Chị Ngọc Hà - một du khách - tâm sự: “Tôi đưa cả gia đình về đây đi lễ chùa không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Qua đây cũng là dịp để giáo dục con trẻ về những giá trị tốt đẹp của truyền thống, cội nguồn, về nét đẹp của văn hóa tâm linh….”
Không chỉ người lớn tuổi đi lễ chùa, mà các bạn trẻ cũng tấp nập đến chùa để bày tỏ lòng thành tâm, hiểu thêm về nét đẹp văn hoá tín ngưỡng nơi cửa Phật, cầu mong đỗ đạt... Phan Hào - một học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đăng Lưu - nói: “ Cảm giác đi lễ chùa đầu năm thật bình an. Em cùng các bạn đầu năm đi lễ chùa để xin chữ, để tìm hiểu thêm về đạo Phật về những nét đẹp của văn hóa tâm linh và cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với mình và mọi người.
Anh Phan Hiền - một Phật tử phục vụ ở chùa Gám - chia sẻ: Bắt đầu từ 23 Tết khách thập phương khắp nơi đã về chùa rất đông và từ đó đến nay mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách trong và ngoài huyện đến với chùa Gám để thắp hương lễ phật đầu năm mới.
Với nét đẹp trong văn hoá nơi cửa phật, dù lượng du khách đông trong ngày đầu Xuân, nhưng với sự sắp xếp khoa học của trụ trì chùa và ý thức của mọi người nên không có sự lộn xộn, chen lấn, đốt tiền, đốt vàng mã, thắp hương tràn lan. Từng dòng người đi lễ chùa trong sự náo nức nhưng trang nghiêm, thành kính linh thiêng. Mỗi người một ý nguyện chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với đức Phật, tổ tiên.
Tết đến Xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Và vào dịp đầu năm mới, người Việt thường có phong tục đi lễ chùa đầu năm. Tục đi lễ chùa đầu năm không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là nét văn hóa tốt đẹp, lưu truyền.
Hằng năm, vào dịp Lễ hội đền - chùa Gám được tổ chức từ ngày 14-16/2 (âm lịch) có hàng vạn khách thập phương du Xuân, đến chiêm bái cảnh chùa.