(GD&TĐ) - Dân tộc ta từ lâu vốn có truyền thống tốt đẹp: Tôn sư trọng đạo. Người thầy được đặc biệt kính trọng của làng xã, có việc gì, mọi người đều đến hỏi thầy. Ngược lại, người thầy luôn rèn mình để xứng đáng với niềm tin yêu đó. Công lao của các nhà giáo tuy không được khắc vào bảng vàng bia đá, song nó đã in sâu vào tâm trí mỗi người dân. Không chỉ ngoài xã hội mà chính từ trong gia đình, các thế hệ con cháu cứ tiếp nối truyền thống dạy học của cha ông …
Xứ Nghệ - mảnh đất nghèo khó, cuộc sống gian nan... không những làm cho người Nghệ nhụt chí, mà ngược lại, chính điều đó đã biến thành động lực thôi thúc người Nghệ vươn lên, theo đuổi nghiệp học hành. Học để làm quan không nhiều, mà chủ yếu học để mưu sinh, học để dạy học - làm ông đồ.
Cứ như thế, sự say sưa, miệt mài học hành đã hun đúc nên truyền thống hiếu học và học giỏi của mảnh đất xứ Nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) được mệnh danh là "Làng học Quỳnh Đôi". Bởi việc học ở đây đã trở thành “nghề” truyền thống nổi tiếng với nhiều người học giỏi, đậu cao; có gia đình liên tiếp nhiều đời nắm trong tay học vị tiến sĩ, cử nhân; có nhiều gia đình đã liên tiếp nhiều thế hệ tiếp nối nhau làm nghề dạy học như một lẽ tự nhiên.
Đại gia đình cụ Văn Đức Bích là một điển hình minh chứng cho điều đó. Cụ sinh năm 1900, nổi tiếng là người thông tuệ, dạy tiểu học từ năm 1921 tại các trường Pháp-Việt ở Nghệ An và Thanh Hoá. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cụ tham gia công tác giáo dục trong xã, trong huyện. Cụ từng là giáo viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Đôi, Trường Tiểu học Quỳnh Yên. Cụ vừa dạy học, vừa tham gia kháng chiến, nhận thêm các nhiệm vụ: Uỷ viên Ban Chấp hành Việt Minh xã, Chủ tịch Hội Văn hoá cứu quốc xã, Thư ký Công đoàn Giáo dục huyện.
Tấm gương một đời tận tâm với nghề của cụ được bao lớp học trò noi theo, được con cháu trong gia đình trân trọng cùng tiếp bước. Cụ có 6 người con (2 trai, 4 gái) thì 1 trai, 3 gái, cộng thêm 1 dâu, 2 rể làm nghề dạy học. Đặc biệt, trong hai người con trai thì người anh theo nghề giáo là PGS, TS Văn Như Cương - người được cả nước biết đến với hình ảnh một nhà giáo mẫu mực, trung thực, dễ gần nhưng ngay thẳng.
Kế tục nghiệp ông cha đã lựa chọn không chỉ có Thạc sĩ Văn Thuỳ Dương (con ông Văn Như Cương) dấn thân vào môi trường giáo dục mà đại gia đình cụ Văn Đức Bích còn có 7 cháu nội, ngoại khác làm nghề giáo, trong đó có 5 cháu dạy phổ thông, 2 cháu là phó giáo sư, tiến sĩ hiện là giảng viên của các trường đại học ở thủ đô Hà Nội, thủ đô Pari (Pháp).
Gia đình thầy Văn Như Cương là một trong nhiều gia đình có truyền thống theo nghề dạy học ở xứ Nghệ |
Không được kế tục nghề giáo từ cha nhưng cuộc đời và sự nghiệp trồng người của thầy giáo Phan Đức Thành đã in dấu trong nhiều thế hệ học trò, là tấm gương sáng cho chính con cháu noi theo. Thầy Phan Đức Thành sinh năm 1938 tại xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên. Tốt nghiệp cấp 3, thầy theo học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với kết quả học tập loại ưu, thầy được điều về dạy học và đã suốt đời cống hiến tại Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Trong thời gian này, thầy từng giữ trọng trách Hiệu trưởng nhà trường liên tục 2 nhiệm kỳ (1989 đến 1997). Song kỷ niệm học trò luôn nhớ về thầy hơn cả là những năm tháng thầy trực tiếp đứng lớp. Thầy luôn quan tâm đến từng sinh viên, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều sinh viên biết ơn thầy vì thầy đã truyền niềm đam mê toán học và sự kiên trì, không chịu đầu hàng trước những bài toán hóc búa, những khó khăn trong cuộc sống. Với bất kỳ bài toán phức tạp nào, qua cách truyền thụ của thầy, sinh viên đều cảm thấy thật dễ dàng và đơn giản, bởi thầy luôn biết khơi gợi sự sáng tạo của chính họ.
