Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ tiến bộ mỗi ngày chính là thiết lập mục tiêu.
Phụ huynh hãy để trẻ được tham gia vào việc xác định mục tiêu. Đồng thời, bảo đảm rằng, các mục tiêu đó không quá mơ hồ, quá tham vọng hay viển vông.
Kỹ năng cả cha mẹ và trẻ đều cần
Nuôi dạy trẻ từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời của cha mẹ. Tuy nhiên, không ít cha mẹ bắt đầu cuộc hành trình này mà chưa bao giờ nghĩ tới mục tiêu của việc nuôi dạy con là gì. Trong đó, mục tiêu lâu dài là những điều mà phụ huynh muốn con mình đạt được khi trưởng thành. Những mục tiêu đó sẽ là cơ sở, kim chỉ nam để cha mẹ và trẻ xây dựng cho mình kỹ năng liên quan tới kỷ luật tích cực.
Chị Hoàng Thu Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) - phụ huynh có con học lớp 7 chia sẻ, gia đình chị luôn đặt mục tiêu trong việc nuôi dạy con. Chị Thủy nêu ví dụ, vào một buổi sáng bình thường ở gia đình, khi đang chuẩn bị cho con đến trường, phụ huynh cũng nên đặt câu hỏi về việc: “Mình muốn con làm gì vào lúc ấy? Nói cách khác, trong buổi sáng hôm đó, mục đích của phụ huynh là gì?”. Nữ phụ huynh này cho rằng, các cha mẹ có thể liệt kê những mục tiêu như: Muốn con mặc quần áo nhanh, ăn nhanh, vâng lời, làm những gì được yêu cầu. Đây được coi là những mục tiêu ngắn hạn. Những mục tiêu ngắn hạn là mục tiêu cha mẹ muốn con thực hiện được ngay lập tức.
Thực tế, trong quãng thời gian làm cha mẹ, phụ huynh luôn phải bận bịu bởi những cố gắng, nỗ lực nhằm giải quyết các mục tiêu trước mắt. Đó là một thực tế khiến không ít phụ huynh gặp khó khăn. Song, bởi những bộn bề trong cuộc sống, phụ huynh thường quên mất những gì thực sự muốn đạt được. Một số nghiên cứu cho biết, 92% mọi người không đạt được mục tiêu của họ. Có lẽ, hầu hết trong số họ chưa bao giờ học cách thiết lập mục tiêu một cách hiệu quả. Do đó, không chỉ cha mẹ, mà trẻ cũng cần phải có được kỹ năng thiết lập mục tiêu. Trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ có thể giúp con đạt được kỹ năng quan trọng này để phát triển bản lĩnh và đạt được những gì bản thân muốn trong cuộc sống.
Song, không ít phụ huynh “loay hoay” vì không biết làm thế nào để dạy trẻ đặt mục tiêu.
Sự quyết tâm để thực hiện một việc gì đó và các mục tiêu được đặt ra vào đầu năm mới có thể là ngắn hạn (có thể đạt được sau vài ngày hoặc vài tuần) hoặc dài hạn (cần nhiều tháng hoặc nhiều năm để hoàn thành). Ví dụ, nếu trẻ muốn kết bạn mới, con cần đặt ra các mục tiêu ngắn hạn là tìm kiếm, lựa chọn bạn để chơi và kết nối với họ. Nếu muốn trở nên độc lập hơn, trẻ cần hướng tới một mục tiêu dài hạn (là một loạt các mục tiêu ngắn hạn dựa trên nhiệm vụ) để đạt được điều đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là trẻ phải học cách đặt ra mục tiêu thực tế. Bởi, theo diễn giả truyền cảm hứng người Mỹ Zig Ziglar, đặt mục tiêu đúng cách là đã đi được nửa chặng đường.
Cách để đạt được mục tiêu
Giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, cha mẹ có thể thực hiện một số cách để giúp trẻ đặt mục tiêu hiệu quả, theo dõi tiến trình và duy trì động lực trong quá trình này. Trước hết, cha mẹ cần để trẻ chọn “mục tiêu lớn”. Nếu trẻ thực sự mong muốn đạt được mục tiêu, thì có nhiều khả năng là trẻ sẽ được thúc đẩy về bản chất và sẽ thành công.
Do đó, cha mẹ không nên thúc ép con đặt ra mục tiêu mà phụ huynh muốn trẻ đạt được. Thay vào đó, hãy giúp bé xem xét những gì con thực sự muốn hoàn thành hoặc đạt được trong năm. Phụ huynh nên đặt những câu hỏi như: Con ước mình có thể đạt được điều gì? Thử thách mà con cảm thấy rất tự hào khi vượt qua là gì?
Con sẽ làm gì nếu biết mình không thể thất bại? Cha mẹ hãy giúp con suy nghĩ về một mục tiêu chính mà trẻ muốn đạt được trong tương lai gần. Phụ huynh hãy đảm bảo rằng, đó là mục tiêu cụ thể, có thể thực hiện. Ví dụ, trẻ nên tránh những mục tiêu mơ hồ như “Năm nay con sẽ chú ý hơn trong lớp học”. Không có cách nào rõ ràng để biết khi nào hoặc liệu mục tiêu này đã đạt được hay chưa.
