Dạy học vùng cao: Không gian khó nào ngăn được tình yêu thương

GD&TĐ- Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả các giáo viên vùng cao đang phải trải qua. Song tình yêu thương cùng nhiệt huyết đã và đang giúp họ bám trụ, mang nụ cười, tương lai tươi sáng hơn cho học trò nghèo.

Thầy A Phiên chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò. Ảnh tư liệu
Thầy A Phiên chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò. Ảnh tư liệu

Hiểu để sẻ chia với phụ huynh

Các giáo viên vùng cao luôn đề cao vai trò phối hợp với phụ huynh và thấu hiểu hoàn cảnh học sinh trong công tác giáo dục.

Thầy A Phiên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum – một nhà giáo mẫu mực, hết lòng vì học trò, được nhiều người biết đến với sự dày công chăm lo cho bữa cơm bán trú của học sinh cho biết: Việc sẻ chia, thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong công tác dạy và học. Bởi nếu giáo viên không kịp thời nắm bắt thì sẽ có nhiều học sinh vì gia đình quá khó khăn mà nghỉ học. Đặc biệt đối với các em vùng cao thì việc quan tâm, động viên các em là rất cần thiết.

Cuộc sống của các em đa số là khó khăn, bố mẹ ít quan tâm đến việc học của con cái, nhiều gia đình vì thiếu thốn nên đưa con theo lên nương rẫy, và không muốn cho con ra lớp. Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, nhu yếu phẩm, thì công tác tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh giúp gia đình thấy được tầm quan trọng của việc học. Từ đó, thay đổi nhận thức để tạo điều kiện tối đa cho học sinh ra lớp.

“Đối với học sinh vùng cao, để duy trì sĩ số thì giáo viên phải thường xuyên quan tâm, động viên, sẻ chia với phụ huynh và các em. Từ đó, nắm bắt được những khó khăn, thiếu thốn của học sinh để có phương án hỗ trợ kịp thời. Với điểm trường cụm Đăk Ka, nơi tôi đang giảng dạy, việc duy trì bữa cơm trưa gần như là điều kiện bắt buộc để giữ chân học trò. Bởi gia đình các em đa số khó khăn, thiếu thốn nên việc ăn no còn khó. Do đó, bữa cơm ở trường với thịt, cá, trứng, sữa… sẽ giúp học sinh có sức khoẻ và động viên tinh thần các em đến lớp”.
Thầy A Phiên

Cô Trà Thị Thu, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: Việc chia sẻ, thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình học sinh rất quan trọng trong công tác dạy và học. Giáo viên, nếu muốn gắn bó với học trò như người cha, người mẹ thứ hai của các em thì việc hiểu hoàn cảnh gia đình các em là rất cần thiết.

Hiểu được hoàn cảnh gia đình và cả tính cách của từng em, giáo viên có thể chia sẻ được những khó khăn, vấn đề các em đang vướng, để các em có thể đến trường đều đặn cùng bạn bè, yên tâm học hành, không còn mặc cảm…

Giáo viên cắm bản luôn mang theo rất nhiều đồ dùng, nhu yếu phẩm, thuốc men... lên cho học trò. Ảnh tư liệu
Giáo viên cắm bản luôn mang theo rất nhiều đồ dùng, nhu yếu phẩm, thuốc men... lên cho học trò.  Ảnh tư liệu

Trân trọng những điều nhỏ nhất

Ở vùng cao, điều kiện dành cho giáo dục còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, các thầy cô không vì thế mà nản lòng. Với họ, càng khó khăn về vật chất, càng phải nỗ lực để bù đắp về tinh thần cho học trò, giúp các em tự tin vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Theo chia sẻ của thầy A Phiên: Học sinh vùng cao thường ngại giao tiếp, trò chuyện cùng thầy cô nên việc các em bày tỏ tình cảm với giáo viên là rất hiếm. Tuy nhiên, thông qua nụ cười, ánh mắt biết nói hoặc nghe lời giáo viên thì mình biết rằng học trò quý trọng và yêu thương mình. Với tôi, chỉ cần học sinh chăm chỉ đến lớp, nghe lời thầy cô và cố gắng học tập thì đó là tình yêu thương lớn nhất mà các em dành tặng giáo viên.

Được nhiều người biết đến qua Lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 đơn sơ nhưng ấm áp của cô và trò điểm trường Tắc Pổ, cô Trà Thị Thu tâm sự: Từ những năm đầu tiên tôi đi dạy, cho dù ở thôn bản khó khăn về mọi thứ nhưng tôi không có quan niệm làm lễ cho có. Tôi vẫn làm đầy đủ, chu đáo các trình tự khai giảng, tự cắt giấy màu để dán chữ trang trí, vẫn tự lên chương trình, làm lễ đón học sinh đầu cấp, chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước,…

"Tôi nghĩ với giáo dục, lễ Khai giảng đầu năm học rất quan trọng. Đó là sự khởi đầu của một năm học mới sau 3 tháng học sinh nghỉ hè. Có thể rồi các em sẽ quên đi nhiều kiến thức trong sách vở, nhưng ấn tượng của những lễ khai giảng sẽ là những kỷ niệm đẹp khi nhớ về thời đi học.

Thế nên, dù ở đâu, khó khăn nhường nào thì mình cũng nên làm chu toàn trong khả năng có thể, tạo không khí phấn khởi, vui tươi để bắt đầu một năm học mới nhiều màu sắc và cũng tự tạo được niềm vui cho cô trò, giúp các em hiểu rõ hơn về ngày Khai giảng năm học” – cô Thu bộc bạch.

“Đối với tôi, niềm hạnh phúc lớn nhất là các em học sinh đến lớp đầy đủ, không có em nào nghỉ học hoặc bỏ học vì cuộc sống quá khó khăn. Bên cạnh đó, các em ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và cố gắng học con chữ. Đồng thời, các em có đủ cơm ăn 3 bữa, áo ấm mặc trong mùa đông. Mình hy vọng rằng các em sẽ biết con chữ để sau này học lên cao, từ đó mới có hy vọng thoát nghèo và phát triển quê hương. Mình tin rằng, những giáo viên vùng cao khác cũng sẽ hạnh phúc khi học sinh của mình đủ đầy”.
Thầy A Phiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