Dạy con sống có trách nhiệm: Chỉ yêu cầu thôi chưa đủ

GD&TĐ - Cha mẹ không thể yêu cầu con trở thành người có trách nhiệm chỉ trong một vài ngày... Để biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình, trẻ cần được trao ý thức tự lập, thay vì nhận gánh vác mọi việc từ cha mẹ.

Biết chịu trách nhiệm cần xuất phát từ hành động thực tế. Ảnh minh họa.
Biết chịu trách nhiệm cần xuất phát từ hành động thực tế. Ảnh minh họa.

Chỉ nói và yêu cầu con có sống trách nhiệm là chưa đủ. Điều quan trọng là tạo mọi điều kiện để con thực hành.

Các tỷ phú “để lại” gì cho con

Các tỷ phú như Warren Buffett, Bill Gates, Yu Pang-Lin đều không để lại tiền thừa kế cho con. Họ cùng có quan điểm rằng, tài sản lớn nhất để lại cho con đó là ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân. Có lẽ, bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể để lại cho con “tài sản” theo cách như vậy.

Nhà văn Hoàng Anh Tú từng chia sẻ, dạy con sống có trách nhiệm không phải dạy ngày một ngày hai, hay 9 điều, 10 ý. Mà là một thái độ sống mà chúng ta cần phải tuân thủ. Như đi học muộn bị phạt thì trách nhiệm của ta là thi hành án phạt. Như có những chuyện bố có thể vì con lên tiếng với trường con nhưng nếu nó thuộc trách nhiệm của con thì bố sẽ yêu cầu con gặp riêng thầy cô trao đổi. Bố không làm thay con điều đó.

“Như chính cuộc đời của con, bố mẹ chỉ là người định hướng, trợ giúp chứ không sống thay con được. Dù có thể, trong đôi lần con vấp ngã, trong trách nhiệm của mình, các con sẽ tự đứng dậy, tự sửa chữa, bố mẹ có thể thắt lòng thương con. Nhưng như bố luôn từng nói: Bố chỉ có cái ôm này dành cho các con. Còn sửa chữa chúng thế nào là trách nhiệm của các con vậy”, “anh Chánh Văn” nhắn nhủ.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều phụ huynh không quan tâm đến việc bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho con. Thậm chí, khi trẻ gặp phải chuyện gì đó, cha mẹ sẵn sàng đứng ra gánh vác trách nhiệm thay cho con.

Song, nhiều ông bố, bà mẹ không nghĩ rằng, việc dạy con về trách nhiệm cũng là dạy trẻ làm người. Trẻ sẽ ỷ lại rằng, luôn có cha mẹ bao bọc, che chở. Khi đó, con không rút ra được bài học kinh nghiệm, cũng không xây dựng tinh thần tự chịu trách nhiệm về hành vi hay lời nói của mình. Cha mẹ sẽ giúp đỡ, nhưng không thể làm thay con. Bởi, “trao cho trẻ ý thức tự lập” mới là món quà đẹp và có ý nghĩa nhất. Với tinh thần trách nhiệm đó, trẻ sẽ trưởng thành và sẵn sàng bước vào đường đời.

Trẻ nhỏ thường cho rằng, mình là trung tâm của vũ trụ. Với suy nghĩ đó, trẻ thường mong người lớn phải có trách nhiệm làm mọi thứ cho trẻ. Nếu tiếp tục lớn lên cùng những suy nghĩ này, chắc chắn, trẻ sẽ trở thành người vô trách nhiệm trong tương lai. Do đó, theo các chuyên gia, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần dạy cho trẻ hiểu được giá trị của việc sống có trách nhiệm với hành động của mình, thông qua những biện pháp giáo dục tích cực.

Nhiều cha mẹ sẵn sàng gánh vác mọi việc cho con. Ảnh minh họa.

Nhiều cha mẹ sẵn sàng gánh vác mọi việc cho con. Ảnh minh họa.

