Quan điểm, định hướng giáo dục cho hiện tại và tương lai

GD&TĐ - Tại hội thảo “Ươm mầm và tỏa sáng” tổ chức mới đây tại TP HCM, gần 200 đại biểu từ các quốc gia, tổ chức nghiên cứu, làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới giáo dục trên toàn thế giới đã cùng phân tích, làm rõ lời giải đáp cho câu hỏi: Định hướng giáo dục trong tương lai là gì?

Ông Đặng Tư Ân cùng học sinh vùng cao
Ông Đặng Tư Ân cùng học sinh vùng cao

Tham dự hội thảo ý nghĩa này, ông Đặng Tư Ân – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) – chia sẻ những ý kiến hữu ích cho Việt Nam thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà ông ghi nhận được từ hội thảo.

Mỗi đứa trẻ là một thực thể độc đáo và đầy tài năng

Nêu quan điểm tại hội thảo, GS Kalervo - Hiệu trưởng ĐH Turku, Phần Lan – cho rằng: Dạy học hiệu quả là dạy học gây được cảm hứng, hiếu kỳ cho HS. Cần tôn trọng trẻ, mỗi em là sự hứa hẹn tươi sáng cho tương lai. Mỗi đứa trẻ chứa đựng một nền giáo dục tốt nhất. Cần thúc đẩy, phát triển hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu cá nhân từng HS. Trẻ em không phải học theo những chương trình giáo án khuôn mẫu truyền thống. Thế giới đang không ngừng chuyển động, trong lúc còn quá nhiều hệ thống trường công vẫn chưa thoát ra được phương pháp giảng dạy lạc hậu và cũ kỹ.

Cùng quan tâm đến nội dung này, theo TS Stephannie - Chủ tịch Học viện Toán và Khoa học bang Illinoi, Hoa Kỳ - cần nghiên cứu, làm ra một hệ thống giáo dục phát triển, để khơi dậy được sự tử tế và tiềm năng của mỗi trẻ; thắp sáng, nuôi dưỡng tiềm lực, tư duy sáng tạo của con người trên thế giới. Do vậy, chương trình học tập phải tập trung vào từng cá thể trong lớp. “Trong một gia đình, tuy cùng một cha mẹ, nhưng tính cách mỗi người con có khác nhau. Rộng ra trong một lớp học, một trường học cũng đa dạng phong cách, cùng khả năng nhận thức và sự hứng thú mỗi em cũng không giống nhau” - TS Stephannie nói.

Ngay từ bậc tiểu học, cần giáo dục cho học sinh biết khám phá và chấp nhận rủi ro trong học tập
  • Ngay từ bậc tiểu học, cần giáo dục cho học sinh biết khám phá và chấp nhận rủi ro trong học tập

Đặt câu hỏi: Vậy cách tiếp cận như thế nào? TS Stephannie cho rằng, đầu tiên là tạo cảm xúc cho HS. Khi HS có sự chuyển hóa tâm lý, cảm xúc giáo dục, các em sẽ bắt đầu hành động và tiếp tục tư duy sáng tạo. Cần dạy HS cách học và tôn trọng cách học của mỗi em. Trẻ em có nhiệm vụ cao cả là làm thay đổi tương lai. Các em cần được người lớn lắng nghe, tôn trọng; được khuyến khích phát triển mọi khả năng sẵn có bởi mọi đứa trẻ đều có sẵn tiềm năng, kinh nghiệm thiên phú đặc biệt. Không thể bắt trẻ thành những con chim hàng ngày tích hạt là những điểm số. Các em phải là những con sơn ca hót rất hay trong tiếng hát chung của cả đàn hay của cả thế hệ. Đó là thế hệ của những lớp người có đầy đủ sự tử tế và đầy tiềm năng sáng tạo.

  • GS Jaana - ĐH Turku, Phần Lan

“Ở Phần Lan, khi giáo viên tương tác với HS, họ thường cúi thấp cho gần HS hơn, tạo ra sự thân thiện, chú ý lắng nghe và tôn trọng trẻ. Đây cũng là nội dung dạy cho giáo sinh trong các trường sư phạm” - TS Stephannie chia sẻ.

Giáo dục trẻ biết đương đầu với thách thức và năng lực công dân toàn cầu

Vấn đề này được đưa ra bởi TS Veronica - Viện trưởng Dự án, ĐH Harvard, Hoa Kỳ. Bà cho rằng, năng lực toàn cầu là khả năng tự đưa ra và hành động để giải quyết những vấn đề trọng yếu đang xảy ra trên toàn cầu. Những nguyên tắc để giáo dục mỗi người trở thành công dân toàn cầu, bao gồm: Hợp tác thế giới và làm cho chúng ta tốt đẹp; truyền cảm hứng để có thể học hỏi suốt cuộc đời; học tập lấy HS làm trung tâm; sống khỏe để tồn tại và học tập tốt hơn; tạo ra cuộc sống tinh thần lành mạnh; yêu thiên nhiên để biết cách giải quyết những thách thức từ môi trường; hãy làm cho thế giới này bền vững hơn.

