Khi công tác tại địa phương, đến thăm các điểm du lịch, các trường học, cơ sở y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn dành thời gian khảo sát, xem xét việc bảo đảm vệ sinh tại những nơi này. Trong đó có trường hợp nhà vệ sinh tưởng chừng là “chuyện nhỏ” nhưng ở nhiều nơi lại là “nỗi sợ” của học sinh, bệnh nhân, khách du lịch.
Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra công trình vệ sinh công cộng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long; kiểm tra cơ sở vật chất và công trình vệ sinh tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Trạm y tế phường Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội).
Sau khi kiểm tra, trò chuyện với thầy cô giáo, đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở trên, Phó Thủ tướng nêu rõ câu chuyện nhà vệ sinh tuy nhỏ nhưng cần được quan tâm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là biểu hiện của văn minh. Có nhiều cách nhìn, phương pháp, chỉ số đánh giá độ phát triển của nền kinh tế đất nước.
Các nhà xã hội học của các nước phát triển dùng một số biểu hiện có tính xã hội để đánh giá trình độ này. Trong nhiều biểu hiện, có 3 điều đáng lưu ý: Xem đất nước đó có tôn trọng pháp luật không thì cần nhìn vào văn hóa giao thông; quan tâm xem giá cả hàng hóa ở chợ có được niêm yết công khai không và quan tâm đánh giá nhà vệ sinh công cộng từ trường học, trạm y tế, điểm du lịch như thế nào.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, tuân thủ kỷ cương, quy định từ những việc nhỏ nhất trong trường học đến những điểm du lịch, nơi thể hiện hình ảnh Việt Nam với du khách nước ngoài.
Ghi nhận Hà Nội nói chung và quận Thanh Xuân nói riêng đã có nhiều tiến bộ trong việc bảo đảm vệ sinh công cộng, tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng 3 điểm trường của quận vẫn còn tình trạng bụi bẩn trong góc khuất, kể cả trường chất lượng cao. Nhà vệ sinh của các trường đều có tình trạng còn nước đọng, có mùi hôi...
“Ở những nơi có cơ sở vật chất tốt mà vẫn còn vậy thì các nơi kém hơn sẽ như thế nào? Nhiều nơi nêu lý do vướng cơ chế nên không bảo đảm nhà vệ sinh sạch sẽ nhưng ngay cả nơi mới đầu tư, thuê cả lao công trực nhưng vẫn không sạch. Điều đó cho thấy ý thức giữ vệ sinh là rất quan trọng và thay đổi phải bắt đầu từ đây”, Phó Thủ tướng phân tích.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước cần quan tâm làm tốt công tác vệ sinh môi trường, trước nhất là trong trường học, bệnh viện, nơi công cộng... Những chỗ chưa đạt chuẩn cần được khắc phục sớm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra nhà vệ sinh của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân. Ảnh VGP |
Nói chuyện với các thầy, cô giáo Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, nhắc lại Năm điều Bác Hồ dạy học sinh trong đó điều thứ 4 là “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng đầu tiên trong giáo dục từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là cần dạy học sinh làm người, để các cháu phát triển thành con người toàn diện: Có tấm lòng nhân văn; trí tuệ, tính sáng tạo; lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu. Đổi mới giáo dục ngoài nội dung chuyên môn, quan trọng nhất là phải đưa nội dung giáo dục con người, dạy con trẻ về gìn giữ vệ sinh, yêu lao động.
Thầy cô giáo không làm mẫu trong lao động, trong giữ gìn vệ sinh trường lớp, tủ đựng đồ, nhà vệ sinh… thì học sinh không biết phải làm thế nào, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung ra sao.
Không tham gia vệ sinh, lao động sẽ dẫn đến việc học sinh không biết lao động, không quý trọng thành quả lao động, người lao động. Như vậy thì dù có đào tạo trí tuệ tốt cũng không thể đào tạo được con người toàn diện.
“Cô giáo có thể hướng dẫn, tổ chức thi đua cho học sinh để cho các con, các cháu rèn luyện thói quen tự chăm lo vệ sinh cho bản thân mình, từ đó có ý thức giữ gìn vệ sinh ở trường lớp, ở nhà, ra đường thấy rác là nhặt. Bên cạnh đó, cần có sự trao đổi, phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh về dạy các cháu biết giữ vệ sinh. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chắc chắc nhiều phụ huynh sẽ đồng ý, thậm chí đóng góp xây dựng, trang bị nhà vệ sinh, tham gia dọn vệ sinh trong trường”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Nói thêm về yêu cầu phải đổi mới cơ chế quản trị trong trường phổ thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tập thể giáo viên nhằm phát huy dân chủ trong trường học, cùng với phụ huynh, cộng đồng dân cư xây dựng môi trường giáo dục chất lượng tốt, văn minh cho các cháu học sinh phát triển toàn diện.