Dạy học bằng tiếng Anh: Hướng đi phù hợp để hội nhập

GD&TĐ - Trong xu thế hội nhập, ngoại ngữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là chìa khóa để nguồn lực trẻ tham gia hội nhập. Dạy và học các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh là hướng đi phù hợp với xu thế, giúp người học tiếp cận chuẩn đầu ra theo kiểm định quốc tế.

Dạy học bằng tiếng Anh: Hướng đi phù hợp để hội nhập

Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh và GV

Cô Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, Toán và Khoa học là những môn căn bản và gần gũi đối với cuộc sống thực tế. Việc học Toán và các môn Khoa học mang đến cho các em học sinh một số lợi ích như: Học Toán giúp phát triển tư duy, giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách nhanh nhẹn và đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Theo cô Hà, Toán học là môn thể thao dành cho bộ não, trong cuộc sống chúng ta luôn tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe và chúng ta học toán để “tập thể dục” cho bộ não của mình. Nếu học toán giỏi sẽ học các môn khác giỏi đặc biệt là các môn Khoa học.

Môn Khoa học gồm tổ hợp nhiều môn: Sinh học, Vật lý, Hóa học, Địa lý… Trong quá trình học tập nếu học tốt các môn này, chúng ta có thể giải thích được nhiều sự vật hiện tượng trong cuộc sống, và sau khi giải thích được các sự vật hiện tượng rồi sẽ dẫn đến thúc đẩy quá trình học tập rèn luyện tìm tòi khám phá và nghiên cứu sâu hơn.

Việc tiếp cận Toán và Khoa học bằng ngôn ngữ thứ hai giúp các em học sinh phát huy được các kỹ năng giải quyết vấn đề. Theo cô Phạm Thu Hà, các bước giải quyết vấn đề gồm phân tích vấn đề, lựa chọn các hướng giải quyết, lên kế hoạch thực hiện và theo dõi, đo lường kết quả, hiểu đơn giản như mỗi vấn đề là một bài tập toán và việc của bạn là đi tìm lời giải thuyết phục nhất. Ngoài ra còn các kỹ năng quản lý thời gian hợp lý học tập có hiệu quả các môn, và kỹ năng tự nhận thức, tự tư duy các khái niệm về toán học và khoa học từ đó đúc rút được và hiểu rồi khắc sâu hơn về các khái niệm.

Trong thời gian vừa qua, Trường THCS Ngô Sĩ Liên đã thành lập các câu lạc bộ học sinh giỏi môn Toán ở các khối 6, 7, 8, 9, câu lạc bộ các môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Khoa học xã hội: Văn học, Địa lý, Lịch sử. Đồng thời, nhà trường cũng cử các giáo viên trẻ đi học tập, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy các môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, tạo điều kiện cho GV tham gia các lớp tập huấn, tham gia các tiết dạy chuyên đề môn Toán bằng tiếng Anh.

Năm học 2018 – 2019, nhà trường có chương trình đào tạo hệ song bằng, trong đó học sinh lớp 6C1, 6C2 được học các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh, Tin học hoàn toàn bằng tiếng Anh do giáo viên người bản ngữ dạy. Liên kết với một số trường ở nước ngoài và cử học sinh tham gia thi nghiên cứu khoa học và trình bày các sản phẩm học sinh sáng tạo khoa học bằng tiếng Anh.

Phát huy tính tích cực và chủ động của học sinh

Cô Phạm Thu Hà cho biết, để triển khai dạy học Toán bằng tiếng Anh hiệu quả, trước tiên, phải dành thời gian cho học sinh hiểu từ vựng của bài vì đây là rào cản lớn nhất. Sau đó áp dụng các hình thức tổ chức dạy học phát huy tính tích cực và chủ động của từng học sinh: Dạy học theo nhóm, dạy học giải quyết vấn đề, giới thiệu các ứng dụng thực tế của bài học…

Trong dạy học tích cực, học sinh là chủ thể của mọi hoạt động, giáo viên chỉ đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Cuối cùng là khắc sâu kiến thức trọng tâm bài học qua các bài tập hoặc trò chơi giúp học sinh hứng thú hơn.

Với môn Khoa học, GV nhận nhiệm vụ dạy Khoa học bằng tiếng Anh phải tự trau dồi kiến thức tiếng Anh. Đồng thời tự học hỏi cách thức tiếp cận và giải thích kiến thức môn Khoa học theo phong cách của tài liệu nước ngoài (thường không nặng về kiến thức hàn lâm mà đi vào giải thích bản chất). GVthường xuyên sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để kích thích khả năng tư duy của HS. Tổ chức hoạt động nhóm để HS có thể thảo luận, trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

Trong khi dạy học, GV không đưa ra lí thuyết mà cho học sinh trải nghiệm cụ thể. Ví dụ: Khi nói về các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim của người, thầy giáo dạy HS cách đếm nhịp ở các khoảng thời gian nghỉ ngơi, sau khi tập thể dục (nhảy 2 phút, hoặc chạy cầu thang). Lặp đi lặp lại thí nghiệm. Giao giữa các lần tập thể dục và nghỉ ngơi, các con được uống coca (chất kích thích). Kết quả đo được bằng việc vẽ biểu đồ. HS rút ra kết luận từ biểu đồ đó.

Theo cô Hà, những sáng tạo trong giờ giảng đã mang lại những tín hiệu tích cực giúp học sinh thấy Toán học gắn liền với cuộc sống, không chỉ có những công thức khô khan. Học sinh nắm các kiến thức trọng tâm, biết vận dụng để giải quyết các bài toán tương tự, các bài toán thực tế. Trong giờ học, học sinh rất hứng thú trong các hoạt động dạy và học, học sinh đam mê tìm tòi chiếm lĩnh và nhận thức.

“Dạy học song ngữ đặc biệt là dạy học song ngữ môn Toán bằng tiếng Anh là hướng đi đúng đắn trong quá trình hội nhập. Khi học song ngữ, các học sinh có rất nhiều cơ hội đạt được thành công trong tương lai. Lợi ích gần nhất của việc học tốt môn Toán mà các em học sinh thường thấy, đó là giúp vượt qua các kỳ thi và có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.

Thực tế rất nhiều học sinh đã giúp gia đình tiết kiệm cả tỷ đồng nhờ việc giành được những suất học bổng. Sau này đi xin việc các bạn cũng sẽ thấy nhiều doanh nghiệp thi tuyển đầu vào có môn Toán logic. Và tất cả những cuộc thi quan trọng đó sẽ mở ra những cơ hội tuyệt vời cho tương lai của các em học sinh” - cô giáo Phạm Thu Hà chia sẻ.

 Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Trường THCS Ngô Sĩ Liên thường xuyên cử học sinh tham gia các kì thi học sinh giỏi Toán và Khoa học bằng tiếng Anh ở trong nước cũng như các cuộc thi trong khu vực và quốc tế. Những thành tích đạt được có thể kể đến em  Tạ Sơn Bách, học sinh lớp 9A2 khóa 2013 – 2017 đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Vô địch các đội tuyển Toán quốc tế WMTC – 2016 tại Hàn Quốc, đạt điểm tối đa 60/60, trở thành nhà vô địch thế giới lứa tuổi THCS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...