(GD&TĐ) - Phân loại từng đối tượng HS, rồi dựa vào kết quả phân loại để áp dụng chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp là một trong những bí quyết tạo nên hiệu quả GD cao tại Trường Trung học DTNT tỉnh Nghệ An.
*Lợi ích từ 3 phía
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự năng động, sáng tạo của GV Trường Trung học DTNT tỉnh Nghệ An trong quá trình giảng dạy. Điều này có được là nhờ họ đã được “cởi trói”, không bị “đóng khung” theo một chương trình, cách dạy khô cứng. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Đậu Trương cho biết: Trường chúng tôi đã áp dụng cách làm này từ năm 2003. Theo đó, căn cứ vào khung chương trình của Bộ GD-ĐT, các GV được tự xây dựng chương trình của riêng mình với nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp, sát với đối tượng HS của mình, tất nhiên vẫn phải trong khuôn khổ cho phép. Tổ bộ môn sẽ là đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, góp ý cho từng chương trình, sau đó các GV sẽ có sự điều chỉnh những điểm chưa hợp lý trong chương trình giảng dạy của mình. Cách làm này có ưu điểm lớn là cho phép GV được phát huy tính sáng tạo tối đa, không những thế còn buộc GV phải nắm vững trình độ, khả năng của từng HS trong lớp mình dạy. Vì thế, ngay từ đầu năm học, GV đã phải tìm hiểu thực lực của từng HS, phân loại từng nhóm đối tượng và có kế hoạch GD, bồi dưỡng cho phù hợp. Như vậy, điều này đem lại lợi ích cho cả 3 phía: GV – HS – nhà trường.
Tuy nhiên, cách làm này thời gian đầu cũng vấp phải sự e ngại của nhiều người, vì cho rằng như vậy liệu có tạo điều kiện cho GV dạy... lung tung, và liệu ban giám hiệu có đứng ngoài cuộc quá hay không? Nhưng thực tế đã chứng minh rằng giao cho GV quyền chủ động trong giảng dạy không những không cho phép họ được dạy lung tung mà còn làm tăng trách nhiệm của họ với công việc, với HS lên nhiều lần bởi những thể nghiệm, sáng tạo của họ dù có phá cách bao nhiêu cũng không được vượt qua “hành lang pháp lý” – khung chương trình của Bộ. Mặt khác, hiệu quả giảng dạy của GV được thể hiện rõ qua chất lượng GD cuối mỗi học kỳ, mỗi năm học của HS nên không có lý do gì cho phép người GV được lơ là trách nhiệm của mình. Thêm vào đó, sau mỗi học kỳ, nhà trường đều tổ chức lấy ý kiến thăm dò của chính HS về chương trình giảng dạy mà các em đã được học trong thời gian vừa qua. Kết quả thăm dò này sẽ là một căn cứ để tổ chuyên môn xem xét, điều chỉnh lại chương trình giảng dạy của từng GV cho phù hợp, hoặc chỉ bổ sung, cập nhật thêm những điểm mới...
Theo ông Nguyễn Đậu Trương, nhờ phương pháp này, hiệu quả GD của Trường Trung học DTNT Nghệ An không những được nâng lên rõ rệt mà “dạy thật - học thật” còn trở thành một nề nếp ở ngôi trường này.
