Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục
Từ năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng xây dựng Tổ Mạng lưới ở cấp THCS, nhằm bổ trợ tốt cho quá trình dạy và học bộ môn. Cách thức hoạt động của Mạng lưới bám sát vào những nội dung về phương pháp giảng dạy đáp ứng cho chương trình sách giáo khoa mới; giúp thay đổi nội lực mỗi cá nhân giáo viên, chủ động hướng đến yếu tố then chốt dạy học theo năng lực người học.
Theo đó, Tổ Mạng lưới là một tổ chức của Phòng GD&ĐT có chức năng tư vấn, tập huấn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và nghiệp vụ thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn. Mạng lưới tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học, biên soạn các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt câu lạc bộ môn học theo các văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục, tổ chức dự giờ, thao giảng cụm tại các trường THCS... kịp thời đề ra giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn ở cấp THCS trên địa bàn.
Tổ đóng vai trò tham gia xây dựng và thẩm định ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra; tham gia soạn và thẩm định đề cương ôn tập, tài liệu ôn tập bồi dưỡng học sinh giỏi… để tìm ra những hướng đi mới phù hợp với tình hình thực tế của học sinh. Theo dõi và báo cáo kịp thời để Phòng GD&ĐT có hướng chỉ đạo đối với việc thực hiện quy định chuyên môn trong dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Quy mô Tổ mạng lưới gồm lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức tốt, trình độ, năng lực điều hành và chuyên môn giỏi; có uy tín với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh, bao gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên. Thành viên Tổ Mạng lưới được phân công phụ trách làm trưởng nhóm từng môn học. Tổ Mạng lưới làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; các thành viên thảo luận, đóng góp ý kiến, Tổ trưởng hoặc Tổ Phó chủ trì kết luận.
Tùy vào cách làm mỗi địa phương mà mỗi đơn vị mạng lưới sẽ linh hoạt sao cho thích hợp. Trao đổi về hướng đi mới này, ông Lý Văn Luận - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết: “Mô hình Tổ mạng lưới giảm áp lực đáng kể cho giáo viên, người thầy có thêm điều kiện trau dồi kinh nghiệm qua các hội thảo, hội giảng. Trang trường học kết nối của Sở GD&ĐT là cầu nối để thành viên trong nhóm thảo luận với nhau khá thuận tiện...”.
Tổ Mạng lưới Phòng GD&ĐT Thị xã Vĩnh Châu tổ chức họp định kỳ toàn thể 2 lần/học kỳ và họp bất thường khi cần thiết theo quyết định của Tổ trưởng. Tổ mạng lưới sẽ chủ động thay đổi số lượng tiết dạy học theo chủ đề từ quy định đến tăng thêm từ 1 - 2 chủ đề/học kì. Như vậy thầy cô giáo sẽ có nhiều buổi dạy thực tế để nhìn nhận và đánh giá vấn đề, rút kinh nghiệm cho việc xây dựng phương pháp dạy đổi mới tích cực hơn.
Tạo động lực để giáo viên phấn đấu
Theo ông Lê Thanh Khởi - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng): “Về phương thức hoạt động, Tổ Mạng lưới ưu tiên sử dụng phương thức thảo luận và trao đổi thông tin, gửi tài liệu qua mạng internet. Các thành viên tham gia thảo luận được tạo thuận lợi tối đa tập trung làm rõ các vấn đề bàn luận, giáo viên không mất thời gian di chuyển để họp nhóm mà vẫn đảm bảo được nội dung cần thiết”.
Tuy nhiên, các thành viên Tổ Mạng lưới phải tham dự đầy đủ các cuộc họp định kỳ và đột xuất; trường hợp không thể tham dự được phải báo cáo và được sự đồng ý của người chủ trì cuộc họp thì mới được vắng. Tổ Mạng lưới có thể mở rộng thành phần tham dự phiên họp nếu thấy cần thiết để hỗ trợ cho công tác chuyên môn của Tổ Mạng lưới.
Khi tổ chức các cuộc họp định kỳ của Tổ Mạng lưới, các thành viên Tổ Mạng lưới được thông báo trước ít nhất là 3 ngày làm việc và được cung cấp các tài liệu có liên quan để nghiên cứu trước. Do đó, thành viên phải sắp xếp được các nội dung trước khi vào họp, nhanh chóng triển khai phần việc của mình dành nhiều thời gian cho vấn đề trọng điểm.
Hoạt động bài bản, có cơ chế rõ ràng, quy định tiêu chuẩn nhất định, thành viên Tổ Mạng lưới Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Tú phải do tập thể Tổ Mạng lưới bầu chọn và phải được thống nhất từ 2/3 số thành viên trong Tổ Mạng lưới trở lên. Thành phần Tổ Mạng lưới có thể thay đổi theo từng năm tùy theo khả năng và trách nhiệm của mỗi thành viên. Bản thân mỗi thành viên luôn luôn chủ động bám sát vào quá trình hoạt động của nhóm bộ môn. Song song đó phải tự chủ được vấn đề chuyên môn trong khi cùng tham gia xây dựng với mọi người.
Bên cạnh đó, thành viên phải tham gia đầy đủ các hoạt động của Tổ Mạng lưới, chấp hành sự phân công của Tổ trưởng Tổ Mạng lưới, Trưởng bộ môn, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, phụ trách, có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị với Tổ Mạng lưới các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định và kiến nghị các vấn đề có liên quan trong lĩnh vực được phân công. Thực hiện các nhiệm vụ khác đột xuất theo phân công của Tổ trưởng Tổ Mạng lưới.
Với cách làm việc theo mạng lưới, giáo viên có động lực thực hiện các giải pháp chuyên môn; xây dựng các chuyên đề dạy học ở các khối lớp mình phụ trách. Trong quá trình hoạt động có những yêu cầu bắt buộc đi vào nề nếp, mỗi cá nhân có cơ hội phát huy được năng lực của mình đồng thời báo cáo những khó khăn để nhóm bộ môn tìm phương hướng hỗ trợ, tháo gỡ, do đó Tổ Mạng lưới sẽ quản lí được chất lượng chuyên môn chặt chẽ hơn, luôn sẵn nội lực áp dụng cho chương trình đổi mới.