TS Veronica nhấn mạnh: Một trong những điều quan trọng mà chúng ta thực sự phải dạy con cái nhiều hơn, đó là học về thế giới xung quanh và suy nghĩ về việc tương lai có thể sẽ rất khác so với nơi mà chúng ta đang sống ngày hôm nay. Chúng ta có thể xây dựng trên nền tảng đó và tiếp tục nhìn ra thế giới; xác định vị trí của mình và mối quan hệ với thế giới. Khi xây dựng được chiến lược dài hạn thì chúng ta có thể xây dựng được tiềm năng chiến lược và phản ứng chiến lược với nhiều thách thức và cơ hội phía trước.

  • Quan điểm, định hướng giáo dục cho hiện tại và tương lai ảnh 3GS Jaana -  ĐH Turku, Phần Lan

Mục tiêu của giáo dục là phát triển HS thành những công dân tốt ngay trong hiện tại, khi đang đi học và không chỉ vì phục vụ cho tương lại. Công dân phải mang tinh thần văn hóa dân tộc đặc sắc của mỗi quốc gia và theo xu hướng tiếp cận toàn cầu.

Dạy HS luôn biết khám phá và chấp nhận rủi ro trong học tập

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tiểu học, GS Kalervo nhận định bậc học này quan trọng hơn cả giáo dục ĐH. Theo GS, giáo dục tiểu học là tạo tiền đề, cơ sở cho HS các bậc học cao hơn. Cái gì đã định hình ở tiểu học sẽ rất khó thay đổi, thậm chí suốt cuộc đời của trẻ. Do đó, ngay từ bậc tiểu học, cần giáo dục cho các em biết khám phá và chấp nhận rủi ro trong học tập.

Nhà trường và xã hội cần giáo dục cho trẻ kỹ năng biết chấp nhận thất bại trong học tập, trong cuộc sống vì đó là kỹ năng không thể thiếu trong xã hội hiện nay. Ngày nay thế giới vừa kết nối, liên kết chặt chẽ nhưng lại vừa lỏng lẻo, dễ tan vỡ. Đặc trưng này cần được dạy cho trẻ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore nói: Cần khuyến khích HS, sinh viên chấp nhận và không sợ thất bại trong suy nghĩ và nghiên cứu khoa học.

  • Ông Trung Lê - Đồng sáng lập Công ty Thiết kế các công trình giáo dục 180 Studio, TP Chicago, Hoa Kỳ

Cho rằng, thay đổi nhận thức là thay đổi hành vi và sẽ thay đổi giáo dục, sau cùng là thay đổi xã hội, theo GS Kalervo, giáo dục cần thay đổi nhiều nhất nhưng bản thân nó lại sợ thay đổi nhất. Đây là nghịch lý đáng tiếc. Bản chất giáo dục có tính bảo thủ, còn giáo viên lại là người có bản chất bảo thủ nhất. Điều đó rất nguy hiểm vì mô hình giáo dục cũ tạo ra cách suy nghĩ cũ, từ đó có cách làm cũ, dẫn đến không tạo ra cái mới, không thay đổi được xã hội.

Rộng mở môi trường lớp

GS Claudia - Chủ tịch của Reggio Children, Ý – nhấn mạnh vai trò quan trọng của môi trường học tập trong việc thúc đẩy niềm yêu thích đối với việc học và nhu cầu học tập của từng trẻ; giúp các em kết nối tốt hơn với các bài học và khám phá được nhiều điều, tạo cảm hứng cho trẻ tiếp tục học hỏi.

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành và Nghiên cứu chương trình K12, ĐH Stanford (Hoa Kỳ) Sam cho rằng, cách ứng dụng các khía cạnh thiết kế vào xây dựng môi trường và phương pháp dạy học, tạo ra trải nghiệm học tập, giúp HS giải phóng tiềm năng sáng tạo và khả năng ứng dụng vào cuộc sống.

