăm sóc và đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ hướng đi này, hàng năm gia đình tôi đều thu nhập trên 500 triệu đồng từ trồng cây ăn quả và chăn nuôi”, anh Bình phấn khởi nói.
Với việc đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên các diện tích đất đồi, đất dốc kém hiệu quả, thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn 8,0%.
Thời gian tới, xã Hua Păng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tổ chức thêm các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho người dân. Cùng với đó, để đảm bảo đầu ra ổn định, xã liên kết với các Công ty, HTX bao tiêu sản phẩm nông sản cho người dân.
Đồng thời vận động các hộ xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.