Con trai hay hiếu động
Các bé trai ở mọi lứa tuổi hầu như đều có xu hướng thích khám phá và thường khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi của mình. Xuất phát từ vấn đề cấu tạo về tâm sinh lý của con trai khác biệt với con gái, cho nên cách nuôi dạy của cha mẹ cũng cần thay đổi cho phù hợp.
Khá nhiều bà mẹ tâm sự: Khi con trai bước vào độ tuổi THCS thường có những thay đổi khác biệt. Ngoài việc hiếu động, nghịch ngợm, chúng còn tỏ ra khó bảo, hay cáu gắt và thường tự làm theo ý mình. Một số phụ huynh đã thử giải pháp mạnh nhưng dường như họ đã thất bại.
Một người mẹ có nickname ThuLam trên diễn đàn Làm cha mẹ bày tỏ nỗi băn khoăn: Con trai tôi đang học tốt đột nhiên hơn một năm trở lại đây cháu không tập trung vào việc học nữa, thích làm việc theo ý mình. Vì vậy, gia đình tôi đã quyết định cho cháu học lại một năm lớp 8. Tuy nhiên lên lớp 9 cháu cũng không tiến bộ là mấy. Hiện giờ tôi không biết phải xử trí với con thế nào?
Trẻ ở độ tuổi THCS, đó là độ tuổi nhạy cảm nhất trong cuộc đời của con người. Lứa tuổi này quyết định tới việc hình thành nhân cách, phát triển thể chất, hình thành nhận thức của trẻ. Ở độ tuổi này nếu thường xuyên bị la mắng, trách móc, trẻ sẽ trở nên “lì lợm” và khó bảo hơn. Vì vậy việc cha mẹ gần gũi để hiểu tâm sự của con là hết sức cần thiết. Những việc mà cha mẹ nên làm là hãy động viên con khi con có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Dạy trẻ kiểm soát, tiết chế cảm xúc
Chị Giao Giao phụ trách Diễn đàn “Cùng con trưởng thành” chia sẻ: Vai trò của người mẹ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục con trai của mình. Một cậu bé may mắn có bà mẹ cương quyết, linh hoạt sẽ trưởng thành như một người đàn ông.
Còn nếu bị nuôi dậy bởi một bà mẹ nuông chiều yếu ớt, cậu sẽ mãi là một cậu bé dù to xác. Người mẹ chính là người quan trọng nhất dạy cho con trai ứng xử và phân biệt đúng sai, biết cách quan tâm và biết tôn trọng người khác. Trẻ sẽ biết làm thế nào để kiểm soát cảm giác tiêu cực nóng nảy, làm thế nào để không tổn thương người khác.
“Nuôi dạy một cậu con trai tuổi teen, điều tôi quan tâm nhất không phải cháu học giỏi, thông minh hay không, mà cháu có biết kiểm soát các cảm xúc tiêu cực của mình hay không. Vì vậy ngay từ nhỏ cháu đã được hiểu thế nào là thái độ bất nhã, tôi thường cho cháu biết thế nào là sai, để cháu học được điều đúng”.
Chị Giao Giao cũng cho rằng, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Mỗi đứa trẻ có khí chất khác nhau, như sự hướng ngoại, sự cởi mở, tính chu đáo... Nhưng giáo dục của cha mẹ vẫn là nền tảng quan trọng để con trưởng thành. Nhiều bà mẹ để con hư vì nuông chiều con, vì yêu con sai cách. Yêu con, nghĩa là không chấp nhận con hư. Uốn nắn con, cần rất nhiều năng lượng, tri thức, chứ không chỉ bằng bản năng yêu con của một người mẹ.
Với con trai, thì cách giáo dục của phụ huynh rất cần sự cương quyết. Nhiều gia đình lúc trẻ còn nhỏ không uốn nắn, đến khi những thói quen xấu đã hình thành trong trẻ lại tìm cách đổ lỗi cho các thành viên. Để dạy và định hướng trẻ trong cách hành xử cũng như nề nếp hàng ngày, người lớn cần giải thích một số nguyên tắc đồng thuận trong việc dạy con.