Đầu vào là ý tưởng, đầu ra là doanh nhân

GD&TĐ - Nhóm sinh viên thuộc Khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) vừa ký kết hợp tác với doanh nghiệp Đông Nam dược Bảo Linh để phát triển sản phẩm Tảo Việt AlgeaVi ra thị trường.

Ký kết hợp tác giữa đại diện dự án Tảo Việt AlgaeVi với doanh nghiệp để phát triển sản phẩm ra thị trường.
Ký kết hợp tác giữa đại diện dự án Tảo Việt AlgaeVi với doanh nghiệp để phát triển sản phẩm ra thị trường.

Và để một dự án khởi nghiệp trở thành một startup, được người dùng thừa nhận đòi hỏi phải có một hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự. 

Nghiên cứu - ứng dụng và chuyển giao

Sau 3 năm “thai nghén”, tháng 5/2021, Dự án Phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm có giá trị gia tăng từ sinh khối tảo xoắn Spirulia đã được chọn ươm tạo tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Khởi đầu từ những công trình nghiên cứu và ứng dụng được thực hiện bài bản, khoa học tại Phòng Nghiên cứu Công nghệ Vi tảo của Trường ĐH Sư phạm. Nhóm AlgeaVi, với sự hỗ trợ và đồng hành của TS Trịnh Đăng Mậu và cựu sinh viên Lê Văn Kiêm, đã đạt được những thành quả ban đầu trong hành trình sáng tạo – khởi nghiệp.

Có một thực tế đáng buồn hiện nay là hầu hết các dự án khởi nghiệp sau giai đoạn hình thành ý tưởng với đội ngũ nhân sự nhiệt huyết – thường là sinh viên đang học tập hoặc đã ra trường – nhưng do các em chưa có một kiến thức cơ bản về mô hình và hoạt động của một doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào, nên khi gặp những rắc rối ban đầu là đã vỡ trận. - TS Võ Duy Khươnng (Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng)

TS Trịnh Đăng Mậu, giảng viên Khoa Sinh – Môi trường, cho biết: Nhu cầu thực tế và thị trường tiêu thị sản phẩm tảo xoắn rất rộng. Tuy nhiên, nguồn giống không có sự ổn định, công nghệ sản xuất và chế biến còn đơn giản. Nhiều cơ sở nuôi cấy tảo xoắn thường sử dụng bể nuôi cố định. Vì vậy, chi phí đầu tư, vận hành khá cao, trong khi tốc độ sinh trưởng lại hạn chế.

Khâu đầu tiên và cũng là khâu quan trọng chính là nghiên cứu, ứng dụng sinh học phân tử để chọn lọc và thuần hóa giống. Nhờ đó, giống tảo có thể thích nghi tốt, giúp kiểm soát và chủ động trong sản xuất giống.

Anh Lê Văn Kiêm – đồng tác giả của dự án - cho biết: “Tại khu nuôi cấy ở Hòa Vang, nhóm đã thay thế bể nuôi cố định bằng mô hình nuôi tảo trong túi có thể quan trắc bằng các thiết bị cảm biến. Chi phí chỉ tăng khoảng 20 - 25% so với công nghệ bể nuôi nhưng tốc độ sinh trưởng lại cao gấp đôi.

Ngoài ra, nhóm đã thiết kế bản vẽ, chế tạo, lắp đặt và thử nghiệm thành công các thiết bị máy đo tốc độ sinh trưởng của tảo xoắn, máy thu/rửa tảo. Những loại máy này giúp đảm bảo môi trường sản xuất sạch, khép kín và đạt năng suất, chất lượng theo quy trình. Hiện nay, trên thị trường hầu như chưa có các loại máy này”.

Từ những “mẻ” tảo xoắn nuôi trồng được, nhóm AlgeaVi đã cho ra nhiều dòng sản phẩm như bột tảo, cốm tảo, bánh quy tảo, trà tảo. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm khác dưới dạng viên nang, viên nén, viên nhộng tảo… Công nghệ sấy lạnh đã giúp giữ được hàm lượng dinh dưỡng tối ưu.

Quy trình thu nuôi khép kín cũng giúp giảm được mùi tanh của tảo so với các sản phẩm khác trên thị trường. Năm 2018, những sản phẩm thử nghiệm đầu tiên của nhóm đã ra mắt tại triển lãm thành tựu khoa học kỹ thuật của TP Đà Nẵng. Nhóm đã thực hiện chuyển giao và hướng dẫn nuôi trồng cho HTX nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường (Bình Sơn, Quảng Ngãi) với tổng số vốn triển khai lên đến 2 tỷ đồng.

Nhóm dự án AlgeaVi với những thành công ban đầu cho thấy hiệu quả của việc hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học.
Nhóm dự án AlgeaVi với những thành công ban đầu cho thấy hiệu quả của việc hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học. 

