Dạy học trực tuyến: Linh hoạt theo từng mức độ

GD&TĐ - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT đã công nhận tính pháp lý của hình thức dạy học trực tuyến (DHTT) cả về thực hiện chương trình và kiểm tra đánh giá định kỳ.

Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng (TP Vinh) tập huấn cho học sinh về học online.
Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng (TP Vinh) tập huấn cho học sinh về học online.

Tại Nghệ An, ngành Giáo dục đã chỉ đạo để các nhà trường tiếp tục triển khai DHTT theo từng mức độ nhằm hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp, tùy vào điều kiện cụ thể.

Quy trình khép kín

Tại Nghệ An, dạy học trực tuyến chính thức triển khai từ học kỳ II năm học 2019 - 2020 với các hình thức: Dạy học thông qua hệ thống LMS và dạy học trên truyền hình có tương tác trực tiếp giữa giáo viên - học sinh. Trước đó, trong triển khai dạy học, các trường sử dụng những hình thức trực tuyến để hỗ trợ cho học sinh như: Giao bài tập, trao đổi qua mạng xã hội, YouTube, email... Nhưng các hoạt động trên chỉ mang tính chất bổ trợ, bổ sung nguồn tài liệu, kiến thức cho học sinh. Chỉ đến khi các trường phải nghỉ học đồng loạt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghệ An mới triển khai bài bản, đồng bộ và có kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Qua đó, vừa giúp không gián đoạn việc dạy học ở các nhà trường, bảo đảm chất lượng giáo dục và công tác quản lý.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2020 – 2021, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, các trường luôn sẵn sàng để dạy học trực tuyến với nhiều hình thức tùy điều kiện mỗi nhà trường. Vì vậy, Thông tư Bộ vừa ban hành về dạy học trực tuyến có ý nghĩa quan trọng và kịp thời trong giai đoạn này.

Trước hết, công nhận về tính pháp lý của hình thức dạy học trực tuyến. Trong đó có công nhận việc thực hiện chương trình, hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến và kết quả triển khai dạy học trực tuyến theo chương trình năm học. Điều được nhất khi kết hợp dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến sẽ giúp nhà trường, giáo viên linh hoạt, tự chủ trong tổ chức dạy học để thực hiện chương trình trong từng bối cảnh, tình huống cụ thể.

Bên cạnh đó, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến tạo quy trình khép kín cho dạy học trực tuyến. Khi chưa có thông tư, học sinh chỉ được công nhận kết quả kiểm tra thường xuyên, còn kiểm tra định kỳ phải trực tiếp thực hiện trên lớp. Mặt khác, giáo viên - học sinh được làm quen với kiểm tra đánh giá theo hình thức này sẽ thuận lợi cho việc tham gia các kỳ thi của nhà trường, địa phương và toàn quốc. Bởi trong xu thế sắp tới, các kỳ thi sẽ chủ yếu được thực hiện trên máy tính. 

Dạy học trực tuyến linh hoạt với nhiều hình thức tùy theo điều kiện thực tế nhà trường và học sinh.
Dạy học trực tuyến linh hoạt với nhiều hình thức tùy theo điều kiện thực tế nhà trường và học sinh.

Linh hoạt triển khai

Qua theo dõi, kiểm tra, đánh giá tổng hợp, vùng thuận lợi đã tổ chức khá hiệu quả, giúp nhà trường thực hiện tốt chương trình trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài do dịch Covid-19. Đồng thời tạo nền tảng cơ bản về dạy học trực tuyến không chỉ trong điều kiện phải nghỉ học vì dịch bệnh, mà cả sau khi các trường đã dạy học bình thường trở lại.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, để triển khai DHTT theo tinh thần thông tư mới của Bộ, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết là hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến như phần mềm, công nghệ thông tin, đường truyền... Một số vùng khó khăn, vùng sâu đường truyền, sóng Internet không tới nơi. Thiết bị học tập của học sinh thiếu thốn, đặc biệt là các em vùng dân tộc thiểu số. Sự phối hợp giữa giáo viên - phụ huynh trong quản lý học sinh chưa thường xuyên. Trong khi năng lực tự học của học sinh nói chung vẫn còn hạn chế. Mà học trực tuyến đòi hỏi ý thức tự giác, năng lực tự học rất cao.

Huyện miền núi cao Con Cuông của Nghệ An có 44 trường ở 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS nhưng chỉ có 8 trường ở vùng thuận lợi có thể triển khai dạy học trực tuyến. Ông Lê Thanh An – Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Địa bàn miền núi và điều kiện của phụ huynh còn khó khăn, nên đại đa số học sinh chưa đáp ứng được việc học trực tuyến và thiếu hạ tầng. Trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà trường linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp như giao bài tập qua Zalo, Facebook, hoặc gửi bài tập về thôn bản cho học sinh.

Giải pháp này thực tế chỉ bổ trợ cho một số bộ phận và chưa thay thế được giải pháp về tự học và kiểm tra đánh giá của các trường. Vì vậy, theo thông tư mới của Bộ GD&ĐT cũng như hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nghệ An, huyện Con Cuông chỉ đạo các trường linh hoạt áp dụng DHTT theo mức độ và hình thức phù hợp. Trong đó, có thể triển khai hiệu quả, phù hợp với bồi dưỡng nâng cao cho học sinh giỏi, trường vùng thuận lợi...

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ có văn bản hướng dẫn mới để các trường triển khai DHTT từ năm học 2021 - 2022 với nhiều mức độ: DHTT hỗ trợ dạy học trực tiếp và DHTT thay thế dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên về kỹ thuật thiết kế bài giảng để dạy học trực tuyến, sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến. Hiện sở cũng có kế hoạch xây dựng chuẩn giáo án điện tử theo những tiêu chí nhất định. Một mặt giúp giáo viên linh hoạt trong thiết kế bài giảng, thuận lợi trong tìm kiếm, khai thác tư liệu dạy học. Mặt khác, sẽ tiến tới quản lý giáo án trên hệ thống phần mềm quản lý của ngành.

Thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo, có cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn lực bảo đảm hạ tầng kĩ thuật DHTT cho các địa phương và nhà trường. Bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên để dạy học trực tuyến hiệu quả hơn. - Ông Nguyễn Tiến Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.