Trước hạn trường nghề phải chuyển đổi số:

Đầu tư xưởng thực hành ảo có khả thi?

GD&TĐ - Chỉ còn 2 năm nữa là đến mốc các trường nghề phải chuyển đổi số đạt mức độ 70% mục tiêu đặt ra.

Mô hình giải phẫu cơ thể người tại Trường CĐ Viễn Đông có thể giúp sinh viên học trực tiếp và online khi quét mã QR.
Mô hình giải phẫu cơ thể người tại Trường CĐ Viễn Đông có thể giúp sinh viên học trực tiếp và online khi quét mã QR.

Một số trường nghề tại TPHCM đã bắt đầu thực hiện quy trình chuyển đổi, áp dụng những xu hướng mới của thế giới như trí tuệ nhân tạo và các mô hình giải phẫu 3D. Dù chưa phải là những bước nhảy vọt nhưng đây là những nỗ lực vượt khó của các trường trong bối cảnh còn nhiều thứ phải lo.

Số hóa điểm danh - nhất cử lưỡng tiện

ThS Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Viễn Đông - một trong những trường nghề năng động trong chuyển đổi số tại TPHCM cho biết, trường áp dụng công nghệ thông tin trong rất nhiều nội dung chuyển đổi số, từ quản trị điều hành cho đến phục vụ chương trình giảng dạy, thực hành cho sinh viên.

Cụ thể, ngay từ năm 2015, trường đã sử dụng phần mềm để quản lý đào tạo. Cuối năm 2021, trường xây dựng ứng dụng (app) để sử dụng trên điện thoại thông minh. Với ứng dụng này, giáo viên dễ dàng điểm danh sinh viên thông qua quét mã QR, thống kê được số lượng sinh viên và thời lượng sinh viên tham gia lớp học.

Cán bộ phòng đào tạo cũng chỉ cần vài thao tác trên phần mềm quản lý đào tạo (có liên kết với ứng dụng) là có thể biết được tỉ lệ tham gia lớp học của sinh viên là bao nhiêu phần trăm, danh sách sinh viên đủ điều kiện dự thi cuối kỳ... Ngay cả phụ huynh cũng có thể theo dõi được lịch học của con khi truy cập ứng dụng này.

“Xu hướng hiện nay là người dùng thích sử dụng điện thoại hơn là truy cập website nên trường nhanh chóng chuyển đổi số. Giải pháp ứng dụng này giúp cho vấn đề quản lý việc học thuận lợi và chính xác cũng như tiết kiệm được chi phí in ấn ( không phải in hàng trăm cuốn sổ tay điểm danh). Ngoài ra, người dùng ứng dụng sẽ dễ dàng theo dõi lịch học, lịch thi, điểm số...”, ThS Ngọc Bích cho biết.

Cũng theo xu hướng này, trường đang xây dựng chat box trên ứng dụng Zalo OA trả lời tự động các thắc mắc cho sinh viên, nhất là với những bạn mới bước vào trường, còn nhiều bỡ ngỡ. Số lượng câu hỏi cập nhật cho chat box này là gần 1.000 câu. Dự kiến chat box sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023. Hiện tại nhà trường đang xây dựng chat GPT tích hợp vào các ứng dụng hỗ trợ giải đáp các câu hỏi mà sinh viên quan tâm, nêu ra.

Ông Võ Công Trí - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Sự kiện, Trường CĐ kỹ thuật - du lịch Sài Gòn (STC) cũng cho biết, trường ông đã số hóa điểm danh mỗi buổi lên lớp, cập nhật lịch học, lịch thi, điểm số bằng phần mềm ASC. Điều này tạo thuận lợi cho phụ huynh và sinh viên tiện theo dõi thông tin về lộ trình đào tạo, điểm số và chương trình chi tiết trong suốt thời gian học tập tại trường.

Ứng dụng của Trường CĐ Viễn Đông trên điện thoại, có thể giúp số hóa điểm danh.

Ứng dụng của Trường CĐ Viễn Đông trên điện thoại, có thể giúp số hóa điểm danh.