Học trách nhiệm từ sai lầm

Theo chị Trần Ánh - giáo viên bộ môn Fastrackids STEM tại Hệ thống Giáo dục Kỹ năng sống Cara, sau khi phát hiện con mắc lỗi, cha mẹ cần bình tĩnh. Đặc biệt, không trực tiếp chỉ ra lỗi của con trước mặt người khác. Đồng thời, không vội vàng dạy bảo con. Thay vào đó, phụ huynh nên lựa chọn phương pháp xử lý “tĩnh”, im lặng quan sát.

Khi đối diện với con, cha mẹ cũng nên biểu hiện thái độ mềm mỏng. Điều quan trọng là chờ trẻ nhận thức được hành vi sai trái của bản thân. Sau đó, hãy nhân thời cơ thích hợp này và giáo dục, cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ.

Để từng bước giúp con trở thành người có trách nhiệm với hành vi của mình, các phụ huynh cần lưu ý, không trực tiếp chỉ ra sai lầm của con.

“Khi trẻ làm sai việc gì, cha mẹ không nên chỉ trích và đánh mắng quá đà. Như vậy dễ gây nên ác cảm ở trẻ. Từ đó, làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như bi quan, chán nản, ngại tiếp xúc… khiến thế giới nội tâm của trẻ bị ức chế. Cha mẹ nên nhẹ nhàng, gián tiếp tác động đưa trẻ đến tình huống tự giác kiểm điểm bản thân, nhận biết được phải trái, đúng sai”, nữ giáo viên gợi ý.

Ngoài ra, yếu tố không thể thiếu là để trẻ tự giải quyết hậu quả do mình gây ra. Theo chị Trần Ánh, khi trẻ em phạm lỗi, phần lớn các cha mẹ thường quá thương con. Bởi vậy, phụ huynh sẵn sàng bỏ qua hoặc gánh hết trách nhiệm thay con mình. Tuy nhiên, cách làm đó khiến trẻ nghĩ rằng: “Nếu mình có làm sai thì cũng không sao, thế nào cũng có cha mẹ thay mình chịu trách nhiệm rồi”.

“Cha mẹ hãy nên để trẻ gánh lấy hậu quả do mình đã làm. Nhờ đó, để trẻ trải nghiệm sâu sắc rằng, hành vi sai trái của bản thân đã tạo ra những tổn thất không thể tránh khỏi. Đó cũng chính là cách rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ hiệu quả nhất”, chị Trần Ánh cho biết.

Nữ giáo viên lấy ví dụ về trường hợp con gây gổ với những đứa trẻ hàng xóm, bị tẩy chay. Khi đó, cha mẹ phải để trẻ có thời gian suy ngẫm hậu quả của những hành vi mình gây ra. Trẻ sẽ buồn phiền, ân hận, day dứt và tìm cách để khắc phục. Nếu nhận thấy trẻ cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ, phụ huynh có thể dẫn dắt con những phương pháp để làm hòa với các bạn.

Có lẽ, một trong những cách giúp trẻ biết chịu trách nhiệm hơn là cho con trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực. Chị Trần Ánh cho rằng, hằng ngày, cha mẹ thường chú ý đến việc giáo dục những biểu hiện cảm xúc tích cực ở con. Những cảm xúc đó có thể là vui vẻ, lương thiện, yêu đời, tự trọng, khiêm tốn, chăm chỉ, hay cần cù, luôn quan tâm đến người khác… Nhờ đó, phụ huynh mong muốn sẽ bồi dưỡng cho trẻ một tâm hồn đẹp.

Tuy nhiên, thực tế, nếu giúp trẻ có được những trải nghiệm sâu sắc về cảm xúc tiêu cực, con sẽ thấy được ý nghĩa đích thực khi có đời sống tình cảm tích cực. Vì vậy, phụ huynh cần để con hiểu những cảm giác như buồn phiền, xấu hổ, day dứt, chán nản, áy náy, lo lắng… Trẻ cần hiểu điều đó thông qua việc tự đánh giá bản thân, biết sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, chị Trần Ánh cho biết, biện pháp rèn luyện kỹ năng sống trẻ em này chỉ phát huy hiệu quả khi con phạm lỗi lần đầu.

