Theo cô Nguyệt, có động cơ, ý thức, ý chí học tập tốt, có môi trường lớp học vững mạnh, tích cực, thân thiện sẽ giúp người học luôn tự giác, say mê, sáng tạo trong học tập.
Do đó, cô luôn chú ý giáo dục động cơ, thái độ đúng đắn và ý chí tự học đối với HS, giúp cho các em thấy được tầm quan trọng của hoạt động tự học, thay đổi cách tư duy trong tự học, phát huy sức mạnh tập thể và sức mạnh cá nhân nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đã đặt ra.
Thứ nhất, xây dựng động cơ hứng thú nhận thức cho HS (động cơ bên trong). Theo đó, cô luôn chú ý khơi gợi hứng thú học tập cho HS để các em có ý thức tốt về nhu cầu học tập. Từ đó xây dựng động cơ hứng thú nhận thức cho HS.
Động cơ bên trong này có tác dụng thúc đẩy và phát triển hoạt động học tập, tự học của HS. Những kết quả mà HS đạt được trong quá trình học tập/tự học là nguồn năng lượng vô tận nuôi dưỡng và phát triển động cơ học tập.
Thứ hai, xây dựng động cơ trách nhiệm trong học tập cho HS (động cơ bên ngoài). Theo cô Nguyệt, khi có động cơ trách nhiệm trong học tập đúng đắn sẽ khiến mỗi HS học tập có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Từ đó luôn tự giác, say mê học tập với những mục tiêu cụ thể rõ ràng với những niềm vui sáng tạo trong học tập đem lại. Đây là điều kiện cần thiết để GV giúp HS chuyển hóa động cơ học tập bên ngoài thành động cơ học tập bên trong.
Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng động cơ, ý chí học tập và tự học cho HS. Cô Nguyệt trao đổi, ý chí học tập/tự học là sự bền bỉ vượt qua những trở ngại, khó khăn của HS trong học tập.
Ý chí học tập/ tự học có vai trò thúc đẩy cá nhân vượt qua khó khăn, trở ngại để chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng vươn tới mục đích học tập. Ý chí học tập/ tự học làm cho động cơ học tập hoạt động bền bỉ, mạnh mẽ.

Vì vậy cô Nguyệt thường xuyên bồi dưỡng động cơ, ý chí học tập và tự học cho HS theo các cách:
Một là, bản thân cô luôn tự rèn luyện mình về tự học và sáng tạo, để HS noi theo mà rèn luyện, tu dưỡng bản thân.
Hai là, giáo dục tinh thần, ý chí tự học cho HS; nêu cao tinh thần “Học tập suốt đời”, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vì một xã hội phát triển bền vững.
Thứ ba, trong quá trình dạy học, cô “Dạy chữ kết hợp với dạy người”. Dạy cho HS ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn để vươn lên; không đầu hàng trước những khó khăn, trở ngại trong học tập. Làm cho HS hiểu được: trong học tập/ tự học nếu thiếu sự kiên trì, lòng quyết tâm và sự nghiêm túc của bản thân thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch học tập/ tự học do mình đặt ra.
Thứ tư, dạy cho HS biết cách sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động xã hội một cách hợp lý; đồng thời biết tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học, chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng và phát triển nhân cách.
Thứ năm, dạy cho HS tự giác tiến hành các nhiệm vụ học tập, không đợi ai nhắc nhở hay sai bảo. Biết tự mình tìm kiếm tri thức, kỹ năng để học, vừa thỏa mãn nhu cầu nhận thức của bản thân vừa lấp đầy những chỗ còn khiếm khuyết trong hiểu biết của mình.
Mặt khác, cũng cần phải lựa chọn một cách nghiêm túc xem, trong giới hạn quỹ thời gian cho phép nên học gì và chưa nên học gì. Biết chia nhỏ mục tiêu và kiên trì thực hiện.
Thứ sáu, rèn cho HS biết cách chế ngự sự cám dỗ tức thời diễn ra hằng ngày, để làm nền tảng cho sức mạnh ý chí cao hơn trong một số lĩnh vực khác của cuộc sống sau này.
Thứ bảy, bồi dưỡng tinh thần lạc quan trong học tập/tự học cho HS, thấy khó không nản, thấy dễ không chủ quan coi thường.
Thứ tám, bồi dưỡng cho HS khả năng chịu đựng va vấp; khắc phục nỗi lo sợ, do dự, lười nhác; dũng cảm đối mặt với thất bại, qua thất bại biết rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó có thêm dũng khí và sức mạnh trong việc thực hiện mục tiêu.