Ông Trung Lê - đồng sáng lập Công ty Thiết kế các công trình giáo dục 180 Studio, TP Chicago, Hoa Kỳ - nhận định: Việc thiết kế những không gian lớp học, không gian học tập sẽ giúp tạo nên những ảnh hưởng tích cực trong giáo dục. Tại sao chúng ta chỉ tiến hành giáo dục quẩn quanh trong 4 bức tường lớp học mà không thể là cả thế giới phẳng, rộng lớn, bao la. Hãy “nhúng” HS vào môi trường cuộc sống thiên nhiên phong phú và kỳ diệu, để các em tự do suy nghĩ, tìm cảm hứng để tự do sáng tạo.

  • TS Veronica - Viện trưởng Dự án, ĐH Harvard, Hoa Kỳ

“Từng lớp học riêng biệt, nhưng cả trường sẽ là lớp học mở rộng. Còn cả trường cùng với môi trường ngoài trường lại là lớp học rộng lớn để các em có điều kiện được trải nghiệm và được phát triển một cách sáng tạo. Học ngoài nhà trường với chủ đề tích hợp sẽ cho các em sự liên kết chặt chẽ hơn, giữa các em với nhau và giữa các em với giáo viên, qua đó lưu giữ được lâu và được nhiều sự trải nghiệm cho các em. Cảm xúc được hòa mình vào thiên nhiên là rất quan trọng cho mỗi đứa trẻ” – ông Trung Lê nêu quan điểm.

“Con đường âm nhạc” là phương pháp dạy trẻ biết sáng tạo, cảm xúc

Cả hai GS đến từ ĐH Turku, Phần Lan là GS Paivi và GS Jaana đều nhấn mạnh đến phương pháp dạy học, giáo dục môn nghệ thuật và vai trò quan trọng của môn học trong việc phát triển và áp dụng cho nền giáo dục sáng tạo. Để dạy HS sáng tạo, giáo viên hãy cho HS những vấn đề khó trong “Vùng phát triển gần nhất” theo nguyên lý của Vygotsky.

Hai GS chia sẻ, dạy học, mong muốn và hướng tới mỗi HS phải vừa là một khoa học gia vừa là một nghệ sĩ. Dạy học theo “Con đường âm nhạc” sẽ cho ta thành công kép trên cùng một HS và theo mong muốn đó. Chúng ta bắt đầu dạy từ đâu? Hãy theo thứ tự các bước chỉ dẫn sau:

Một nhóm nhỏ HS, mỗi em có sẵn một nhạc cụ loại phổ thông, giáo viên hướng dẫn các em và lãnh đạo để các em đi đúng mục tiêu bài học. Mỗi em sáng tạo để xác định điểm đầu và điểm cuối con đường âm nhạc; sáng tạo để xác định đường đi của con đường âm nhạc; sáng tạo để xác định các tình huống, ngữ cảnh trên đường đi âm nhạc; sáng tạo để xác định biểu tượng theo trí tưởng tượng của riêng mình theo bước kế trước; sáng tạo để xác định âm điệu của nhạc cụ của mình theo biệu tượng theo bước kế trước.

Cả nhóm cùng hòa đồng bằng nhạc cụ của mình theo con đường âm nhạc do cả nhóm đã hợp tác sáng tạo xây dựng nên và hãy biểu diễn bản nhạc được sáng tác theo “Con đường âm nhạc” trong lớp học và ngoài cộng đồng.

Âm nhạc là một trong những môn học quan trọng mang lại sự phát triển toàn diện cho các em học sinh
Âm nhạc là một trong những môn học quan trọng mang lại sự phát triển toàn diện cho các em học sinh 

Tư duy và học tập bao giờ cũng được bắt đầu từ những cảm xúc

HS sẽ học tập có kết quả khi các em được kích thích sự tò mò và tạo ra cho các em niềm cảm hứng. Chia sẻ điều này, GS Kalervo cho rằng, học tập bao giờ cũng có hai mặt và luôn đan xen nhau, đó là: Học tập là quá trình khám phá, phát hiện và học tập là sự thúc giục của tính ham muốn/thích thú, mà ham muốn chính là một trong những bản năng của con người.

Ông chỉ ra quá trình này như sau: HS có sự ham muốn - Tiến hành hành động khám phá và phát hiện - Học tập đem về kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân - Phát hiện và nhận thấy tiềm năng của mình và tự vui sướng vì điều đó - Qua đó HS bị kích thích và có thêm sự ham muốn mạnh mẽ hơn - Tiến thêm một bước trong học tập.

“Câu chuyện có giá trị nhiều hơn số liệu. Nếu giáo viên biết kể ra, dẫn dắt qua các câu chuyện trong cuộc sống, nhất là khi kể bằng ngôi thứ nhất số ít sẽ gây tác động mạnh tới cảm xúc của HS, tập trung sự hưng phấn rất tốt cho trẻ và dễ vào lòng nhiều đứa trẻ” - GS Kalervo gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