Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ đóng vai trò trụ cột trong gia đình ngày càng tăng. Theo nghiên cứu năm 2018 từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, cứ 4 cặp vợ chồng thì có 1 cặp vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng.
Vợ càng kiếm nhiều tiền, chồng áp lực càng lớn
Một nghiên cứu mới của Đại học Bath cho thấy xu hướng này đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nam giới.
Nghiên cứu đã phỏng vấn 6.000 cặp vợ chồng Hoa Kỳ trong suốt 15 năm để xem sự thay đổi này đã tác động như thế nào đến sức khỏe thể chất và tinh thần, sự hài lòng trong cuộc sống và các mối quan hệ của mọi người.
Họ phát hiện ra rằng đàn ông cảm thấy lo lắng nhất khi họ là trụ cột duy nhất trong gia đình và ít căng thẳng nhất khi bạn đời của họ đóng góp 40% vào thu nhập hộ gia đình. Nhưng khi phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn, đàn ông trở nên “ngày càng khó chịu” và căng thẳng.
Nguyên nhân là do các chuẩn mực giới trong xã hội truyền thống cho rằng khi đã kết hôn, đàn ông nên là trụ cột gia đình.
Tỷ lệ phụ nữ đóng vai trò trụ cột trong gia đình ngày càng tăng. (Ảnh: ITN). |
Farnoosh Torabi, chuyên gia tài chính tại Hoa Kỳ và tác giả của cuốn sách “Khi cô ấy kiếm được nhiều hơn” giải thích: “Mặc dù tình thế đang thay đổi, nhưng nhiều người Mỹ vẫn bám víu vào niềm tin sâu xa trong vô thức rằng đàn ông phải có khả năng cung cấp tài chính để trở thành người chu cấp phù hợp cho gia đình họ".
Torabi chia sẻ thêm với CNBC Make It: “Nếu bạn không đáp ứng được kỳ vọng đó, nó có khả năng làm tổn hại đến lòng tự trọng và giá trị bản thân của bạn".
Một nghiên cứu khác cho thấy, các chuẩn mực nam tính không khuyến khích đàn ông trở nên dễ bị tổn thương, điều này có thể cản trở khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần của họ.
Torabi nói: “Tiền làm tăng thêm mức độ phức tạp, bởi vì đó là một chủ đề căng thẳng, đầy cảm xúc, đặc biệt là trong bối cảnh của một mối quan hệ.
Khi phụ nữ là trụ cột gia đình, các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thảo luận về bất kỳ vấn đề cảm xúc nào, dẫn đến việc lo lắng, đặc biệt nếu họ mặc định nghĩ rằng đàn ông nên kiếm nhiều tiền hơn vợ".
Torabi cho rằng, có nhiều chiến lược thực tế có thể hữu ích cho các cặp vợ chồng đang vật lộn với sự mất cân bằng này.
Cô nói: “Tìm cách tạo ra sân chơi tài chính bình đẳng để mỗi người có thể cảm thấy có giá trị về mặt tài chính trong mối quan hệ (bất kể họ kiếm được bao nhiêu) là điều quan trọng. Ví dụ, người chồng có thể đóng góp vào những thứ như học phí cho con hoặc chi phí các kỳ nghỉ, nếu người vợ đang trang trải hầu hết các chi phí hàng ngày.
Hoặc, nếu chồng bạn gặp khó khăn về tài chính, thì hãy cùng nhau thảo luận về một số khía cạnh chính trong cuộc sống mà anh ấy có thể quản lý, chẳng hạn như chăm sóc con cái hoặc nấu ăn".
Kết quả một số nghiên cứu cho thấy khi phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn, họ cũng đảm nhận nhiều trách nhiệm gia đình hơn.
Trên hết, những phát hiện này là cơ hội tốt để các cặp vợ chồng hiểu những gì họ cần để giúp cân bằng gánh nặng gia đình, ít nhất là trong 100 năm tới để thu hẹp khoảng cách về lương.
Không quan trọng hóa vấn đề
Chênh lệch mức lương thế nào không quá quan trọng, bởi thu nhập của hai vợ chồng không nên hiểu theo nghĩa “của anh” hay “của tôi” mà là “của chúng ta”. (Ảnh: ITN). |
Đối với hầu hết các cặp vợ chồng hiện nay, hiếm khi cả hai đối tác kiếm được mức lương chính xác như nhau. Nhưng thực tế, chênh lệch mức lương thế nào không quá quan trọng, bởi thu nhập của hai vợ chồng không nên hiểu theo nghĩa “của anh” hay “của tôi” mà là “của chúng ta”.
Người kiếm được ít tiền hơn hoặc ở nhà với lũ trẻ có thể cảm thấy mình không nên nói nhiều. Nhưng đừng bao giờ quên rằng hai người đang ở trong cùng một đội. Bất cứ ai cũng có tiếng nói bình đẳng về tiền bạc và hôn nhân.
Lắng nghe, vun đắp một cuộc hôn nhân vững chắc cần có thời gian và sự chủ tâm. Đây có thể là một quá trình khó xử hoặc thậm chí gây bực bội, nhưng bạn có thể học cách thảo luận về tài chính của mình theo cách hiệu quả.