Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy - học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn học Lịch sử là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục cấp THPT; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.
Nghị quyết cũng nêu: Bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá; trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu phản ánh: giá sách giáo khoa là do Bộ Tài chính chứ không phải từ Bộ GD&ĐT quy định, nhưng thời gian qua, Bộ GD&ĐT phải hứng chịu nhiều than phiền. Do đó xảy ra thực tế là: Bộ này chịu trách nhiệm chất lượng sách giáo khoa, Bộ kia thẩm định giá, gây ra những vấn đề liên quan đến quản lý và trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: Sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là các nhà xuất bản. Tinh thần là minh bạch, công khai; phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua. Nhà nước chỉ có thẩm định giá với sách giáo khoa hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách Nhà nước.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu với Chính phủ. Chính phủ sẽ tham mưu với Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa vào Luật Giá hay không.
Gửi lời cảm ơn đến Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, vấn đề này đã được Bộ trao đổi tại phiên giải trình của Quốc hội về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng thông tin, thời gian tới - nhanh nhất và gần nhất có thể, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết trình Chính phủ, Quốc hội để có được giải pháp ổn định, lâu dài về giá sách giáo khoa.
Về trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT đang tích cực biên soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn sách giáo khoa cho phù hợp hơn. Điều này sẽ góp phần tác động đến giá sách. Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí, các khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng quy định, ký duyệt rõ ràng. Đề nghị các địa phương kiểm soát việc này trong các trường học trên địa bàn của mình để tránh gây bức xúc dư luận.
Về việc dạy – học môn Lịch sử, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn (ngày 9/6), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó quy định bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông, nền tảng đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, THPT tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng.
Tiếp đó, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định, giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản gồm: cấp Tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cấp THPT 3 năm.
Trong đó, giáo dục cơ bản đảm bảo cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, tại giai đoạn này, Lịch sử là môn bắt buộc. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng, ở giai đoạn này, Lịch sử được bố trí là bộ môn học trong tổ hợp Khoa học xã hội.
Như vậy, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện có. Một số ý kiến của cử tri cho rằng, môn Lịch sử là môn lựa chọn, dẫn đến việc “khai tử” môn Lịch sử, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh điều đó không đúng.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, môn lịch sử được phân theo hai giai đoạn như vậy vẫn đảm bảo được chất lượng giáo dục. Trước các ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp THPT; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn Lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng.