Giờ nào việc ấy
Sáng nào trước khi dắt xe máy ra cổng để đi làm, chị Hoàng Anh (ngõ 44 - phố Hào Nam - Hà Nội) cũng dặn đi dặn lại công việc con phải làm trong ngày. Con gái qua hè là vào lớp 4 tuy vâng dạ rành rọt với mẹ thế thôi nhưng chả bao giờ thực hiện nghiêm chỉnh lời hứa của mình.
Đang thời gian nghỉ hè nên bé Ngọc ở nhà với bà nội. Bà thương cháu quanh năm học hành vất vả nên cũng không ép cháu sít sao về giờ giấc. Thế nhưng được vài tuần buông lỏng, bé Ngọc đã hình thành nhiều thói quen xấu. Ngủ dậy muộn đã đành, ăn uống thất thường, nhiều ngày gần đến bữa trưa mới ăn sáng, vừa ăn vừa xem tivi. Rời cái tivi ra là bật máy tính vào mạng suốt ngày.
Nghe mẹ chồng góp ý “nếu con mà cứ buông lỏng cho con bé tự do thích gì làm nấy mà không có sự giám sát, quản lý thời gian chặt chẽ thì đến lúc vào năm học mới sẽ rất khó khăn. Chị Hoàng Anh càng sốt ruột nhưng còn đang lúng túng chưa biết sẽ dạy con quản lý thời gian như thế nào cho hiệu quả…
Theo kinh nghiệm của chị Thu Lương (Đài Tiếng nói Việt Nam), việc hướng dẫn con biết xem đồng hồ và lập thời gian biểu trong ngày và cuối tuần là cách tập cho con hình thành ý thức về thời gian và biết quản lý sắp xếp quỹ thời gian của trẻ hợp lý. Con cần khoảng thời gian cố định bao lâu ngồi vào bàn học, làm bài tập hoặc giờ nào thì giúp mẹ một vài công việc tùy sức và khả năng của con, giờ nào thì đọc sách hoặc xem phim hoạt hình…
Khi được làm chủ thời gian của mình theo thời gian biểu trẻ sẽ được rèn luyện tính tự giác và sự tự chủ, chủ động, biết ưu tiên việc nào làm trước và có sự chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động ấy.
Cho con chủ động về thời gian
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, người quản lý Dự án vì trí tuệ gia đình Việt (Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Wedo Wegood) thì thời gian cũng giống như cái đồng hồ sinh học của con người vậy. Khi chúng ta thiết lập được cái đồng hồ đó thì con người cứ thế hoạt động theo.
Ai cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày. Chỉ khác nhau ở sự chủ động và thụ động mà người thì nhàn hạ, người thì lúc nào cũng bận rộn, quỹ thời gian luôn không đủ để làm việc này việc kia. Quản lý thời gian tốt là biết cách phân chia hợp lý, cân đối khoa học quỹ thời gian trong ngày, trong tuần cho những hoạt động cụ thể.
Một chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian là lời gợi ý thông minh khi giao việc và yêu cầu con hoàn thành; và đây cũng là cách thể hiện thái độ tin tưởng của bố mẹ với con. Đây là phương pháp giám sát gián tiếp, là cách bố mẹ hỗ trợ con biết cách phân chia thời gian hợp lý. Việc hoàn thành công việc theo đúng thời gian bố mẹ quy định không hề dễ dàng với con nên phụ huynh cần kiên nhẫn và nghiêm khắc.
Nghỉ hè là khoảng thời gian tuyệt vời để trẻ được mở rộng phạm vi hoạt động của mình, có cơ hội được trải nghiệm những điều mới mẻ, bớt sự nhàm chán trong vòng quay học hành của cả năm học. Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại đăng ký nhiều khóa học ngoại khóa, nhiều khóa học thể dục thể thao hoặc các môn năng khiếu cho con mà không cho con được quyền lựa chọn những hoạt động phù hợp với khả năng và sở thích của con.
Lời khuyên của chuyên gia Phạm Hiền (Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Wedo Wegood), người quản lý Dự án vì trí tuệ gia đình Việt là: Phụ huynh cũng cần cân đối để hài hòa giữa thời gian biểu của con và của mình để mọi thành viên đều có khoảng trống cá nhân và được thoải mái nghỉ ngơi.
Đặc tính của trẻ là hay bị phân tán nên dễ quên vì thường nảy sinh nhiều ý tưởng ngẫu hứng. Cha mẹ nên khéo léo nhắc trẻ liệt kê những việc cần hoàn thành và dự định thời gian dành cho việc đó. Tặng con một cuốn sổ để con ghi nhớ những suy nghĩ, dự định, việc cần làm để trẻ luôn nhớ và tự giác thực hiện… đó cũng là cách giúp trẻ biết tự kiểm soát thời gian của bản thân. Việc dạy trẻ quản lý thời gian sẽ khó khăn và mất công sức nhưng khi trẻ có được định hướng rõ ràng thì sẽ bắt đầu khả năng tự lập tự chủ thuận lợi và hiệu quả.