Thầy Phan Đức Thành chia sẻ: Nghề giáo là nghề cao quý, luôn giữ cho mình phẩm chất đạo đức trong sáng; không ngừng tìm tòi, học tập, truyền thụ những kiến thức mới cho học sinh. Trong bất cứ xã hội nào, nghề giáo cũng luôn được tôn trọng vì đã đào tạo nên những thế hệ có đủ đức, tài để đóng góp cho xã hội, đó cũng chính là sự đóng góp âm thầm của người thầy. Và, vì lẽ đó, thầy luôn mong muốn các con nối nghiệp của mình. Không phụ sự kỳ vọng của thầy, 6 người con đẻ, con dâu, con rể của thầy hiện đang công tác tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh với trình độ thật đáng nể: 3 phó giáo sư, 5 tiến sĩ. Thế hệ thứ 3 của thầy là các cháu cũng đang hoàn thiện chương trình học ở nước ngoài để theo nghiệp của bố mẹ, của người ông đáng kính.
Trên mảnh đất xứ Nghệ còn có nhiều, rất nhiều gia đình có truyền thống nhiều đời kế tục nhau làm nghề dạy học. Gia đình cố thầy giáo Phạm Sĩ Phác, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Hưng có tới 06 đời đi dạy học. Cố, ông và bố của thầy dạy chữ Hán ở Nghệ An và Hà Đông. Thầy sinh năm 1908, đi dạy từ năm 1931 và đã mất năm 1991.
Các con của thầy, một người là giáo viên tiểu học, một người là giáo viên trung học phổ thông và sau đó được điều về công tác ở cơ quan quản lý giáo dục của tỉnh. Thầy còn có 03 rể, 01 dâu, 10 cháu nội ngoại và 02 chắt ngoại cũng theo thầy làm nghề giáo. Thầy Ngô Đình Tuấn, nguyên là chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Diễn Châu có 02 con trai, 04 dâu rể và 10 cháu nội ngoại theo ngề dạy học, trong đó 02 người con trai hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Hải và Trường THCS Diễn Trường (huyện Diễn Châu).
Cố thầy giáo Ngô Sĩ Phước, nguyên giáo viên Trường THCS Diễn Hạnh (huyện Diễn Châu) có 04 con trai, 01 con dâu và 11 cháu nội ngoại hiện đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo; trong đó 03 con trai đang đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của ba trường phổ thông.
Không thể nào kể hết số gia đình ở xứ Nghệ có 03 đời trở lên nối tiếp nhau làm nghề dạy học, góp sức phụng sự cho sự nghiệp trồng người.
Dẫu ở vùng cao, miền núi khó khăn hay nơi đồng bằng nhiều thuận lợi,… nhưng bằng lòng yêu nghề, tận tụy với nghề, không ngại khó khăn, gian khổ, lớp lớp thầy giáo đã đem hết tài năng, tâm huyết của mình truyền thụ kiến kiến thức, bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ học sinh. Nhiều thầy giáo đã giáo dục học sinh bằng chính cuộc đời mình…
Từ bao đời trước đây, đến thế hệ ông cha cho tới thế hệ hôm nay, chúng ta vẫn không bao giờ quên ơn những người thầy. Song, chúng ta cũng không khỏi đau đáu, trăn trở về nghề dạy học, về những gì không phải là truyền thống tôn sư trọng đạo hôm nay. Cuộc sống xã hội có nhiều thay đổi, lắm lúc khiến những người làm nghề giáo không khỏi chạnh lòng trước đời sống thanh bạch của mình.
Có phút xao lòng, nhưng rồi các thầy lại tự tin, lại cùng nhau vững vàng bước tiếp. Ngay nhiều thầy giáo đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” vẫn một lòng tin tưởng: Nhất định truyền thống tôn sư trọng đạo sẽ tiếp tục được vun đắp; nhất định tình trạng học sinh khá giỏi lánh xa nghề giáo sẽ dần dần được khắc phục; một khi các em định hướng tốt hơn, hiểu sâu sắc hơn về nghề giáo, các em sẽ sẵn sàng cống hiến cho nghề giáo – nghề xây dựng và phát triển sự nghiệp trồng người.
Đức Lương