(GD&TĐ) - Theo ông Lê Văn Tính, Phòng giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Quảng Trị), việc dạy học lịch sử địa phương trên địa bàn còn gặp một số khó khăn.
Cụ thể, nội dung kiến thức lịch sử địa phương Quảng Trị kéo dài từ cội nguồn cho đến nay (2005), trong khi đó chương trình học lịch sử địa phương từ lớp 6 đến lớp 9 chỉ có 7 tiết. Từ đó dẫn đến tình trạng kiến thức còn nặng và sự lệch nhau giữa nội dung lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương.
Bên cạnh đó, do điều kiện nên việc tổ chức các hình thức dạy học chưa phong phú. Việc dạy học lịch sử địa phương tại thực địa hoặc tổ chức ngoại khóa lịch sử địa phương tại thực địa hay các di tích lịch sử; ứng dụng công nghệ thông tin được ít các trường tổ chức thực hiện. Việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở các di tích lịch sử chỉ diễn ra đối với các trường nằm ở trung tâm hoặc là gần các di tích…
Các loại tài liệu như sử liệu thành văn, sử liệu vật chất hay hiện vật hoặc các nguồn sử liệu truyền miệng, dân gian chưa được giáo viên sử dụng nhiều trong dạy học.
Thực trạng học sinh không ham thích học LSĐP đang còn diễn ra ở một số trường học, nên dẫn đến tình trạng một số tiết học chưa đảm bảo được nội dung và yêu cầu của chương trình.
Lịch sử địa phương được Sở GD&ĐT Quảng Trị tiến hành dạy thí điểm ở 5 trường THCS ở 5 địa bàn khác nhau từ năm học 2003 - 2004. Hai tập tài liệu được sử dụng giảng dạy là Tài liệu Lịch sử Quảng Trị (dùng cho học sinh) và Tài liệu hướng dẫn giảng dạy Lịch sử Quảng Trị (dùng cho giáo viên).
Hải Bình
TIN LIÊN QUAN |
---|