Đau vùng bụng ở trẻ nhỏ: Không chủ quan

Đau vùng bụng ở trẻ nhỏ: Không chủ quan

Nhiều trường hợp đau ở vùng bụng khiến cho các nhà chuyên môn rất khó xác định bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp. Biết nguyên nhân dẫn đến những cơn đau vùng bụng ở người lớn đã khó, ở trẻ nhỏ lại càng khó hơn.

Bệnh… tâm lý

Đau ở vùng bụng, thường được gọi tắt là “đau bụng” không phải là một bệnh như một số người hay nói, mắc bệnh đau bụng, mà “đau bụng” chỉ là một biểu hiện của rất nhiều bệnh khác nhau.

Các bệnh gây ra đau ở vùng bụng không chỉ là biểu hiện bệnh của các bộ phận cơ thể nằm ngay trong ổ bụng, mà còn là biểu hiện của các bệnh nằm ngoài ổ bụng và thậm chỉ là bệnh toàn thân. Ngoài ra, những cơn đau ở vùng bụng còn có nguyên nhân từ… tâm lý.

Trước một ca bị “đau bụng”, nhất là ở trẻ nhỏ, thầy thuốc chuyên khoa Nhi nhiều khi không thể kết luận một cách chính xác ngay biểu hiện này do đâu mà có. 

Việc thăm khám, theo dõi, các xét nghiệm, phượng tiện chẩn đoán bằng hình ảnh (như siêu âm, X quang, nội soi, CT Scan…) giúp cho việc chẩn đoán xác định và đề ra một phương pháp điều trị có hiệu quả.

Các biểu hiện

Sau đây là một số bệnh gây ra những cơn đau ở vùng bụng, với các biểu hiện đi kèm thường thấy ở trẻ em:

- Ngộ độc thức ăn: Sau ăn thức ăn nguội, lạnh, ôi thiu… thậm chí là các thức ăn bình thường, nhưng sau ăn cảm giác khó chịu ở bụng, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.

- Viêm dạ dày ruột: Sau khi ăn, uống những loại thực phẩm không phù hợp. Đau bụng kèm theo nôn.

- Lồng ruột: Đa số gặp ở trẻ nhỏ bụ bẫm, thường là dưới 2 tuổi. Đau có tính chất dữ dội, từng cơn. Trẻ oằn người khóc thét. Có thể kèm theo nôn hoặc đi cầu ra máu đỏ tươi.

- Ruột thừa viêm: Đau bụng, sốt, có thể kèm theo nôn. Trường hợp điển hình, vị trí đau dần khu trú ở hố chậu phải.

- Giun chui ống mật: Đau từng cơn. Tính chất cơn đau dữ dội. Đặc biệt, bệnh nhân có tư thế giảm đau điển hình là nằm gập người hoặc “treo” chân lên cửa sổ, tường.

- Tắc ruột: Tắc ruột do giun, gặp đa số ở trẻ suy dinh dưỡng. Những cơn đau ở vùng bụng diễn ra thường kèm theo nôn và bí đại tiện.

- Vỡ nội tạng: Khi trẻ chơi đùa bị va chạm, té ngã dẫn tới chấn thương vùng bụng. Các bộ phận bị vỡ là gan, lách, thận. Nếu vỡ thận có thể thấy đi tiểu ra máu. Các biểu hiện đi kèm là vẻ nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, bồn chồn lo lắng, hốt hoảng. Nặng hơn là ngất xỉu.

- Gãy xương sườn: Sau va chạm, té. Có vết tím bầm trên da, có điểm đau chói tại vị trí nghi gãy khi dùng tay sờ nắn. Đi kèm với thở khó, thậm chí thấy bọt hồng nếu vết thương hở và đầu gãy của xương sườn chọc thủng phổi.

- Viêm phổi: Các trường hợp viêm phổi nặng cũng gây ra cơn đau ở vùng bụng. Do vậy, rấ dễ gây ra nhầm lẫn chẩn đoán và điều trị. Bệnh thường đi kèm sốt cao, thở nhanh, thở khó, môi nhợt nhạt hoặc tím (là biểu hiện của sự thiếu oxy).

- Thoát vị bẹn: Đau bụng xảy ra khi khối thoát vị bị nghẹt. Xem và sờ thấy một khối u ở vùng bẹn (háng) hoặc bìu.

- Viêm cơ thành bụng: Quan sát thấy sưng, nóng, đỏ và đau tại vị trí cơ thành bụng bị viêm. Có thể kèm với sốt ở các mức độ khác nhau.

- Viêm màng ngoài tim: Sốt li bì, vẻ mệt mỏi, thở nhanh, thở khó.

- Động kinh thể bụng: Cơn đau có liên quan đến trạng thái tâm thần kinh. Thường tái diễn và “tự khỏi” mặc dù không có sự can thiệp của bác sĩ. Xác định chẩn đoán nhờ vào đo điện não đồ (gọi là đo Electroencephalograph).

- Rối loạn cảm xúc: Ở trẻ em, trong độ tuổi 8 - 15. Cơn đau vùng bụng là biểu hiện của chứng rối loạn cảm xúc. Cơn đau tái diễn nhiều lần và tự khỏi cho dù không có xử lí gì đặc biệt.

Nguyên tắc và hướng điều trị

Trước một trường hợp đau vùng bụng, thái độ xử lí chung là theo dõi sát. Không nên cho uống bất kỳ loại thuốc gì mà mình không biết chắc đó là bệnh gì và tác dụng của thuốc ra sao. Cần đưa đến bệnh viện khám xác định và điều trị các trường hợp có một trong những biểu hiện sau đây:

- Nôn ra máu hoặc đi cầu phân máu, phân đen như bã cà phê.

- Buồn nôn và nôn nhiều lần.

- Sốt cao, thở nhanh, thở khó, vẻ mệt mỏi, li bì, lơ mơ.

- Chướng bụng, bí trung đại tiện.

- Có khối u ở vùng bẹn hay bìu.

- Vã mồ hôi, da xanh, lạnh, niêm mạc nhợt nhạt.

Điều cần phải tránh là việc tự ý cho trẻ dùng thuốc tại nhà trong nhiều trường hợp gây “mất” các biểu hiện điển hình của bệnh, “đặt” các bác sĩ vào tình huống khó khăn khi quyết định chẩn đoán và chậm trễ trong việc điều trị. Tai biến cũng xảy ra nhiều hơn cho các trường hợp này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