Ca dao xưa có câu:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy,
Và tục ngữ cũng đã dạy: Không thầy đố mày làm nên… đủ thấy được lòng trân trọng, kính yêu của nhân dân ta dành cho nhà giáo- những kỹ sư tâm hồn của mọi thời đại như thế nào. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng từ xưa đến nay vẫn ghi sâu vào tâm trí mỗi người, tuy họ chẳng được khắc bảng vàng bia đá. Nhà giáo nữ đầu tiên ở nước ta vào thế kỷ XV là bà Ngô Chi Lan, quê ở Phù Lỗ, Kim Hoá, Sóc Sơn đã được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học. Thầy Đỗ Năng Tế dạy học cho hai Bà Trưng. Các thầy Chu Văn An (1293-1370), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1585), Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Nguyễn Thiếp (1723-1804), Lê Đình Diên (1824-1883), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Khuyến (1835-1909) đều là những thầy giáo mẫu mực, tài giỏi. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Aí Quốc) đã từng dạy ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã dạy học ở một số trường… Tên tuổi nhiều nhà giáo đã được dùng đặt tên cho các trường học, đường phố, công trình, hoặc giải thưởng của các cuộc thi…
Cô và trò (ảnh: Internet) |
Nghề dạy học- nghề cao quý, thiêng liêng, thanh cao đã được thơ ca, nhạc, hoạ tôn vinh. Cảnh thầy đồ dạy học đã đi vào tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng như Thầy đồ Cóc dạy học. Nhiều bài hát hay ngợi ca nghề dạy học như Cô đi nuôi dạy trẻ, Bài ca người giáo viên nhân dân (Hoàng Vân), Bụi phấn (Vũ Hoàng & Lê Văn Lộc), Trường làng tôi (Phạm Trọng Cầu), Tiếng đàn cô giáo Tô Thị Rĩnh, Người Mèo ta có chữ rồi…
Và những vần thơ viết về thầy cô về mái trương, về kỷ niệm tuổi học trò không phải là ít. Có thơ ca ngợi, cảm thông, xẻ chia những vui, buồn, khó khăn gian khổ của các thầy cô ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Nhà thơ Lê Đình Cánh đã cảm thông với nỗi vất vả, cực nhọc của các cô giáo vùng cao:
Em đi “bán chữ” trên rừng
Đã qua mặn ngọt đã từng cay chua.
Đất nghèo, chữ ít người mua
Ế “hàng” không nỡ phân bua nửa lời
(Em đi)
Có thơ khắc ghi công ơn, kỷ niệm của tình thầy trò ở nhiều thế hệ. Nhà thơ Lê Văn Lộc đã có bài Bụi phấn được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc: Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào vương trên bục giảng/ Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy/ Em yêu phút giây này/ Thầy em tóc như bạc thêm/ Bạc thêm vì bụi phấn/ Cho em bài học hay/ Mai sau lớn lên người/ Làm sao có thể quên/ Ngày xưa thầy dạy dỗ/ Khi em tuổi còn thơ…
Có bài nói về sự hy sinh của các thầy nơi chiến trường, hoặc những thầy đi bộ đội sau chiến tranh là một thương binh, vẫn trở về với bảng đen phấn trắng:
Tôi nhìn tay thầy viết
Một bàn tay trái thôi
Tôi nhìn miệng thầy cười
Một nét cười tươi lạ
… Giọng nói trầm bình thản
Đưa tôi về xa xăm
(Thầy giáo thương binh- Chu Huy).
Có những vần thơ ngậm ngùi, nuối tiếc của trò đối với sự ra đi của thầy. Nhà thơ Ngọc Bái một lần về thăm thầy giáo cũ thì thầy đã nằm lại chiến trường. Anh chỉ còn biết ngậm ngùi lặng đi trước di ảnh thầy và chia buồn cùng cô giáo-thiếu phụ:
Tiếp đón tôi là một người thiếu phụ
Không còn khăn tang nhưng tóc trắng nửa mái đầu.
Tôi nhìn lên tấm ảnh bạc màu
Thầy giáo tôi không hề đổi khác
…Nín lặng trong tôi những lời an ủi
Tự dưng tôi buột miệng: Thầy ơi!
(Về một người thầy)
Và cũng có những bài thơ nói về nỗi đau nhân tình thế thái của chính các thầy viết ra trước sự xuống cấp về đạo đức ở một bộ phận học sinh, tiêu biểu như bài Xa lạ của nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển, đã nêu hiện tượng một học sinh khi công thành danh toại, tình cờ gặp lại thầy giáo cũ, đã lờ đi không chào, cứ như người ở Hoả tinh rớt xuống:
Vì sao ánh mắt em nhìn
Như người xa lạ gặp trên xe tàu?
… Hay là em mãi bước lên
Trường xưa lớp cũ lỡ quên nhớ về?
(Xa lạ)
Trong khi đó lại có những học trò khi đã làm nên ông nên bà, có chức trọng quyền cao, có xe du lịch đời mới, vẫn thường xuyên tới thăm thầy giáo cũ. Và khi đã nghỉ hưu rồi vẫn đạp xe cọc cạch tới thăm thầy:
Năm nay em nghỉ hưu rồi
Đạp xe một quãng đường chơi thăm thầy.
… Ghế sang ngồi chỉ một thời
Tránh sao xanh cỏ về nơi vĩnh hằng.
(Với thầy giáo cũ - Phạm Đình Ân)
Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Bùi Vợi trong bài giới thiệu tập tuyển thơ Thầy giáo và nhà trường đã viết: Đạo đức và tình nghĩa, chỉ mấy chữ tưởng chừng khô khan ấy mà thế hệ này đến thế hệ khác thay nhau giữ gìn như giữ vàng mười của phẩm giá, của lối sống, của đạo lý dân tộc. Không còn đạo đức, không còn tình nghĩa, thì dù có sống với nền văn minh vật chất nào, con người cũng chỉ là bầy-thú-giàu-sang mà thôi. Nhiều thầy cô có người đã trở về với cát bụi, có người đã về hưu, có người còn đang trên bục giảng… tất cả đều sống mãi trong tâm tưởng nhiều thế hệ học trò. Cô giáo Thái Dương Liễu ở Nghệ An đã thay mặt chúng ta thắp nén nhang tưởng niệm các thầy cô đã khuất trong ngày vui hôm nay:
Run run em đặt vòng hoa
Khóc thầy cho cả người xa chưa về.
(Thầy)
Bác Hồ – người thầy vĩ đại của dân tộc- đã dạy: Vì hạnh phúc mười năm phải trồng cây. Vì hạnh phúc trăm năm phải trồng người, và cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu. Tôi xin trích mấy vần thơ trong bài Trồng cây xanh của Định Hải, nhà thơ có nhiều tác phẩm thành công viết cho lứa tuổi học trò để khép lại bài viết nhỏ này:
Những hàng cây xanh tôi trồng, tôi tưới
Đang bắt rễ vào lòng đất phì nhiêu
Đang cuốn nhựa xanh lên cành lá mới
Những học trò tôi đó rất thương yêu
Lê Xuân