Dạy học tài liệu địa phương: Thầy cô cần linh hoạt, sáng tạo

GD&TĐ - Theo quy định Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tài liệu địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, địa lý, văn hóa và kinh tế - xã hội… của địa phương.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Kim Oanh kiểm tra việc dạy học online của giáo viên tiểu học tại TP Buôn Ma Thuột.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Kim Oanh kiểm tra việc dạy học online của giáo viên tiểu học tại TP Buôn Ma Thuột.

Vì vậy, để đạt hiệu quả trong tổ chức dạy học, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, xứ sở cho học sinh, thầy cô phải thực sự linh hoạt, sáng tạo và bám sát thực tiễn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ

Bên cạnh việc tham mưu biên soạn bộ tài liệu địa phương theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ bằng các hình thức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp.

Theo đó, từ ngày 25 - 29/12, 15 chuyên viên của 15 phòng GD&ĐT; 412 cán bộ quản lý và 412 giáo viên tiểu học của các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh tham gia bồi dưỡng phương pháp tổ chức dạy học bộ tài liệu địa phương lớp 1 theo hình thức trực tuyến. Sở GD&ĐT điều hành, giám sát các điểm cầu.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: “Do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trước mắt, chúng tôi thực hiện trực tuyến cho các thầy cô dạy lớp 1, năm học 2021 - 2022. Đây là những người tiên phong trong việc dạy học bộ tài liệu địa phương. Thầy cô sẽ được các báo cáo viên, những người trực tiếp biên soạn tài liệu hướng dẫn về nội dung, phương pháp tổ chức dạy học phù hợp với từng lứa tuổi, địa phương và từng trường”.

Cũng theo bà Oanh, Đắk Lắk là tỉnh có 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Vì vậy, bên cạnh việc bám sát đặc điểm địa lý, lịch sử, kinh tế - xã hội, thì việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi thầy cô trong dạy học, giáo dục.

Để phát huy hết giá trị của bộ tài liệu giáo dục địa phương này. Trước hết, thầy cô phải am hiểu về lịch sử, địa lý, văn hoá và kinh tế - xã hội nơi mình đang công tác. Khi dạy học phải chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong việc tích hợp, lồng ghép vào từng tiết, bài, chủ đề dạy học, tạo hứng thú cho học sinh. Có như vậy, các em mới thấy hết vẻ đẹp, giá trị và biết yêu quý cảnh vật, con người… trên quê hương, xử sở mình đang sinh sống, học tập.

Các đại biểu, giáo viên tham dự tập huấn dạy học tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu, giáo viên tham dự tập huấn dạy học tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 tỉnh Đắk Lắk.

Thầy cô hào hứng

Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du - huyện Cư Kuin cho biết: Sau khi được tập huấn, ngoài việc tiếp thu kiến thức mới về tài liệu địa phương đã tìm cho mình giải pháp để tự tin dạy học theo yêu cầu đổi mới giáo dục.

“Hoạt động trải nghiệm phải phối hợp với phụ huynh, vì các em còn quá nhỏ. Nội dung trải nghiệm là thứ thân thuộc, gần gũi với các em như: Di tích lịch sử, nhân vật, cảnh vật thiên nhiên… có giá trị tại địa phương. Từ đó định hướng cho các em biết yêu quý những gì gần gũi, thân thuộc của quê hương mình” - cô Thương chia sẻ.

Còn theo cô Doãn Hồng Thiên, Trường Tiểu học Hà Huy Tập, huyện Krông Ana, giáo viên có thể linh hoạt trong việc tích hợp với nhiều môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, chủ đạo và gần nhất với học sinh lớp 1 là môn hoạt động trải nghiệm. Giáo viên phải tạo không khí tự nhiên, nhẹ nhàng. Chú ý đến từng hoàn cảnh học sinh trong lớp và điều kiện thực tế của nhà trường để tổ chức hoạt động trải nghiệm. Không nhất thiết phải ôm đồm, truyền tải hết tất cả nội dung trong các chủ đề của bộ tài liệu giáo dục địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.