Rèn kỹ năng làm việc nhóm
THPT An Dương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) là trường đầu tiên của Hải Phòng thực hiện thí điểm dạy học theo định hướng STEM.
Ngay từ đầu năm học 2017 - 2018, Ban Giám hiệu nhà trường đã cho học sinh tiếp cận với nội dung chương trình giáo dục STEM dưới hình thức các CLB trên các lĩnh vực: STEM theo chương trình SGK phổ thông, STEM tái chế và thiết kế mô hình, STEM robot và tự động hóa, STEM nông nghiệp.
Ông Phạm Hoàng Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Dương cho biết: Dạy học STEM trong nhà trường là quá trình dẫn dắt học sinh đi từ lý thuyết đến thực hành, giúp các em vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Để STEM trong nhà trường đạt hiệu quả tốt, ngoài các điều kiện như ý tưởng đề tài, giáo viên hướng dẫn, cơ sở vật chất phục vụ dạy học... thì hình thức CLB STEM sẽ rèn cho học sinh khả năng làm việc nhóm, tạo ra sự tương tác, phát huy năng lực cá nhân cũng như trách nhiệm của mỗi học sinh đối với đề tài.
Từ ý tưởng sáng tạo đến quá trình nghiên cứu của các thành viên trong các CLB, học sinh Trường THPT An Dương đưa ra nhiều sản phẩm nghiên cứu có tính thực tiễn cao như: Trải nghiệm các thiết bị tự động hóa, máy in 3D; lắp mô hình xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời và các mạch điện thông minh; các mẫu thiết kế thời trang, sa bàn kích cỡ lớn làm từ nguyên liệu tái chế; các phần trưng bày sách bắt mắt…
Chương trình đã tạo được sự hứng thú học tập, tinh thần hăng say nghiên cứu, tìm tòi của học sinh và bước đầu tạo hiệu ứng tích cực trong việc giáo dục định hướng STEM trong trường học.
Ảnh minh họa |
Phát triển ý tưởng sáng tạo
Được thành phố giao thực hiện thí điểm giáo dục STEM trong trường học đối với bậc THCS, ngay từ đầu năm học 2018 - 2019, Trường THCS An Đồng (huyện An Dương) triển khai dạy học theo định hướng STEM qua 8 chủ đề dạy học theo nhóm, dạy học mở, thiết kế chủ đề STEM phát triển ý tưởng sáng tạo.
Giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, để các em thỏa sức với những đam mê của mình, nhà trường đã thành lập ra những CLB: Tái chế, Sáng tạo, Nhà sinh học trẻ, Robotic... Đồng thời, tổ chức những hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện An Dương và trong thành phố Hải Phòng như: Vườn đào (xã Đặng Cương), mô hình trồng cam (xã An Hồng)...
Bà Hà Thị Thư, Hiệu trưởng Trường THPT An Đồng cho hay: Quá trình thí điểm STEM trong nhà trường, các em học sinh được thể hiện hết mình và tỏ ra là những thành viên tích cực đối với hoạt động nghiên cứu, xây dựng đề tài cùng thành viên CLB.
Bà Thư cũng cho biết thêm, từ mô hình CLB, học sinh được học mà chơi, chơi mà học. Các em không bị gò bó trong một không gian khép kín như những tiết học truyền thống, mà các em được hoạt động nhóm, được trải nghiệm, được cùng thầy cô trao đổi ý tưởng, kiến thức lý thuyết đã học từ đó mà thẩm thấu, bắt rễ sâu vào trí nhớ của học sinh.
Tại Ngày hội STEM của Trường THCS An Đồng diễn ra ngày 28/12/2018, lãnh đạo ngành giáo dục, cũng như nhiều thầy cô giáo không khỏi ngỡ ngàng trước màn tái hiện ứng dụng Robot trên sa bàn tấn công vào sở chỉ huy của địch tại Đường 9, Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) của nhóm học sinh đến từ CLB robotic.
Mô phỏng lại trận đánh của bộ đội tăng thiết giáp trong chiến dịch Khe Sanh, các em học sinh đã vận dụng các kiến thức ngôn ngữ lập trình của môn Tin học, nguyên lý chuyển động cơ học trong môn Vật lý, quỹ đạo chuyển động trong bộ môn Toán học để chế tạo ra những chú robot bắn bóng vô cùng tinh xảo và điêu luyện. Được khám phá kiến thức, tiếp cận với thiết bị thông minh và thực hành lắp ráp các mô hình robot, cách lập trình điều khiển là những trải nghiệm tuyệt vời đối với các em học sinh.
Bên cạnh đó, nhóm học sinh đến từ các câu lạc bộ “STEM sáng tạo”, “STEM tái chế” và câu lạc bộ “Chúng em là nhà thiết kế” đã đem đến Ngày hội STEM của Trường THCS An Đồng những sản phẩm vô cùng độc đáo với những mà trình diễn hấp dẫn. Những bộ trang phục truyền thống của Việt Nam và các nước trên thế giới do chính tay học sinh thiết kế, cho thấy những ý tưởng sáng tạo cùng bàn tay khéo léo của các em.