Dạy con biết ứng xử

GD&TĐ - Dạy con về phép xã giao với hành vi lịch sự và thái độ đúng mực, tôn trọng người khác là dạy con về nếp sống văn minh và những biểu hiện của con người có văn hóa.

Dạy con biết ứng xử

Làm thế nào để xây dựng được cho con những nguyên tắc ứng xử quan trọng đó trong gia đình, nơi trường học và ngoài xã hội là điều các bậc phụ huynh phải lưu tâm.

Thiếu hụt kỹ năng ứng xử

Nhận lời vợ chồng cô cháu gái ở Quảng Ninh, bà Hoàn (phố Tôn Đức Thắng - Hà Nội) hết lòng chăm lo cho thằng cháu học đại học.

Hàng ngày bà lo cơm nước, nhắc nhở cháu giờ ăn giấc ngủ, việc học hành sinh hoạt nền nếp. Nhưng mấy tháng nay bà Hoàn thấy phiền muộn, ngao ngán quá.

Ai đời sinh viên đại học, cao lớn lộc ngộc gần một mét tám mà chả biết nhấc tay động chân làm bất cứ việc gì. Sinh hoạt thì tùy tiện, thích gì làm nấy.

Ngay cả giao tiếp ứng xử thông thường, đến cả những phép tắc tối thiểu như thay quần áo ra thì bỏ vào máy giặt, ăn cơm thì phải bưng bát cơm chứ không được cúi xuống bàn ăn xùm xụp, trước khi ăn mời mọi người... bà cũng phải uốn nắn, dạy bảo từng ly từng tý...

Chị Ngọc Thanh - một GV THPT (quận Đống Đa - Hà Nội) nhận xét: Qua nhiều năm công tác tôi nhận thấy trẻ em ngày nay kém lễ phép và lịch sự hơn so với trẻ em trước đây.

Cách trả lời với người lớn hoặc ngay cả với bố mẹ bây giờ đã được rút gọn hết mức, thay vì câu “vâng ạ” hay “vâng, thưa ông/bà” đã bị rút gọn thành một tiếng “vâng” ngắn ngủn. Thế vẫn còn lịch sự, có khi lại là một từ lai căng “ok”.

Cũng theo chị Thanh, cách cư xử và sự tôn trọng không thể tách rời nhau. Đứa trẻ phải được dạy cách tôn trọng người khác, trước tiên bằng cách tôn trọng ông bà, bố mẹ, người thân của mình.

Có vậy thì đứa trẻ mới phát triển kỹ năng giao tiếp, sự tôn trọng người khác bên ngoài phạm vi gia đình. Hơn ai hết, bố mẹ phải dạy con hành xử lễ phép với các đấng sinh thành. Khi bố mẹ tiếp khách không lân la ngồi cùng hóng chuyện, không được nói leo hay chen ngang làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người lớn trừ khi có việc khẩn cấp, hoặc phải biết kìm nén cơn giận dữ khi chúng không thỏa mãn điều gì.

Dạy con cư xử ở trường

Không phải khi đưa con vào đến cổng trường là phụ huynh có thể phó thác hoàn toàn việc rèn luyện đạo đức và tác phong của con mình cho các thầy, cô giáo.

Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để đảm bảo được cho con việc tiếp nhận kiến thức, từ tư thế ngồi nghe giảng đến tác phong nghiêm túc lắng nghe, thái độ tôn trọng thầy cô giáo và bạn cùng lớp.

Trong lớp con phải chép bài đầy đủ, hăng hái phát biểu, không làm việc riêng, không làm các cử chỉ như: Vò đầu, gãi tai, ngoáy mũi, quay ngang ngửa, phát ngôn tùy tiện, nhoài người, gục đầu; không sử dụng tiếng địa phương và điện thoại.

Trong thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh, những sự cố đáng tiếc xảy ra khi những cô cậu học sinh không biết cách cư xử hợp lý trong giờ học. Đơn giản nhất như khi cần mượn, trả đồ dùng học tập.

Nếu con bạn không biết xử sự với thái độ nghiêm túc, lời nói nhẹ nhàng, mà lại có các hành vi thô lỗ như: Tự tiện lấy đồ dùng khi bạn không đồng ý, giật đồ dùng khi bạn đang sử dụng... chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến giờ học.

Bạn cũng nên giảng giải cho con hiểu lòng tôn trọng thầy cô giáo phải bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Trước khi kết thúc giờ học, các con không được nôn nóng gấp sách vở, rời chỗ ngồi để ra chơi, hoặc ra về. Dù có điều gì bất bình cũng cần bình tĩnh đề đạt với cô giáo, phải đảm bảo trật tự, không xô đẩy bàn ghế, giữ vệ sinh chung….

Con cũng phải có ý thức hạn chế làm ảnh hưởng đến mọi người; đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân và tránh làm lây lan bệnh cho người khác... Nếu bản thân bị ốm đau đột xuất (đau đầu, đau bụng) con cần xin phép cô giáo lên phòng y tế của trường để được cấp thuốc uống kịp thời, có thể lên lớp tiếp tục học. Các chuyên gia giáo dục khuyên các bậc phụ huynh không nên cố gắng dạy cho trẻ quá nhiều kỹ năng sống cùng một lúc.

Dạy kiểu nhồi nhét đó, ta sẽ nhận kết quả là không một kỹ năng nào được trọn vẹn. “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, trẻ muốn lĩnh hội được bất kỳ kỹ năng nào thì cũng phải bắt đầu từ việc được dạy cách cư xử khi ngồi trong bàn ăn. Khi một phép xã giao hoàn thiện, bố mẹ mới tiếp tục chuyển sang dạy kỹ năng khác… Cư xử không bao giờ là “đường một chiều”, chính vì vậy việc làm gương của cha mẹ chính là một phương thức hiệu quả nhất. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