Dạy học ở A Riêu

GD&TĐ - Điểm trường thôn A Riêu - Trường PTDT bán trú tiểu học Tr’hy (xã Tr’hy, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm heo hút, tách biệt giữa núi rừng. 

Dạy học ở A Riêu

Với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, nhiều thế hệ giáo viên đã không ngại khó, ngại khổ vượt núi băng rừng “gieo chữ” cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có thực sự đến đây, chúng tôi mới thấu hiểu được những nỗi vất vả, sự hy sinh của những người giáo viên cắm bản. Với họ, nhiệm vụ hằng ngày không chỉ đơn thuần là dạy học, mà còn là những tuyên truyền viên vận động con em tới lớp.

Nỗi niềm trường tạm, lớp ghép

Đón chúng tôi bằng cơn mưa rừng xối xả, thôn A Riêu hiện ra với những ngôi nhà sàn nằm thưa thớt sau làn mưa trắng. Cuộc hành trình gần 1 ngày đường vượt hơn 200 km từ thành phố Đà Nẵng đã đưa tôi đến với những lớp học xa xôi nhất ở huyện biên giới Tây Giang. Điểm trường A Riêu thuộc Trường PTDT bán trú tiểu học Tr’hy (xã Tr’hy, huyện Tây Giang) chỉ có lớp ghép 1, 2 và lớp trẻ mầm non 5 tuổi. Cả 2 lớp học đều được cô giáo A Lăng Thị Lai đảm nhận.

Lớp học đơn sơ nằm cheo leo trên đỉnh núi. Thấy người lạ, những đứa trẻ Cơ Tu mắt cứ tròn xoe nhìn. Cô giáo A Lăng Thị Lai – giáo viên Trường PTDT bán trú tiểu học Tr’hy - bày tỏ: “Ở đây, cuộc sống của bà con khó khăn lắm! Cái ăn còn chưa đủ no nhưng được cái học sinh chăm chỉ đến lớp, thế là anh em giáo viên vui lắm rồi”.

Thầy Trần Trực – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Tr’hy - cho biết, cách đây khoảng 10 năm, việc đến trường của trẻ em bản A Riêu vẫn còn là niềm mơ ước. Ở đây, số lượng trẻ em quá ít, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn nên chưa thể mở lớp. Ngày mở điểm trường, bà con dân làng mừng vui như hội. Một căn nhà tranh tre, nứa lá dựng ngay sát làng, từ công sức chung tay xây dựng của giáo viên và người dân trong làng.

Ngày đó, điểm trường chỉ là một căn nhà xiêu vẹo, chắn ván và được ngăn ra thành 2 phòng. Một phòng làm lớp học, một phòng làm nơi ở cho giáo viên. Tứ đó đến nay, cứ mỗi năm, thầy, cô giáo thay nhau vượt hơn 10km đường rừng, đèo dốc hiểm trở vào làng dạy chữ cho con em dân bản. Sống giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn nhưng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ của những người giáo viên cắm bản vẫn luôn đong đầy, đằm thắm. Người giáo viên luôn coi làng bản là quê hương thứ hai của mình, còn người dân, làng bản luôn quý mến, xem thầy cô như người thân ruột thịt.

Bởi vậy mà trong ký ức của ông A Lưng - Trưởng thôn A Riêu vẫn còn nhớ như in từng khuôn mặt, từng dáng người giáo viên đã gắn bó với bản.

Ông A Lưng cười hiền nói: Từ ngày có điểm trường A Riêu đã có nhiều thầy cô giáo miền xuôi vào làng cắm bản dạy học. Tiếp bước thầy Hà là cô Ánh, cô Quyên, thầy Blieng Thành, cô Nhún, cô Hía… và nay là cô Lai. Thầy cô nào cũng rất mực yêu thương con em dân bản. Nhờ có các thầy cô giáo mà con em trong làng được biết mặt con chữ, được ra xã, xuống huyện học hành.

“Thôn A Riêu có trên 30 hộ dân. Phần lớn bà con đều thuộc diện hộ nghèo. Thấy cuộc sống của học trò vất vả khó khăn nên thầy cô dưới xuôi lên thường mang theo cho các cháu vài bộ quần áo cũ, sách vở hay chia sẽ với các cháu và bà con dân bản từng lon gạo, gói mì tôm. Bà con dân bản mang ơn thầy cô giáo nhiều lắm!” - Trưởng thôn A Lưng nói.

Đằm thắm nghĩa tình thầy trò

Vào A Riêu dạy học, mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh nhưng tất cả đều hết lòng dạy chữ cho con em vùng cao. Có gần 7 năm gắn bó với mảnh đất biên giới này, cô Lai tâm sự: Điều quan trọng là phải mang hết cái tâm, cái đức của mình đem truyền đạt cho học trò. Xem các cháu như con em của mình vậy. Ngoài ra, còn sống và gần gũi với dân, với học sinh để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con, chia sẻ khó khăn, gian khổ với họ. Như thế, đồng bào mới tin thầy giáo, mới cho con đi học.

Còn thầy Trần Văn Tiến (quê xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) chia sẻ: Để dạy chữ cho học trò tốt hơn, người giáo viên phải có ý thức học, nói tiếng địa phương. Muốn các em đến lớp, giáo viên phải đến gõ cửa từng nhà dân, rà từng đối tượng học sinh để vận động con em đến lớp đầy đủ. Ban đầu, nhiều học sinh có vẻ ái ngại nên chúng tôi càng gần gũi, càng yêu thương hơn, thậm chí là phải mua bánh kẹo làm quà động viên các em đến lớp. Kiên trì vận động, dần dần, học trò nghe lời, quý thầy giáo rồi tự nguyện đến lớp.

Em Zơ Râm Bang – học sinh lớp 9 Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, huyện Tây Giang) - vui mừng nói: “Nhờ các thầy cô vượt rừng núi vào làng dạy học mà giờ đây em được tiếp tục đi học. Cháu và các em rất thích đến lớp! Vì ở trường, các thầy cô giáo hết mực yêu thương, chăm sóc, lại dạy cho chúng cháu biết chữ nữa. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành giáo viên như các thầy, các cô”.

Nghị lực vượt khó, lòng ham học của những đứa trẻ Cơ Tu trở thành động lực, niềm vui cho người giáo viên nơi đây. Bởi vậy, dạy học trong hoàn cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt nhưng thầy cô giáo nào cũng gắn bó với học sinh, các thầy, các cô luôn tâm niệm xem các em như con, cháu của mình.

Nhìn các em thiếu thốn, thiệt thòi so với các trẻ em cùng lứa, nhiều thầy cô đã rớt nước mắt, trăn trở muốn làm một chút gì đó cho các em. Cứ đến những ngày lễ, ngày tết, các thầy giáo, cô giáo lại tổ chức liên hoan cho các em vui chơi. Ai cũng dành dụm, góp tiền mua bánh kẹo để tặng cho các em. Lửa trại đốt lên giữa khuôn viên trường, mấy chục em học sinh cùng cầm tay nhau nhảy múa, ca hát như muốn xua đi cái hoang vu, lạnh giá vùng cao heo hút.

Đưa ánh mắt xa xăm nhìn dưới làn mưa chiều, giọng thầy Trần Trực buồn buồn: “Trời đã chuyển mùa, khí hậu bắt đầu lạnh, nhưng nhiều em đi học vẫn không có áo ấm, ngồi học co ro vì lạnh. Có em cả tuần đi học chỉ có một bộ đồ duy nhất. Thương lắm!”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.