Dạy học trong dịch Covid-19: Ưu tiên nội dung cốt lõi, tránh quá tải

GD&TĐ - Trong điều kiện dịch bệnh, các cơ sở giáo dục triển khai linh hoạt chương trình; đồng thời tập trung hoàn thành nội dung cốt lõi theo hướng giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học.

Các địa phương cần điều chỉnh, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế. Ảnh minh họa: Thế Đại
Các địa phương cần điều chỉnh, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế. Ảnh minh họa: Thế Đại

Xây dựng kế hoạch rõ ràng ở từng tổ chuyên môn

Trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 4040/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021 - 2022.

Hướng dẫn được thực hiện theo nguyên tắc: Giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, không yêu cầu học sinh (HS) thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, nội dung quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại.

Theo cô Nguyễn Thị Thiếp, giáo viên Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp), để triển khai nội dung hướng dẫn, trước hết tổ trưởng chuyên môn phải nắm kĩ các nội dung như: Tự học có hướng dẫn, HS tự đọc… và yêu cầu từng giáo viên trong tổ nghiên cứu kĩ những nội dung này trước khi họp thống nhất.

Bộ GD&ĐT ghi “hướng dẫn HS tự học”, nhưng không nói rõ là hướng dẫn như thế nào, thời gian hướng dẫn nội dung đó, hướng dẫn đến đâu để tạo kiến thức nền cho những năm học sau.

Có những câu bài tập Bộ hướng dẫn rõ không làm, nhưng có những câu bài tập thì không đề cập tới. Và một câu hỏi đặt ra là: Những nội dung ở năm học 2020 - 2021 yêu cầu tự học có hướng dẫn, HS tự đọc, không yêu cầu HS làm… những năm học sau sẽ thực hiện như thế nào, khi nội dung kiến thức của bộ môn là kiến thức có hệ thống…

Nêu vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thiếp cho rằng: Việc thống nhất trong tổ chuyên môn cách thực hiện, hướng dẫn HS học như thế nào phải được xây dựng kế hoạch rõ ràng gửi trường xét duyệt trước khi thực hiện.

Quá trình thực hiện phải thường xuyên trao đổi để tích lũy kinh nghiệm truyền đạt kiến thức và hướng dẫn HS học tập phù hợp với hình thức trực tuyến. Rà soát, đối chiếu thường xuyên nội dung dạy học của nhóm với kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để bảo đảm thực hiện nội dung dạy học theo quy định.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch điều chỉnh nội dụng dạy và học trong điều kiện giãn cách. Ảnh minh họa: Thế Đại
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch điều chỉnh nội dụng dạy và học trong điều kiện giãn cách. Ảnh minh họa: Thế Đại

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn - Ngoại ngữ của Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ), nhấn mạnh việc đầu tiên cần nghiên cứu kĩ văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ/Sở GD&ĐT.

Rà soát chương trình vừa xây dựng xong và đang thực hiện; đối chiếu so sánh với văn bản hướng dẫn để xác định các nội dung cắt giảm và tương ứng với nó là thời lượng cắt giảm; từ đó làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện chung cho toàn trường.

Trên cơ sở kế hoạch giáo dục của trường sau điều chỉnh, tổ nhóm chuyên môn họp và xây dựng kế hoạch giáo dục cho bộ môn. Và từ kế hoạch của tổ nhóm, giáo viên cụ thể hóa kế hoạch giáo dục của mình.

“Trong quá trình thực hiện, cần chú ý đến những nội dung cốt lõi và phân phối thời lượng phù hợp để bảo đảm chủ động hoàn thành chương trình kể cả khi dịch bệnh diễn biến xấu. Số tiết giảm ở những nội dung cắt giảm được dự phòng, nếu điều kiện cho phép tiếp tục luyện tập củng cố kiến thức cơ bản và rèn kĩ năng cho HS” - cô Nguyễn Thị Thu Hà lưu ý.

Không dồn ép, cắt xén chương trình

Căn cứ hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học tại các phụ lục trong Công văn 4040, Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ) đã rà soát điều chỉnh, hoàn thiện kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế (tình hình dịch bệnh của khu vực, trình độ HS, điều kiện học tập của HS vùng núi....); bảo đảm yêu cầu tổng số tuần dạy học, tổng số giờ các môn học không đổi đúng thời gian biên chế năm học do UBND tỉnh quy định.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong quá trình này, trường đã họp giáo viên, tổ trưởng chuyên môn quán triệt và thống nhất rõ cách thức, phương pháp thực hiện, rà soát kế hoạch giảng dạy. Một số bài không dạy, một số nội dung trong bài không dạy hoặc được lồng ghép trong bài khác… không thực hiện, trường sẽ tăng thời lượng giờ dạy ở một số bài, một số phần của bài dạy.

Thời lượng tăng dành cho cả học lý thuyết và ôn tập, bảo đảm: Thời lượng dạy học các môn học phù hợp để HS được học đầy đủ, nghiêm túc các nội dung cơ bản, cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của chương trình, bảo đảm được chất lượng giáo dục. Xây dựng kế hoạch dạy học ưu tiên dạy kiến thức lý thuyết và kiến thức trọng tâm, cốt lõi trước, thời lượng ôn tập cơ bản chuyển vào các tuần cuối kỳ, cuối năm học.

Lưu ý triển khai hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 theo Công văn 4040, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, nhấn mạnh: Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cần tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo đó, tăng thời lượng dạy học đối với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh đối lớp 9 và các môn thi tốt nghiệp đối với lớp 12, bằng cách giảm thời lượng một số môn khác, hoặc bố trí học buổi 2, với mục tiêu hoàn thành chương trình sớm đối với các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 và môn thi tốt nghiệp lớp 12, phù hợp với điều kiện thực tế.

Bảo đảm an toàn cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh minh họa: Thế Đại
Bảo đảm an toàn cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh minh họa: Thế Đại

Thời gian thực hiện chương trình phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học, đội ngũ giáo viên nhà trường, không gây áp lực và quá tải trong dạy học đối với HS; bảo đảm tổng số tiết theo quy định và cuối năm học đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình.

Đối với các môn học đã kết thúc chương trình sớm, đơn vị, trường học tiếp tục thực hiện giảng dạy hết chương trình năm học đối với môn học đã giảm thời lượng. Yêu cầu tổ chức thực hiện linh hoạt và không dồn ép, cắt xén chương trình. Đồng thời tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho HS lớp 9 và lớp 12 nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT.

Bà Bùi Thị Kim Tuyến cũng lưu ý cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án, phương tiện dạy học trực tuyến, dạy học từ xa qua các phần mềm ứng dụng, hoặc có thể hướng dẫn cho HS tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh... để chuyển sang hình thức dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sử dụng các tiết luyện tập, củng cố kiến thức cơ bản bằng hình thức giao bài tập cho HS. Xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch ôn tập linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, hướng dẫn HS tự đọc, HS tự thực hiện, tự ôn tập… những nội dung dạy học được điều chỉnh bảo đảm tính phù hợp trong điều kiện giãn cách.

“Nhóm cốt cán cấp tỉnh đã nghiên cứu xây dựng Kế hoạch giáo dục các môn học, thực hiện theo Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT. Kế hoạch này được gửi đến từng trường để tham khảo khi xây dựng kế hoạch giáo dục các môn học tại đơn vị mình” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.