Để khởi nghiệp - sáng tạo không chỉ là phong trào

Dự án khởi nghiệp – sáng tạo Tảo Việt của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm -ĐH Đà Nẵng xuất sắc nằm trong Top 3 các dự án được cấp Chứng nhận hoàn thành khóa khóa ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian ươm tạo, dự án Tảo Việt AlgeaVi đã trải qua các công đoạn như: Hình thành cơ sở pháp lý để thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ; hoàn thiện công nghệ và sản phẩm; hình thành các giá trị cốt lõi và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ngay sau khóa ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, sản phẩm Tảo Việt Algeavi đã được ký kết hợp tác chuyển giao. Bà Lê Thành Thủy Tiên, CEO Đông Nam dược Bảo Linh đã đánh giá cao tiềm năng phát triển của các dự án Tảo Việt AlgeaVi bởi sản phẩm có tính đột phá cao, bắt kịp nhu cầu của cộng đồng trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe từ quy trình nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Thanh Trí (thứ 3 từ trái sang) với sản phẩm tảo xoắn Spirulina tại Techfect Quảng Nam 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Thanh Trí (thứ 3 từ trái sang) với sản phẩm tảo xoắn Spirulina tại Techfect Quảng Nam 2021. 

TS Trịnh Đăng Mậu chia sẻ: “Để một dự án trở thành một startup thực sự, được đưa ra thị trường và được người dùng thừa nhận đòi hỏi phải có một hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự. Trong đó, nhà trường và giảng viên hỗ trợ, đồng thời cũng là “nhà đầu tư thiên thần”.

Với dự án Tảo Việt AlgeaVi, Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng đã hỗ trợ tối đa các phòng nghiên cứu. Để một sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường và nhà đầu tư, buộc phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều thử nghiệm. Chỉ đơn cử như việc gửi mẫu đánh giá chất lượng sản phẩm cũng đòi hỏi phải thực hiện nhiều lần cùng với kinh phí đi kèm.

Quy trình nuôi trồng để chuyển giao cũng phải thực nghiệm nhiều lần mới có thể hoàn chỉnh được. Có thể xem đây là những hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu để dự án không dừng lại ở một cuộc thi khởi nghiệp - sáng tạo mà thúc đẩy nó thành một startup thực sự.

Sát cánh cùng nhóm AlgeaVi trong hơn 3 năm để theo đuổi dự án Tảo Việt, TS Trịnh Đăng Mậu nhận xét: “Để phát triển sản phẩm từ một ý tưởng khởi nghiệp - sáng tạo của sinh viên, nếu không có người cùng sát cánh hỗ trợ, có thể là giảng viên, là nhà đầu tư… thì chỉ có thể dừng lại ở sản phẩm mẫu.

Bởi vì dù các bạn sinh viên rất tốt về công nghệ, kỹ thuật nhưng lại thiếu kiến thức kinh tế, không định giá về sản phẩm, việc nhận định thị trường còn nhiều hạn chế nên rất khó định hướng các con đường đi của sản phẩm. Trong khi đó, nhà đầu tư thiên thần bao giờ cũng phải nhìn thấy được tiềm năng của dự án, bao gồm nguồn nhân lực và sản phẩm có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường hay không”.

Sản phẩm tảo xoắn Spirulina trong dự án của nhóm SV Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng.
 Sản phẩm tảo xoắn Spirulina trong dự án của nhóm SV Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. 

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, việc đưa khởi nghiệp vào trường đại học, cao đẳng gần như mới chỉ bắt đầu khởi động, chưa có chiến lược và hệ thống. “Trong khi đó, khởi nghiệp đòi hỏi phải liên tục, phải có sự hỗ trợ về tài chính và hạ tầng của các tổ chức trong nhà trường về khởi nghiệp. Cũng cần thiết phải đưa các chương trình ươm tạo về các trường đại học, cao đẳng”, ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn nhận xét.

Ở một góc độ khác, TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, cho rằng, đến nay, cả nước vẫn chưa có chính sách cụ thể về việc triển khai khởi nghiệp trong sinh viên, trong khi đó, các trường vẫn phải mang nhiệm vụ chính là giảng dạy, đào tạo theo đúng chuyên môn, khiến việc khởi nghiệp dễ bị xem là phong trào.

Với dự án khởi nghiệp – sáng tạo Tảo Việt, TS Trịnh Đăng Mậu cho biết, nguồn vốn hỗ trợ qua các giai đoạn khoảng hơn 400 triệu, gồm cả sự hỗ trợ từ các chương trình nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm và cả từ cá nhân giảng viên cùng đồng hành.

“Quỹ đầu tư cho dự án được phát triển từ phòng thí nghiệm, chính vì vậy, khi nhóm sinh viên dự án phát triển thành doanh nghiệp, có lợi nhuận thì doanh nghiệp quay trở lại hỗ trợ cho phòng thí nghiệm. 5 - 10% cổ phần của phòng thí nghiệm trong doanh nghiệp sẽ là quỹ để hỗ trợ các dòng sản phẩm tiếp theo hoặc hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên nhà trường”, TS Mậu chia sẻ.

Anh Lê Văn Kiêm, đồng tác giả dự án chia sẻ, các dự án khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo của sinh viên nếu muốn trở thành một startup, có sản phẩm đưa ra thị trường có thể không mới nhưng phải có được cái đặc điểm mới và quan trọng nhất là phải có sự kiên trì và đam mê. Nếu không có đam mê thì thường chỉ dừng lại ở sản phẩm mẫu để dự thi lấy giải là chủ yếu. Thường các dự án khởi nghiệp của sinh viên thì các kiến thức khoa học, công nghệ chiếm ưu thế nhưng các kiến thức về quản trị, thị trường lại yếu. Chính vì vậy, nếu muốn đi xa hơn thì cần phải có đồng đội, có sự liên kết giữa sinh viên khối ngành công nghệ - kỹ thuật và kinh tế thì tốt hơn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.