(GD&TĐ) - Vượt hơn 200 cây số đường núi từ thành phố Yên Bái đi huyện Mù Cang Chải, chúng tôi đến được xã Chế Tạo sau khi trải qua 35 km đường đất khó đi. Xã Chế Tạo nằm giữa những dãy núi cao ngất trời và hiểm trở. Thấp thoáng sau những tán rừng là những ngôi nhà của đồng bào Mông định cư ở mảnh đất này từ lâu. Đến Chế Tạo chúng tôi mới biết, nơi đây, chuyện học chữ của trẻ em còn nhiều gian nan…
Xa lắm Chế Tạo…
Chế Tạo là xã xa và khó khăn nhất của huyện vùng cao Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái. Nằm ở phía Đông Nam của huyện Mù Cang Chải, thuộc khu vực dự trữ sinh quyển, bảo tồn các loài sinh vật cảnh của tỉnh, khí hậu của Chế Tạo quanh năm mát mẻ. Vào mùa đông sương mù dày đặc và lạnh giá nên mới đến Chế Tạo, nếu không quen địa hình sẽ mất hàng tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện mới vào được xã và rất khó định hình được những ngôi nhà của đồng bào Mông ẩn sau những vạt rừng.
Anh Giàng Pằng Tủa - Bí thư Đảng ủy xã Chế Tạo cho biết, xã có diện tích tự nhiên 23.658 ha. Tuy diện tích đất rộng nhưng rất khó canh tác bởi địa hình núi cao, khí hậu không thuận lợi. Toàn xã có 315 hộ, với 2.303 nhân khẩu. Nhân dân sống rải rác trên các sườn núi cao, 100% dân tộc Mông. Người dân chủ yếu trồng lúa một vụ, trồng thêm sắn nên cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm. Mấy năm qua, tỉ lệ hộ nghèo vẫn chiếm 74,5%, không có hộ khá.
Những đứa trẻ ở Chế Tạo lam lũ nhưng rất ham học |
Đến Chế Tạo, chúng tôi cảm nhận được một trong những khó khăn của đồng bào nơi đây là thiếu điện lưới quốc gia. Có nhiều nguyên nhân để dòng điện không vượt núi về với Chế Tạo được, trong đó, đường xa, địa hình phức tạp là nguyên nhân cơ bản để điện không về được. Vào những ngày trời mưa, đường về Chế Tạo và đi các bản Mông không khác đường “lên trời”, do đường đất, dốc núi nên việc giao thương hàng hóa với Chế Tạo còn nhiều khó khăn.
Chuyện học chữ của con em Chế Tạo từ bao năm nay được ươm mầm từ mảnh đất khó ấy. Tuy khó khăn nhưng đồng bào Mông ở Chế Tạo vẫn một lòng theo Đảng, quyết tâm đưa con chữ về từng bản nhỏ. Học sinh Chế Tạo dù phải lên nương rẫy giúp cha mẹ nhưng rất ham học và vượt mọi khó khăn xuống núi học chữ. Do địa hình phức tạp nên các cấp học từ mầm non đến THCS ở Chế Tạo thường học chung địa điểm. Theo lãnh đạo UBND xã, hiện Chế Tạo có 1 điểm trường chính và 3 phân hiệu nằm ở các bản xa của xã. Khu trung tâm gồm 2 lớp mẫu giáo với 42 em học sinh, cấp Tiểu học có 5 lớp với 82 em học sinh, cấp THCS có 4 lớp với 44 học sinh. Ở các điểm trường thì số học sinh thưa thớt hơn do nằm sâu trong các bản. Điểm trường Tà Dông chỉ có 3 lớp 1,2,3 với 45 học sinh. Điểm trường Kể Cả có 3 lớp 1,2,3 với 36 học sinh cách trung tâm xã tới 18 km, đường rất khó đi. Xa nhất và khó khăn nhất là điểm trường Háng Tả có 3 lớp: 1,2,3 với 28 học sinh, cách trung tâm xã 25 km, đường đi cũng rất khó khăn.