Cũng theo chuyên gia này, khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ nên để con hiểu được sự khác biệt giữa cô độc, xấu hổ, day dứt với cởi mở, chân thành, dũng cảm. Việc này sẽ giúp trẻ có được khả năng phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, thiện - ác.

Tuy nhiên, để trẻ không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực này, cha mẹ nên giúp con tìm cách giải quyết những vấn đề đang mắc phải. Nếu trẻ làm sai điều gì đó, cha mẹ cần kiên trì giúp con hiểu ra lỗi của mình. Sau đó, để con tự kiểm điểm, đánh giá bản thân, kích thích cảm xúc day dứt, xấu hổ. Trong lòng trẻ sẽ diễn ra quá trình tự trách mình và tự hứa sẽ không tái phạm sai lầm tương tự.

Mong ước chính đáng có thể biến thành… thói xấu

Thạc sĩ Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Tổ chức Lớp học xanh Sơn Nam, chuyên tập huấn cho trẻ về các giá trị và kỹ năng sống, nhận định: “Bất cứ phụ huynh nào cũng luôn mong ước con mình có cuộc sống tốt hơn cha mẹ ngày xưa. Tuy nhiên, trong guồng quay hối hả của nhịp sống hiện đại, hầu hết cha mẹ đều tất bật, bận rộn với việc mưu sinh nên ít khi dành thời gian để hướng dẫn cho con”.

Vì vậy, mong ước chính đáng của cha mẹ đôi khi dẫn đến những thói quen xấu và sự vô trách nhiệm ở trẻ. Nhiều cha mẹ có tâm lý muốn bù đắp cho con, không muốn con phải chịu vất vả như mình. Hoặc, một số ông bố, bà mẹ muốn con dành thời gian toàn tâm toàn ý cho việc học. Những hành động đó đã dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em thời nay sống ích kỷ, ỷ lại. Trẻ không biết quan tâm đến người khác và không chịu trách nhiệm với chính bản thân.

Theo Thạc sĩ Trần Văn Hùng, những đứa trẻ không được dạy để sống có trách nhiệm từ nhỏ, khi lớn lên, chúng sẽ gặp khó khăn để quản lý gia đình. Đồng thời, khó có thể giải quyết tốt các mối quan hệ cá nhân cũng như thành công trong cuộc sống.

Theo chuyên gia này, các phụ huynh cần tạo mọi điều kiện cho trẻ được thực tập trách nhiệm. Bởi, chỉ nói và yêu cầu con có trách nhiệm là không đủ. Điều quan trọng là tạo mọi điều kiện bằng thực tế. Ví dụ, khi để trẻ nuôi cá cảnh, phụ huynh cần yêu cầu con phải chịu trách nhiệm. Con sẽ cho cá ăn, thay nước. Hoặc, khi nuôi cún cưng, con phải phụ trách việc chăm sóc, cho cún đi vệ sinh…

Để trẻ trở thành người có trách nhiệm, con cần trải qua những trải nghiệm thật. Phụ huynh được khuyến khích tạo cho con lối sống trách nhiệm thông qua tất cả hoạt động trong ngày. Đặc biệt, cha mẹ không nên can thiệp. Thay vào đó, cần tạo điều kiện cho con phát triển, tập quyết định. Ví dụ, phụ huynh có thể đưa ra một cốc nước cam và nước lọc. Sau đó, yêu cầu con tự chọn mình sẽ uống nước gì.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng để con trở thành người có trách nhiệm là giữ phẩm chất, đạo đức tốt. Vì vậy, cha mẹ được khuyến khích dạy con trở thành người có tâm. Theo Thạc sĩ Hùng, phụ huynh có thể cùng con làm từ thiện. Bởi, khi đó, trẻ sẽ cảm nhận được trách nhiệm của mình với xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.