Một người mẹ có con 6 tuổi tâm sự với tôi: “Mình phải cố gắng học tập để không bao giờ phải trả lời con là “Mẹ không biết!”. Đã làm mẹ thì không thể để con nghi ngờ về hiểu biết của mình!”
Tôi rất thích quyết tâm đó của bà mẹ. Tôi cũng luôn ý thức tự nâng cấp mình để nuôi dạy con. Nhưng quan điểm của tôi về “Mẹ không biết” lại hơi khác một chút!
Lại kể chuyện chàng Mộc – con của bạn tôi – hồi mới vào học lớp Một, Mộc hay bị mất bút chì, thước kẻ, rồi gôm tẩy… (cũng hệt như Sim nhà tôi và nhiều bé khác). Một lần, Mộc thấy rõ ràng đúng là cây bút chì của mình ở bàn trên, nhưng bạn kia lại khẳng định: “Cây bút đó của tớ.”
Mộc về mách mẹ. Cô ấy chỉ nói: “Con nghĩ đi! Làm thế nào bây giờ? Mẹ không biết! Con hãy tìm cách đi!”
Tôi nghiệp thằng bé 6 tuổi chật vật suốt cả buổi tối, nghĩ nát óc. Rồi ơ-rê-ca, cậu tìm ra một giải pháp đơn giản mà mẹ nào cũng thừa biết: Đánh dấu tên lên đồ dùng! (Bà mẹ đó lười nhỉ! Không chu đáo giúp con chuẩn bị và dán tên lên đồ dùng ngay từ đầu năm học như phần lớn phụ huynh chúng ta!
Nhưng tôi nghĩ bà mẹ đã dạy con 1 bài học tốt. Cậu bé phải biết vận dụng đầu óc để tự giải quyết những vấn đề của mình! Đó cũng chính là điều tôi muốn – Không trở thành Mẹ Biết Tuốt!
Ở nhà, Xu và Sim sàn sàn nhau. Cãi nhau hả? Kệ, tự nghĩ cách thương lượng và dàn xếp với nhau đi! Mẹ không biết.
Ráp đồ không được hả?… Google đi! Mẹ không biết!
Con muốn đề nghị với chủ tiệm cái gì? Con muốn hỏi cô giáo điều gì? Con tự đề nghị đi, mẹ không biết!
Bài toán hình này giải làm sao? Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ khác nhau thế nào?… Con tìm hiểu đi, mẹ không biết!
“Mẹ không biết” nghĩa là tụi nó phải làm quen với việc tự đi tìm kiếm câu trả lời! Tuy rằng có nhiều lúc tìm ra câu trả lời trớt quớt, và giải pháp thì méo mó. Kệ đi!
Hôm nay không nghĩ ra kịp, không tìm kiếm thấy, thì ngày mai. Đời con còn rất dài, luôn có đủ thời gian mà.
Từ chối chưa đủ, tôi còn tìm cách “chuyền bóng”: “Con nghĩ xem câu này thì mình nên hỏi ai ngoài mẹ?”. Nhớ lại, tôi thấy cái được lớn nhất của mấy năm làm phóng viên là biết cách đặt câu hỏi và cách mò mẫm tìm ra người để hỏi. Hỏi ai và hỏi như thế nào là một kỹ năng đáng được học.
“Chuyền bóng” chưa đủ, tôi còn thường xuyên “câu giờ”: “Để tối mai coi mẹ có tìm ra không nha!”
Tôi muốn tập cho con chờ đợi.
Tôi nghĩ những ba mẹ luôn luôn sẵn sàng giải đáp cho con, cũng giống như các cô giáo thủ sẵn cuốn văn mẫu trong hộc bàn, sẽ tước đi cơ hội để trẻ con tự vật lộn với vấn đề của mình.
Tôi tin là chính việc vật lộn đó mới làm cho các tế bào não sinh sôi phát triển, phồng lên, đùn thành các nếp nhăn trong hộp sọ. Tôi không hề muốn Xu Sim bị bạn bè gọi là “não phẳng”.
“Câu giờ” chưa đủ, thỉnh thoảng tôi còn giương cờ trắng đầu hàng!
Chẳng mắc mớ gì phải giấu dốt! Trước một đứa nhỏ đang thần tượng mẹ mình như một vị anh hùng bách chiến bách thắng mà thú nhận mẹ dốt, quả là một cảm giác khó khăn. Nhưng được dốt như là chính mình, cũng có cái sung sướng của nó! Con phải biết thông cảm với những hạn chế của mẹ. Con phải chấp nhận mẹ đôi khi… cũng dở!
“Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con”. Câu này chỉ hát cho vui thôi, chứ tôi không bao giờ phấn đấu đạt đến điều đó! Trẻ con bây giờ hay bị sướng quá, ở trường thì lúc nào cũng có thầy cô hướng dẫn, thúc giục. Về nhà thì có ba mẹ bọc lót, tới cả việc suy nghĩ mà cũng dâng tới tận răng…
Mẹ đâu phải là kho tàng vô hạn, con đào lúc nào cũng được, đào bao năm cũng còn? Riết rồi con thụ động, ỷ lại, thành cái dây leo, thành cây tầm gửi luôn sao? Ngày sau khi đi làm, nếu không được cầm tay chỉ việc từng bước thì sao?
Câu thần chú của tôi đấy: “Con tự nghĩ đi! Mẹ không biết!”
Đó chính là giải pháp để con tự lập và mẹ tự do!