Ở khu trung tâm, tuy các em học sinh cấp THCS có nhà bán trú nhưng chủ yếu là tự túc về nấu ăn và sinh hoạt hằng ngày. Các công trình như nhà tắm, nhà vệ sinh và đồ dùng hầu như thiếu thốn. Còn các thầy cô cắm bản thì được bố trí ở nhà tập thể tạm, chật chội vì phải ở chung phòng. Sinh hoạt hằng ngày của thầy cô và học trò còn thiếu thốn nhiều vì xã xa trung tâm huyện, mọi dịch vụ hầu như khan hiếm.
Khi tốt nghiệp THCS, các em học sinh trong các bản Mông muốn học THPT ngoài huyện phải trải qua quãng đường khá lớn từ 35 tới 40 cây số đường khó đi. Có em vượt tới 50 cây số để đi học “chữ to”. Tuy thế, những khó khăn không làm cản trở lòng ham học của trẻ em nơi đây, tỷ lệ duy trì đến lớp luôn đạt 99%, số học sinh THPT và học đại học chiếm tỷ lệ cao.
Người dân Chế Tạo tự hào rằng con em họ được học chữ đầy đủ, biết đọc thông viết thạo và họ mơ ước về ngày mai, chính những đứa con của bản làng sẽ mang no ấm về cho dân bản. Chúng tôi thầm hiểu và mong khát vọng ấy của người dân Chế Tạo sẽ trở thành hiện thực trong nay mai.
Gian khó nhưng hiếu học…
Ông Sùng A Tủa - Chủ tịch UBND xã Chế Tạo cho biết: Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn song dân bản không quên chăm lo chuyện học chữ cho con em và bọn trẻ ở đây hiếu học lắm. Đó là một điều đáng mừng cho Chế Tạo. Bởi khi đường xa, cuộc sống khó khăn, bông lúa trên nương còn chưa nặng hạt thì ham học để mong ngày mai tươi sáng thì quả là đáng khâm phục. Chính vì vậy, trong hành trình đi tìm con chữ, Chế Tạo đã xuất hiện nhiều gia đình người Mông hiếu học.
Đường vào Chế Tạo |
Theo lời giới thiệu ngắn gọn của ông chủ tịch UBND xã Chế Tạo, chúng tôi tìm đến gia đình anh Giàng Mào Sình, một căn nhà nhỏ ven suối. Anh có năm đứa con đang trong tuổi ăn học. Xác định rằng do hoàn cảnh gia đình, mình và vợ không được học hành tử tế nên các con không thể theo gót cha mẹ để sa vào đói nghèo lam lũ. Chúng phải học hành để sau này làm thầy giáo, làm cán bộ có ích cho xã hội. Nhờ vậy, anh và vợ quyết tâm nhịn ăn nhịn mặc, làm lụng vất vả để nuôi các con ăn học.
Không phụ công của người cha họ Giàng, đến nay, 5 đứa con anh, đứa đầu là Giàng A Chù, đang học năm thứ 4 Trường Đại học công nghệ thông tin Thái Nguyên, cháu thứ 2 là Giàng A Chua - sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái; cháu thứ 3 là Giàng A Tạng - sinh viên năm thứ 2 khoa Địa lí Trường ĐHSP Tây Bắc. Cháu gái thứ 4 là Giàng Thị Thu hiện là sinh viên năm thứ 1 Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, cháu gái cuối đang học tại Trường THPT Mù Cang Chải. Vậy là ước mơ cho các con của anh được trở thành thầy giáo, bác sỹ, cán bộ đã sắp trở thành hiện thực.
Cùng việc nuôi dạy con cái, anh Sình còn luôn gương mẫu vận động bà con người Mông trong xã, trong bản đưa con em đến trường học chữ rồi đi học đại học. Noi gương gia đình anh, phong trào khuyến học khuyến tài ở xã Chế Tạo ngày càng phát triển.
Chế Tạo hôm nay vẫn còn xa và khó khăn bộn bề song những vạt rừng bao bọc Chế Tạo vẫn xanh màu xanh của hy vọng và niềm tin vào ngày mai. Người dân Chế Tạo vẫn ngày đêm động viên con em mình xuống núi đi theo ánh sáng của con chữ. Nếu được chung tay và giúp đỡ hơn nữa của Đảng, Nhà nước và các lực lượng xã hội, thiết nghĩ, sự học ở Chế Tạo sẽ “nở hoa” trong một tương lai không xa.
Nguyễn Thế Lượng