Thư viện số đã sẵn sàng “cung ứng”

Một trong những nhiệm vụ trong chuyển đổi số tại trường nghề là phải đầu tư xây dựng thư viện số. Theo kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND TPHCM, các trường nghề phải đầu tư xây dựng nền tảng học liệu số toàn ngành giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc kết hợp học liệu mở với xây dựng thị trường trao đổi học liệu. Trong đó, ưu tiên đầu tư, phát triển các học liệu số theo hướng ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường và thực tế hỗn hợp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay hầu hết các trường nghề đều đã đầu tư xây dựng thư viện số và bắt đầu quá trình chia sẻ với các trường khác. Ngay từ năm 2021, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã hợp tác liên thư viện và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin với Trường CĐ Công thương TPHCM và Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương.

TS Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường CĐ Cao Thắng cho biết, việc ký kết nhằm đa dạng hóa nguồn tài liệu, đem lại sự phục vụ tốt nhất cho giảng viên, học sinh, sinh viên đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, phục vụ công tác giảng dạy của giảng viên và nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

Việc chia sẻ cho bạn đọc dưới hình thức khai thác nguồn tài liệu liên thư viện, truy cập cơ sở dữ liệu nội sinh giữa các trường, cho thấy sự phù hợp, sự thích ứng với điều kiện và nhu cầu thực tế, đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Đây cũng là cơ hội lớn để thư viện các trường tiếp tục tăng tốc hiện đại hóa thư viện; liên kết, chia sẻ và dùng chung sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo cộng đồng thư viện lớn mạnh cùng phát triển.

Một số trường nghề khác như CĐ Kỹ thuật - du lịch Sài Gòn cũng đã trang bị hệ thống thư viện số, giúp sinh viên tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu tham khảo, thuận tiện cho việc tự học. Với dữ liệu ở mỗi khoa có khoảng 1.000 câu hỏi, sinh viên có thể tra cứu tài liệu phục vụ môn học và trau dồi thêm các kiến thức mở rộng bổ sung cho chuyên ngành chính.

Đầu tư xưởng thực hành ảo, có khả thi?

Theo kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND TPHCM, một trong 7 nhiệm vụ của trường nghề là đầu tư hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số. Trong đó, cho phép các trường thuê hoặc hợp tác công tư để đầu tư hạ tầng số, thiết bị thực tập số, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh... phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Thời gian thực hiện nằm trong giai đoạn từ 2024 - 2030.

Tuy vậy, theo nhìn nhận của một chuyên gia, việc đầu tư xưởng thực hành ảo hay phòng học thông minh cho các trường nghề là nhiệm vụ... bất khả thi. Bởi lẽ, chi phí để đầu tư cho xưởng thực hành ảo có khi còn cao hơn xưởng thực hành thực tế. Một lãnh đạo trường cao đẳng nghề cho hay, để có đủ trang thiết bị thực hành cho sinh viên, trường nghề phải đầu tư dần dần, mua sắm dần dần theo kiểu tích tiểu thành đại, mưa dầm thấm lâu thì mới có để sử dụng. Bây giờ, tập trung đầu tư cả hàng tỉ đồng cho xưởng thực hành ảo thì gần như là điều không thể.

Tuy không có xưởng thực hành ảo hay phòng học thông minh nhưng một số trường nghề có cách riêng đầy sáng tạo. Chẳng hạn, sinh viên ngành chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng, hộ sinh, chăm sóc da tại Trường CĐ Viễn Đông có thể học kết hợp mô hình thực tế và mô hình mô phỏng trên ứng dụng khi quét mã QR.

“Những mô hình cơ thể người để học thực hành đều được nhập khẩu từ Đức và đính kèm mã QR. Sinh viên sẽ được giáo viên cung cấp mã QR để tự nghiên cứu học tập trước khi đến lớp. Những mô hình 3D hiển thị rõ ràng và chi tiết tên từng bộ phận cơ thể người. Với cách học kết hợp mô hình thực tế và 3D trên điện thoại, sinh viên dễ dàng hình dung và nhớ được tên gọi, vị trí của từng bộ phận cơ thể người”, ThS Nguyễn Thị Ngọc Bích cho hay.

“Dù đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số nhưng hiện nay các trường nghề vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: Trình độ và nhận thức về ứng dụng công nghệ để dạy học vẫn chưa đồng đều giữa các giảng viên; Chi phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để chuyển đổi số vẫn còn lớn khiến các trường nghề chưa dám mạnh tay đầu tư”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