Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Đoàn cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam năm 2022.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã giới thiệu khái quát về tình hình thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam. Theo đó, qua 30 năm thực hiện, đến cuối năm 2021, tại Việt Nam số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người, bao phủ hơn 91% dân số. Mỗi năm quỹ BHYT chi trả hàng trăm nghìn tỷ đồng, đóng góp cơ chế tài chính trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Trong đó, chi thuốc chiếm khoảng 36%, chi vật tư y tế (VTYT) chiếm khoảng 10%.
Hiện nhu cầu tiếp cận thuốc mới, thuốc hiệu quả và VTYT mới, công nghệ y tế mới tiếp tục gia tăng, trong khi nguồn lực tài chính quỹ BHYT có giới hạn, đặt ra sự cần thiết phải có các công cụ, quy trình xác định phạm vi thanh toán.
Cạnh đó, là yêu cầu tìm kiếm các chiến lược mua sắm thuốc, VTYT hiệu quả để bảo đảm sử dụng quỹ BHYT bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người dân…
“Vì vậy, việc hợp tác với USABC trong lĩnh vực BHYT là rất cần thiết. BHXH Việt Nam mong muốn được USABC chia sẻ các thực tiễn tốt nhất của thế giới và các mô hình hợp tác để hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, chính sách BHYT, chính sách về quản lý dược phẩm, bao gồm cả lĩnh vực đấu thầu, đàm phán giá thuốc một cách bền vững ở Việt Nam với khả năng tiếp cận tốt nhất với các sản phẩm y tế sáng tạo.” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.
Đại diện Đoàn công tác của USABC, ông Michael Michalak - Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đánh giá, việc BHXH Việt Nam và USABC ký Bản ghi nhớ hợp tác trong thực hiện chính sách BHYT là một dấu mốc, khởi đầu thuận lợi cho sự hợp tác. Các doanh nghiệp thành viên của Hội động luôn sẵn sàng và mong muốn được triển khai các dự án, công việc, cung cấp nguồn lực để Việt Nam cải thiện chính sách BHYT, hệ thống y tế của mình.
“Tôi tin tưởng rằng sau buổi làm việc hôm nay, chúng ta sẽ có tiền đề để thực hiện việc hợp tác công tư tốt hơn trong lĩnh vực BHYT của Việt Nam và đạt được mục tiêu của các dự án trong khuôn khổ Bản ghi nhớ giữa BHXH Việt Nam và USABC”- ông Michael Michalak nói.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thảo luận, trao đổi về 9 lĩnh vực đã được đưa vào Bản ghi nhớ hợp tác.
Tại mỗi lĩnh vực đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp của USABC đã phát biểu, trình bày các dự án, phương pháp, đề xuất liên quan. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đánh giá cao các dự án, đề xuất này và nhấn mạnh hầu hết đáp ứng được nhu cầu, kỳ vọng của BHXH Việt Nam.
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo BHXH Việt Nam và USABC thống nhất các mục tiêu, chương trình chung; đồng thời nhận định, các dự án dự kiến được triển khai là rất lớn, phức tạp nên sau buổi làm việc hai bên sẽ cử các chuyên gia theo từng lĩnh vực để đánh giá, trao đổi sâu hơn về các dự án; đồng thời tổ chức các chuỗi hội thảo trong từng lĩnh vực hợp tác.
Hai bên sẽ đưa ra chương trình hành động cụ thể, biến các mục tiêu, nhiệm vụ trong Bản ghi nhớ thành hiện thực, tạo bước đột phá trong thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam.
9 lĩnh vực hợp tác giữa BHXH Việt Nam và USABC 1- Nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển BHYT toàn dân bền vững: Cải thiện, duy trì sự ổn định và bền vững về bao phủ BHYT và quỹ BHYT; 2- Nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực hiện giám định thanh toán BHYT; 3- Xây dựng các phương pháp, chỉ số, mô hình đánh giá chất lượng, chi phí, giá cả của các dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế trong thanh toán BHYT; 4- Đánh giá các quy trình, các phương thức liên quan đến chi trả BHYT đối với dịch vụ y tế, dược phẩm, trang thiết bị y tế và vật tư y tế. 5- Chia sẻ về việc thanh toán thuốc biệt dược gốc, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế, việc sử dụng thuốc biệt dược gốc khi đã có thuốc generic thay thế. 6- Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế, việc thực hiện đàm phán giá thuốc. 7- Trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp trong xây dựng khung pháp chế và thực hành quản lý dược phẩm, bao gồm cả đấu thầu thuốc; 8- Chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt về mô hình quản lý thống nhất dược phẩm và các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người; 9- Hỗ trợ, phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, thông tin khoa học; hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo cán bộ, tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số nước có trình độ quản lý, công nghệ về lĩnh vực dược phẩm. |