“Các mục tiêu cụ thể mà trẻ có thể đặt ra là: Con sẽ ghi chú hằng ngày trong năm nay và xem lại chúng mỗi tuần. Hoặc: Năm nay, con sẽ đạt 20 điểm 10 trong môn Toán. Trẻ cần có khả năng nhận ra sự tiến bộ của mình đối với mục tiêu được đề ra. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng, đó là điều cụ thể”, giáo viên Mai Chi gợi ý.
Bên cạnh đó, để trẻ thực sự có động lực trong việc đạt được mục tiêu, cha mẹ cần hiểu lý do về việc tại sao con muốn đạt được mục tiêu này. Tại sao mục tiêu này lại quan trọng? Mục đích của con là gì? Bởi thông thường, khi học sinh nhìn thấy mục đích cho những gì mình đang cố gắng, trẻ có xu hướng hoạt động tốt hơn.
Do đó, cha mẹ có thể áp dụng cách làm tương tự trong việc thiết lập mục tiêu của con. Ví dụ, nếu mục tiêu của trẻ là đạt điểm 10 môn Khoa học, thì mục đích như “Con muốn có điểm cao hơn” hoặc “Con muốn có một sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học” có thể hữu ích ở một mức độ nào đó. Song, sẽ còn hữu ích hơn nếu trẻ có thể tìm thấy mục đích như: “Con muốn học giỏi môn Khoa học để có thể tạo ra những khám phá hoặc phát minh giúp ích cho mọi người”. Vì vậy, phụ huynh nên giúp con tìm ra mục đích của mình bằng cách đặt những câu hỏi như: “Con nghĩ lợi ích lớn nhất mà con học tốt trong lớp này là gì? Làm thế nào điều đó có thể giúp những người khác?”.
Giáo viên Mai Chi nhấn mạnh, một mục tiêu hiệu quả phải hợp lý trong tầm tay. Mục tiêu không nên quá thách thức và cũng không nên quá dễ dàng. Trong khi đó, trẻ phải có khả năng duy trì động lực của mình trong một thời gian dài. Một cách để đạt được điều này là giúp trẻ chia nhỏ mục tiêu dài hạn của mình thành những bước ngắn hạn dễ quản lý hơn. Điều quan trọng là trẻ phải hiểu rằng, con có thể không đạt được mục tiêu dài hạn ngay lập tức. Miễn là trẻ đang tiến bộ và hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn, thì con vẫn đang leo lên “nấc thang” để thành công và không nên nản lòng. Ngoài ra, phụ huynh hãy chia mục tiêu lớn thành các bước nhỏ hơn khi giúp con đặt mục tiêu. Bởi, đó là cách giúp trẻ chia nhỏ mục tiêu dài hạn và lớn của mình thành những bước ngắn hạn dễ quản lý hơn.
“Mục tiêu từng bước có thể giúp trẻ duy trì động lực, tiếp tục cải thiện và thực hành các kỹ năng cần thiết. Từ đó, đạt được “mục tiêu lớn”. Kỹ năng này sẽ tạo cơ hội cho trẻ đạt được thành công trong tương lai”, nữ giáo viên chia sẻ. Để giúp trẻ hình dung quá trình từng bước này, cha mẹ nên khuyến khích con điền vào “bậc thang mục tiêu”. Ở trên cùng của bậc thang, hãy viết ra mục tiêu lớn. Sau đó, thực hiện theo từng bước để đạt được mục tiêu đó. Giả sử, mục tiêu lớn của trẻ là học cách đi xe đạp trong mùa Hè. Bước đầu tiên trên bậc thang mục tiêu có thể là xem bố hoặc mẹ đạp xe. Bước thứ hai có thể là học cách đi xe đạp có 3 bánh. Một bước tiến lên từ đó có thể là đạp xe 2 bánh trong khi bố hoặc mẹ giữ. Mục tiêu cuối cùng là tự mình tập đạp xe.
Để hỗ trợ trẻ đạt mục tiêu đã đề ra, cha mẹ nên cổ vũ con. Đó là cách tốt nhất để xây dựng sự tự tin ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, khi khen ngợi và nhấn mạnh vào nỗ lực của trẻ thay vì kết quả, các em sẽ thấy được đánh giá cao, tăng sự hưng phấn để cải thiện kỹ năng theo thời gian. Tuy nhiên, thực tế, thất bại là một phần quan trọng để nuôi dạy những đứa trẻ sống có mục tiêu và tham vọng. Không riêng trẻ, đôi khi, chính phụ huynh cũng nhìn nhận sai về thế mạnh, ước mơ của con. Do đó, việc đặt nhầm mục tiêu là chuyện bình thường. Trong trường hợp này, phụ huynh hãy hỗ trợ trẻ sửa sai bằng cách giảm kỳ vọng của chính mình xuống thấp nhất có thể. Như vậy, trẻ không phải gánh vác mong muốn của bản thân và cả phụ huynh.
Nhà tâm lý học, diễn giả người Mỹ - bà Amy Cuddy giải thích, mọi người thường không đạt được mục tiêu bởi vì mục tiêu họ đặt ra quá đồ sộ và không thực tế. Những người này tập trung quá nhiều vào kết quả và không đủ vào quá trình. Thay vào đó, có thể hữu ích nếu mọi người đặt ra một chuỗi các mục tiêu nhỏ, thử thách dần dần.