![]() |
Một giờ học tại Trường THDTNT Nghệ An |
*Đòi hỏi tâm huyết của GV
Tuy dạy học sát đối tượng đem lại hiệu quả rất to lớn nhưng thực hiện nó lại không hề dễ dàng, nhất là khi nó đòi hỏi người GV phải mất công, mất sức nhiều hơn. Ông Nguyễn Đậu Trương cho biết, HS của Trường Trung học DTNT Nghệ An đến từ 10 dân tộc khác nhau trên khắp địa bàn tỉnh nên trình độ nhận thức, hoàn cảnh... của các em cũng không giống nhau. Không ít em khi mới vào trường có trình độ thấp, hệ thống kiến thức thiếu hụt nhiều. Vì thế, đối với những HS lớp 10, ban giám hiệu nhà trường nêu rõ quan điểm: Phải bằng mọi cách lấp đầy những chỗ hổng kiến thức cho các em. Để hiện thực hoá điều này, trước hết phải tiến hành phân loại HS, xếp theo từng nhóm: nhóm kiến thức tương đối hoàn chỉnh, nhóm hổng nhiều, nhóm hổng ít... Tiếp đó, các GV của trường tự nguyện dạy thêm giờ, có khi sáng dạy chương trình mới, còn buổi chiều phải bổ sung kiến thức còn thiếu hụt của HS. Kết thúc một học kỳ, nhà trường lấy kết quả thi cuối kỳ để đánh giá hiệu quả GD và phân loại HS một lần nữa. Sự phân loại này không cố định trong suốt quá trình học tập của các em tại trường bởi hiệu quả GD ở mỗi HS là không giống nhau, tuỳ thuộc vào năng lực tiếp thu, nhận thức, ý thức học tập... của các em.
Bên cạnh đó, muốn việc dạy học sát đối tượng đi vào thực chất, cần phải đặt hiệu quả GD lên hàng đầu. Do vậy, các GV của trường không nề hà chuyện dạy thêm giờ, bỏ công nhiều hơn. Thậm chí, nếu HS chưa hiểu bài, GV sẵn sàng dạy 1 tiết thành 2 – 3 tiết. Nhưng không vì thế mà người GV được phép bỏ quên đối tượng HS khá giỏi, những em đã nắm chắc kiến thức và sẵn sàng đón nhận những kiến thức cao hơn, nên với những đối tượng này vẫn cần bồi dưỡng những kiến thức nâng cao, chứ không thể bắt các em học cùng tiến độ với những HS có mức học trung bình, kém.
Chính nhờ cách sắp xếp, tổ chức lớp học hợp lý, áp dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt... mà hiệu quả GD của Trường Trung học DTNT Nghệ An luôn được đánh giá cao. Phong trào “Hai không” có thể làm cho hiệu quả GD, hay tỉ lệ tốt nghiệp ở một số trường đi xuống, nhưng điều này đã không diễn ra với ngôi trường này. Liên tiếp 3 năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của trường luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, 99,5% HS của trường vượt “vũ môn” thành công. Tỉ lệ HS thi đỗ ĐH hàng năm luôn đạt 80 – 85%...
Thầy hiệu trưởng xúc động kể cho chúng tôi nghe về HS dân tộc Mông Xồng Bá Dìa - niềm tự hào của Trường THDTNT Nghệ An, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009, em đã đạt điểm tối đa – 30 điểm cho 3 môn – khi thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng sau đó em lại quyết định theo học ĐH Y với mong muốn trở thành một bác sĩ giỏi, bởi hơn ai hết, em thấu hiểu sự khốn khổ của bà con dân tộc thiểu số khi bị bệnh mà không có bác sĩ giỏi để chữa trị, trong khi con đường về thành phố chữa bệnh lại quá gập ghềnh, tốn kém. Điều đặc biệt là Xồng Bá Dìa khi mới vào trường cũng nằm trong số những HS bị hổng nhiều kiến thức, thậm chí tiếng Kinh còn chưa sõi. Nhưng qua 3 năm, nhờ sự tận tâm của đội ngũ thầy cô giáo ở trường, nhờ được thụ hưởng phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả, được học tập, sinh hoạt trong một môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, an toàn (an toàn về văn hoá, an ninh, vệ sinh thực phẩm, các tệ nạn xã hội), em đã thực sự “lột xác”. Câu chuyện của Xồng Bá Dìa chính là bằng chứng rõ nét nhất thể hiện hiệu quả của một phương pháp vì người học, một hướng đi đúng trong GD.
Chu Minh Trường