Đấu vật lạc đà

GD&TĐ - Thổ Nhĩ Kỳ có một trò chơi vui nhộn, lôi cuốn, thậm chí đắt đỏ, ấy là vật lạc đà. Cuộc thi thường diễn ra vào mùa sinh sản, giao phối của loài vật to lớn này.

Đấu vật lạc đà

Nhắc đến lạc đà, ai cũng biết chúng là phương tiện chuyên chở đặc biệt ở Trung Đông, Nam Á cùng châu Phi… và từ xưa đã nổi tiếng giúp cho người đi lại, mở mang trên con đường Tơ lụa. 

Không có một con vật nào lại khỏe bằng lạc đà, nhất là khoản chịu đói, chịu khát, di chuyển theo bản năng, linh tính. Chúng có thể chở được nhiều người cùng hàng hóa nên được xem như một con thuyền trên sa mạc. Đi trên con thuyền này, sẽ không bao giờ bị lạc và sớm cập bến.

Vì lẽ này, từ cách đây 2.400 năm, nhiều dân tộc như người Yoruk ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thuần dưỡng lạc đà để chở hàng. Quá trình thuần dưỡng, họ quan sát thấy các con đực hay húc, vật đè lẫn nhau, tranh giành con cái trong mùa giao phối. Vì vậy, họ đã tổ chức ra trò vật lạc đà.

Đấu vật lạc đà ảnh 1

Mới đầu chỉ là trò để vui, khuây khỏa sau mỗi chuyến đường dài, rồi thành truyền thống giải trí hàng năm tại các lễ hội. Một trong những lễ hội vô cùng tấp nập với hàng trăm chú lạc đà tề tựu là Selcuk tại bờ biển Aegean của nước này.

Có nhiều giống lạc đà song người ta thường chỉ chọn những giống của Iran và Afghanistan vì con đực rất to, đồ sộ, có cổ dày, dễ dàng húc, vả và đè bẹp đối phương. Khi đấu, hai con vật sẽ lao vào nhau như trời giáng, rồi dùng cái cổ dài nhưng chắc nịch để nhấn kéo đối phương gục xuống, sau đó khóa chân và dùng toàn thân nặng cả tấn chèn ép.

Đấu vật lạc đà ảnh 2
Đấu vật lạc đà ảnh 3

Do con cái đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hai “tình địch” hăng tiết, nên nó sẽ được dắt qua dắt lại vài vòng giữa hai con đực, và nhanh chóng lui ra đằng xa. Hai con đực vì giận dữ, vì muốn độc chiếm bạn tình, chỉ một chốc đã tức sùi bọt mép và xông thẳng vào nhau.

Theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, trò chơi này tên là deve guresi. Còn hai “đô si” tham gia đấu vật là Tulu, tức giống lai giữa nòi Arabia và Bactria, với chiều cao có thể trên 2m và nặng hơn 1,5 tấn. Chúng rất được chiều chuộng và thường có giá hàng chục nghìn USD, nên khi thi đấu vé xem rất đắt.

Ngoài sự lực lưỡng, mỗi con vật còn được trang điểm cực kỳ lộng lẫy, phụ kiện hấp dẫn, hùng tráng như thể một buổi trình diễn thời trang. Người xem được mãn nhãn trước vẻ đẹp uy nghi, thong thả, uyển chuyển của từng chú lạc đà trong trận đấu.

Đấu vật lạc đà ảnh 4
Đấu vật lạc đà ảnh 5

Sau khi quần nhau, chủ yếu là đè đối phương trong mươi, mười lăm phút, con yếu sẽ ngã xuống hoặc sợ hãi bỏ chạy, và chiến thắng thuộc về “kẻ” còn lại.

Tuy nhiên, vì giá trị rất cao nên không phải mỗi con chỉ tham gia một trận duy nhất mà xuất hiện ở nhiều trận khác nhau, nhất là những con thắng. Chúng thường tham dự khoảng mười trận và đi theo tua - vòng thi đấu một lượt xuyên suốt miền Tây Anatolia.

Mọi người không chỉ đến xem môn vật mà còn ăn uống tiệc tùng, ca hát, buôn bán và kể cho nhau nghe câu chuyện về lạc đà. Và người ta có thể ra giá, tặng nhau luôn những con lạc đà vừa xem, cá biệt mổ thịt khoản đãi.

Đến nay, mỗi năm ở Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng hơn 100 trận đấu với sự tham gia của hơn 2 nghìn con lạc đà Trung Á lai Ả Rập. Trong ba tháng là mùa động dục của lạc đà, các địa phương đều tổ chức thi đấu và chọn vào ngày Chủ nhật.

Xem lạc đà thi đấu rất thú vị do đây là một loài vật rất thông minh, gan lì, có sức chịu đựng lớn, cũng có nhiều tư thế, động tác duyên dáng, đẹp mắt.

Chưa kể, nhiều lúc chúng cũng thay đổi tính khí, hành động thình lình, đem tới nhiều tiếng cười vui, sảng khoái. Ví dụ như con vật đang thế áp đảo bỗng nhiên bỏ chạy, hoặc cả hai con chỉ lượn lờ không đánh nhau, khiến gia chủ sốt ruột hết đứng lại ngồi hò hét ra lệnh.

Đấu vật lạc đà ảnh 6

Thường thì mỗi người sẽ dắt một con ra và để chúng chọi nhau và họ cũng đứng luôn gần đó để “cổ vũ”. Con vật đứng thì người chủ đứng, con vật nằm thì anh cũng nằm theo, nhất là trọng tài - là người được cử ra “phán xét” thì con vật nghiêng bên nào trọng tài nghiêng theo bên ấy.

Không ít trường hợp, cả con thua lẫn con thắng đều lao về phía khán đài. Tuy chúng không có sừng sắc nhọn song vì sức nặng ngàn cân cũng khiến người xem bỏ chạy toán loạn.

Vì một số lý do, vào thập niên 30 của thế kỷ trước, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã không cho tổ chức vật lạc đà nữa, song đến thập niên 70, trò chơi này lại sống dậy và được xem là một nét đẹp văn hóa, truyền thống - lịch sử lâu đời của nước này và khu vực.

Theo Turkish Travel

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.