Dạy học trực tuyến tại vùng khó: Đi tìm giải pháp

GD&TĐ - Dạy học trực tuyến với học sinh (HS) các thành phố lớn, nơi có điều kiện thuận lợi không mới lạ. Tuy nhiên với nhà trường và HS vùng khó cách dạy học phi truyền thống này vẫn chưa tìm được giải pháp để triển khai. Ngay cả trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà trường vẫn “ngậm ngùi” nói không với dạy học trực tuyến.

Nhiều HS vùng khó vẫn chưa tiếp cận được với dạy học trực tuyến do trang thiết bị. Ảnh: IT
Nhiều HS vùng khó vẫn chưa tiếp cận được với dạy học trực tuyến do trang thiết bị. Ảnh: IT

Thách thức

Thầy Bùi Quang Tấp – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Chảy – huyện Mường Khương (Lào Cai) chia sẻ: Triển khai dạy học trực tuyến cho HS trên địa bàn xã là thách thức. Đa số HS thuộc diện nghèo, chưa được gia đình trang bị về máy tính hay điện thoại thông minh. Mặt khác, tại nhiều thôn bản tới nay vẫn chưa có sóng điện thoại… Trong đợt dịch Covid-19 lần đầu, dù mong muốn nhưng nhà trường vẫn không thể “tháo gỡ” hết khó khăn để triển khai dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, khi dạy học trực tuyến trở thành yêu cầu, đòi hỏi bức thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường vẫn chuẩn bị sẵn một số điều kiện để triển khai (dù trong diện nhỏ).

Trong đợt bồi dưỡng hè vừa qua, đội ngũ GV không chỉ được bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, mà còn tăng cường tập huấn các phần mềm dạy học trực tuyến, phương pháp dạy học, soạn bài giảng trực tuyến, cách kiểm soát HS tham gia dạy học trực tuyến… Mặt khác, nhà trường lắp đặt tăng cường đường truyền Internet. Đội ngũ GV tự trang bị máy tính xách tay. Phòng tin học với 20 máy tính kết nối sẵn sàng Internet...

Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long, huyện Yên Minh (Hà Giang) cũng cho biết: Năm học này toàn trường có 886 HS học tập tại 15 điểm trường lẻ và 1 điểm trường chính. 98% HS người dân tộc, đời sống khó khăn. Nhiều phụ huynh học sinh chưa biết đến điện thoại thông thường. Nhiều thôn bản sóng điện thoại chập chờn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật kết nối mạng còn “trống”. “Với điều kiện khó khăn như hiện tại, nhà trường dù quyết tâm và mong muốn đến đâu cũng khó có thể triển khai dạy học trực tuyến. Do đó, việc chuẩn bị dạy học theo hình thức này không nằm trong kế hoạch” – thầy Tường khẳng định.  

HS Trường Tiểu học số 3 Võ Lao (Văn Bàn - Lào Cai) học trực tuyến. Ảnh: NTCC
HS Trường Tiểu học số 3 Võ Lao (Văn Bàn - Lào Cai) học trực tuyến. Ảnh: NTCC

Cần sự đồng hành từ nhiều phía

Theo thầy Bùi Quang Tấp, nếu dịch Covid-19 lại bùng phát, việc triển khai dạy học trực tuyến là giải pháp duy nhất và bắt buộc, nhà trường phải lên kế hoạch tháo gỡ một cách chi tiết, cụ thể: Tuyên truyền, bàn bạc với phụ huynh HS để tạo điều kiện cơ sở vật chất cho con em học tập. Đề xuất với các cấp lãnh đạo trong việc hỗ trợ miễn phí gói cước truy cập, tặng thẻ điện thoại 3G, 4G cho HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thậm chí, nhà trường tính phương án kêu gọi cửa hàng điện thoại trên địa bàn bán điện thoại trả góp, cho mượn máy cũ… để hỗ trợ HS phương tiện học tập. Nếu giải quyết đồng loạt các giải pháp này,  trên 50% HS (trong tổng số 271 HS toàn trường) có thể tham gia học trực tuyến.

Thầy Phạm Văn Tường cho rằng: Triển khai dạy học trực tuyến ở vùng khó khăn, yếu tố đội ngũ GV không phải nỗi lo. “Bản thân các thầy cô đã và đang thực hiện bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các phần mềm dạy học trực tuyến sẽ nhanh chóng. Người biết nhiều hỗ trợ người biết ít, học đồng nghiệp, trên mạng. Yếu tố khó khăn nhất mà mang tính quyết định là phương tiện học tập của HS. Nếu không có sự hỗ trợ, chung tay của các cấp ngành, xã hội, dạy học trực tuyến cho HS vùng khó vẫn là mơ ước” – thầy Tường chia sẻ.

Ông Bùi Xuân Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Toàn huyện Bắc Hà có gần 18.000 HS. Nếu triển khai dạy học trực tuyến, khoảng 30% HS ở thị trấn, vùng thuận lợi có thể tham gia. Còn lại các nhà trường, HS vùng khó vẫn ngoài cuộc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.