Tuy nhiên, với HS lớp 1, lần đầu làm quen với học online cùng việc triển khai Chương trình (CT) GDPT mới đòi hỏi nhà trường, GV nỗ lực, linh hoạt trong dạy học để đạt được hiệu quả mong đợi.
Cần thời gian để học sinh làm quen
Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng – Bắc Giang) cho biết: Khi Bắc Giang bắt đầu cho HS nghỉ học, nhà trường lên ngay kế hoạch dạy học trực tuyến cho HS toàn trường. Nếu như việc triển khai với HS khối 2 - 5 không quá lo ngại vì GV và HS được tập dượt từ năm học trước, có kinh nghiệm thì với HS khối 1 lại hết sức cẩn trọng, không thể chủ quan.
HS lớp 1 lần đầu tiếp cận với dạy học online, lại ở lứa tuổi nhỏ nên thao tác trên máy tính, điện thoại chưa thành thạo cần sự hỗ trợ của người lớn trong thời gian đầu. Trong khi đó, qua khảo sát của GV chủ nhiệm khối 1, cơ bản phụ huynh đều là công nhân trong các nhà máy và phải đi làm ban ngày. Do đó, dạy học thời điểm nào cũng phải lựa chọn, thống nhất để đa số HS có thể tham gia học online.
Cô Chu Thị Uyên – GV lớp 1A5, Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) cũng chia sẻ: Bước vào học kỳ 2, HS lớp 1 chuyển sang viết chữ 1 ly, dạy học trực tuyến sẽ ảnh hưởng đáng kể tới việc hướng dẫn, rèn kĩ năng viết. GV không nắn chỉnh kĩ càng, HS khó đạt được yêu cầu. GV sẽ rất vất vả củng cố lại những kĩ năng này.
Mặt khác, cô Chu Thị Uyên cũng cho rằng: Học trực tuyến với HS lớp 1 không chỉ khó trong thao tác, ứng dụng máy móc mà với đặc điểm lứa tuổi sẽ khó tập trung học tập. Phải mất thời gian ngắn HS mới có thể làm quen với học tập trực tuyến…
Nỗ lực, linh hoạt… hướng tới hiệu quả
Theo cô Phạm Thị Huệ, trong lúc đợi cấp tài khoản học trực tuyến cho HS lớp 1, nhà trường đã yêu cầu GV lớp 1 nghiên cứu chương trình học tập trong tuần, xây dựng phiếu học tập và phát trực tiếp cho HS. Sau khi HS hoàn thành, phụ huynh chụp kết gửi vào nhóm liên lạc trên Zalo. GV sẽ chấm và chữa bài kĩ càng sau đó và hướng dẫn lại phụ huynh phần kiến thức mà HS chưa hoàn thành đúng để rèn lại cho con.
Cô Vũ Trinh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) trao đổi: Nếu dạy học trực tuyến ban ngày, tỉ lệ HS tham gia sẽ hạn chế, đặc biệt với HS lớp 1 chắc chắn còn bỡ ngỡ nếu không có sự hỗ trợ từ bố mẹ. Chính vì vậy, GV vẫn giao phiếu học tập cho HS vào ban ngày. Và tiến hành dạy trực tuyến vào buổi tối. Lịch và giờ học buổi tối do GV chủ nhiệm làm việc cùng Ban phụ huynh để thống nhất.
“CTGDPT 2018 có những điểm mới nên GV phải linh hoạt trong soạn giáo án khi giảng dạy trực tuyến. Giáo án, bài giảng của GV đều được tổ chuyên môn, ban giám hiệu (BGH) kiểm duyệt. Thậm chí, BGH và tổ chuyên môn sẽ vào dự giờ dạy trực tuyến của GV để cùng điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả.
Đặc biệt với GV khối 1, BGH sẽ chỉ đạo sát sao việc dạy học trực tuyến. Phải dựa trên cơ sở kết hợp cùng phụ huynh HS. Giờ học trực tuyến cần xây dựng mở, kết hợp hình thức học mà chơi để HS thấy hấp dẫn, phong phú và cuốn hút. Mặt khác, GV luôn động viên trẻ để tạo ra sự tập trung, không chán nản do chưa quen học trực tuyến...” – cô Vũ Trinh Hương chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm dạy học với HS lớp 1 đạt hiệu quả, cô Chu Thị Uyên nói: Thời gian đầu, HS lớp 1 chưa quen học trực tuyến, GV vẫn phải giao bài tập qua Zalo để bố mẹ in cho con làm, sau đó chữa bài cẩn thận. Phần nội dung, kiến thức, kĩ năng nào HS chưa hoàn thành thì sát sao nhắc nhở thường xuyên.
Quá trình soạn giáo án dạy trực tuyến, những nội dung, hoạt động nhóm, hoạt động cả lớp không thể triển khai sẽ tập trung vào hoạt động cá nhân; Quá trình dạy trực tuyến, phần đọc viết cần kết hợp và huy động sự hỗ trợ của phụ huynh các buổi tối. Yêu cầu phụ huynh học cùng con, kiểm tra phần nào trẻ chưa hoàn thành hoặc chưa đúng thì hướng dẫn lại cho con. Một số kĩ thuật rèn viết chữ 1 ly ngoài hướng dẫn trực tuyến của GV, sẽ gửi mẫu cho phụ huynh in ra để trẻ quan sát và viết theo. Khi HS đi học trở lại, GV sẽ rèn lại những kiến thức, kĩ năng quan trọng…