Chỉ có thể giao bài trực tiếp
Thầy Nguyễn Thọ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bắc (H.Hòa Vang, Tp Đà Nẵng) nói mà như than: “Trong tháng 2 – 3, nhà trường vẫn triển khai việc giao bài tập ôn tập cho HS. Do điều kiện địa bàn khó khăn, nhà trường phải in sẵn bài để mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, phụ huynh đến trường lấy, sang tuần sau thì nộp bài của tuần trước và lấy bài tập mới.
Chỉ có giao bài tập trực tiếp như thế thì HS mới có điều kiện làm bài được. Giờ mà tổ chức dạy học qua internet thì rất khó vì chỉ có thôn Phò Nam mới có mạng internet chứ các thôn khác gần như không có”.
Với nỗ lực giảng dạy bài mới cho HS để kịp chương trình học, các GV trường Tiểu học Hòa Bắc đã khắc phục khó khăn về phương tiện và thiết bị, chủ động sử dụng kênh youtube để kết nối với HS.
“Tuy nhiên, chỉ có 35 em tham gia ở cả 5 khối lớp, trong khi tổng số HS của toàn trường là 315 em. Trường có đến 2/3 HS là người dân tộc, đến góc học tập tại nhà với các em cũng khó chứ nói gì đến các phương tiện học tập hiện đại. Số phụ huynh có điện thoại thông minh, ti vi thông minh là rất ít. Nên chúng tôi cũng báo cáo thật tình hình với Phòng GD&ĐT là rất khó khăn và triển khai dạy học qua internet thì sẽ không hiệu quả” - thầy Thọ chia sẻ.
Khó đảm bảo chất lượng dạy học
Cũng ở địa bàn khó khăn, nằm sát chân đèo Hải Vân, trường Tiểu học Hải Vân (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang lên kế hoạch sẽ xây dựng bài giảng theo từng khối lớp, mỗi bài sẽ do một giáo viên đảm nhận giảng dạy cho cả khối rồi quay video lại, sau đó sử dụng các group của một số mạng xã hội như zalo, messenger facebook để đăng tải. Đây là hai kênh dễ tiếp cận với phụ huynh nhất so với đăng trên website của nhà trường.
Phụ huynh có thể tải về cho HS xem, GV sẽ hỗ trợ HS học bằng cách giải đáp, hướng dẫn qua điện thoại hoặc tương tác trên nhóm chát. Cuối tuần, GV trong tổ sẽ tổng hợp lại kiến thức cần hệ thống để ra bài tập luyện tập. Phụ huynh sẽ chụp lại bài làm của HS gửi lại vào nhóm để GV đánh giá, nhận xét.
Tuy nhiên, cô Trần Thị Nhàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hải Vân cho biết, sẽ gặp khó khăn trong triển khai dạy học bài mới, kiến thức mới cho HS, nhất là HS lớp 1-2. “Có những lớp, 100% phụ huynh tham gia mạng xã hội nhưng có những lớp chỉ khoảng 50% phụ huynh có điện thoại kết nối internet. Chưa kể là chất lượng dạy học như thế này cũng không thể đảm bảo được HS sẽ tiếp thu bài tốt được. Phụ huynh ở đây đa phần là công nhân, khó hỗ trợ cho HS trong quá trình tự học ở nhà” - cô Nhàn cho biết.
Ngay như ở quận Hải Châu, một CBQL giáo dục cho biết, không thể đảm bảo 100% HS trong lớp tham gia học trực tuyến được. “Nghỉ học dài trong khi phụ huynh vẫn phải tiếp tục đi làm nên nhiều phụ huynh gửi con cho ông bà ở quê; khó có thể tiếp cận để học trực tuyến. HS ở các lớp nhỏ, khi tham gia học trực tuyến cũng cần có sự hỗ trợ, theo dõi của phụ huynh để kết nối máy tính, điện thoại…” – vị này cho biết.
Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, do thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh quá dài, nhằm duy trì nề nếp và thói quen học tập cho HS, nhà trường đã yêu cầu GV gửi bài tập qua các group và website của trường.
“Dù đã sử dụng rất nhiều kênh như nhóm zalo, nhóm chát facebook.. nhưng không phải HS nào cũng tiếp cận được vì không thống nhất về thời gian, cũng có nhiều gia đình khó khăn nên HS không có các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính… để lấy bài tập về làm” - thầy Phước nhận xét.
Bà Lữ Thị Kim Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu cho biết: “Các trường triển khai dạy học bài mới, kiến thức mới cho HS qua internet nhưng sẽ vẫn phải có kế hoạch bổ túc cho những HS không có điều kiện tham gia học khi HS đi học trở lại. Trong thời gian này, nhà trường vẫn tiến hành giao bài tập ôn tập trực tiếp để duy trì nề nếp học tập đối với những HS không có điều kiện tiếp cận các phương tiện học tập qua internet”.