Khó chồng khó
Mường Ảng (Điện Biên) có 36 trường, 510 lớp với 13.778 học sinh theo học, trong đó 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng bởi tập tục sống rải rác ở các lưng đồi, sườn núi, có nơi điện lưới còn chưa vươn tới nên việc trao đổi thông tin hai chiều giữa giáo viên với học sinh gặp nhiều khó khăn.
“Ở đây, chúng tôi không thể triển khai cho các em học được trực tuyến vì đa số học sinh là con em gia đình khó khăn. Nhà nghèo, máy vi tính, ipad hay như điện thoại thông minh vẫn là thứ xa xỉ với các em. Ngoài ra, ở nhiều bản, Internet còn chưa có, mạng di động phập phù nên gọi điện nắm bắt tình hình học sinh đã khó, nói gì việc dạy trực tuyến”, ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Thống, cũng bởi điều kiện khó khăn nên ngành GD-ĐT huyện chỉ có thể chỉ đạo các trường phân công giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm vận dụng mọi cách để liên lạc với học sinh và phụ huynh nhằm đôn đốc các em tự rèn luyện và học tập tại nhà. Khi tái giảng, giáo viên các trường sẽ lên kế hoạch bồi dưỡng kiến thức phù hợp cho học sinh với phương châm “không gây áp lực cho học sinh và cũng không bớt xén chương trình”.
Nhiều học sinh ở thành phố Điện Biên Phủ tự học trực tuyến. |
Tăng cường tương tác
Mỗi ngày, Phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ tổ chức 3 đoàn công tác đến trường học vừa hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đôn đốc các trường hướng dẫn học sinh tự ôn luyện kiến thức.
“Ngoài việc trao đổi bài tập qua các ứng dụng như Zalo, Facebook, giáo viên các trường trên địa bàn đã hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu thêm những bài giảng trực tuyến như các bạn ở Hà Nội đang học. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi lúc này đó là việc rèn kỹ năng tự học, đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi kiến thức mới cho các con trên cơ sở tài liệu sẵn có. Bởi vậy, giáo viên các trường cũng rất nỗ lực phối hợp với phụ huynh để thực hiện tốt phần việc này”, bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ trao đổi.
Hàng ngày, ngoài việc truy cập các ứng dụng Zalo, Facebook để trao đổi thông tin về công việc của riêng mình, ông Nguyễn Mạnh Thắng (tổ 5, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) - phụ huynh của học sinh Trường THCS Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) tiếp nhận thông tin giáo viên cung cấp rồi truyền đạt cho con trai mình.
“Lớp lập nhóm Zalo chung, do cô giáo chủ nhiệm lớp làm nhóm trưởng, thành viên là đại diện phụ huynh của tất cả học sinh trong lớp. Trước là để trao đổi tình hình học tập của các cháu hàng ngày. Nhưng từ khi các cháu nghỉ học, nhóm hoạt động nhiều hơn. Hàng tuần, GV chủ nhiệm giao bài tập ở tất cả các bộ môn, hoàn thành bài thông qua địa chỉ Email của học sinh, có thông báo đến bố mẹ qua Zalo để đôn đốc các cháu tải bài tập về rồi tự làm. Những gì không hiểu các cháu sẽ liên hệ với cô giáo nhờ giải đáp. Tôi thấy việc học của các cháu vẫn duy trì thường xuyên nên cũng yên tâm”, ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Trường THCS Him Lam có 821 học sinh theo học ở 21 lớp. Trong thời gian được nghỉ học, các lớp đều duy trì tốt phong trào tự học, tự ôn luyện. Hàng ngày, giáo viên bộ môn nghiên cứu rồi soạn giáo án ôn tập. Giáo viên chủ nhiệm là người tổng hợp bài tập từ các thầy, cô bộ môn để chuyển tới cho học sinh thông qua địa chỉ hòm thư cá nhân. Việc kiểm tra tiến độ, chất lượng bài làm của học sinh được giáo viên chủ nhiệm kiểm soát chặt chẽ theo kế hoạch tuần thông qua các ứng dụng trực tuyến.